Có bảo hiểm, nuôi trồng thủy sản sẽ phát triển quy mô lớn

Câu chuyện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, thay đổi tư duy làm lớn, ứng dụng công nghệ cao đủ sức vươn ra vùng biển khơi, mở rộng thị trường xuất khẩu... là những vấn đề nóng bỏng của ngành nuôi trồng thủy sản trên biển, dưới lăng kính nhà sản xuất, kinh doanh và đang 'đi theo' chương trình nuôi biển của Chính phủ, hướng đến quy mô nuôi công nghiệp. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP (STP Group). Bà Bình cho biết:

Bà Nguyễn Thị Hải Bình. Ảnh: Lệ Giang

Bà Nguyễn Thị Hải Bình. Ảnh: Lệ Giang

"Sau đợt bão Yagi năm 2024, các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển bằng gỗ, tre ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị thiệt hại gần như 100%. Còn những hộ sử dụng vật liệu HDPE (nhựa làm lồng) còn nguyên vẹn. Cơn bão số 12 năm 2017 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa cũng san phẳng lồng bè nuôi tôm hùm của ngư dân ở vịnh Vân Phong, trong khi đó, lồng nuôi cá làm bằng HDPE chịu được bão cấp 12".

Gắn định vị vào mỗi lồng nuôi

- Qua thiệt hại từ cơn bão Yagi, với tư cách là một nhà sản xuất vật liệu, nuôi trồng, bà rút ra được kinh nghiệm gì?

- Bão lớn ập đến tàn phá sạch mọi thứ, trụ điện bê tông cốt thép còn bị gãy đổ. Trên biển lại có thêm sóng lớn, khả năng tàn phá cao hơn trên đất liền. Nghề nuôi trồng thủy sản trên biển của nước ta được chia ra làm ba khu vực: nuôi an toàn, nuôi an toàn bình thường, nuôi xa bờ với nhiều khó khăn.

Tập đoàn STP Group đã tiên phong tích hợp công nghệ định vị GPS vào từng lồng nuôi - một bước tiến mới trong nuôi biển thông minh tại Việt Nam. Xét về khoa học kỹ thuật, trên thế giới đã làm nhiều rồi, nhưng đối với nước ta thì còn rất mới. Ưu điểm của việc gắn chip định vị là giúp người nuôi trồng tìm lại lồng trong trường hợp bị bão lớn đánh đứt dây neo trôi dạt. Nó cũng giúp các cơ quan quản lý Nhà nước xác định lồng bè có đặt đúng vị trí đã được quy hoạch vùng nuôi hay không, thông qua định vị được đánh số ô, số thửa theo từng hộ, doanh nghiệp. Qua đó, xác định được mật độ nuôi trồng có đảm bảo không. Nếu để lồng nuôi quá dày sẽ phá vỡ hệ sinh thái, dẫn đến quá tải, có nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Trước các biến cố thiên nhiên, STP Group đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ đánh chìm - nổi. Lồng nuôi có thể tự động hoặc bán tự động chìm xuống dưới mặt nước khi bão đến, giảm thiểu tác động trực tiếp từ sóng gió biển. Khi thời tiết ổn định, lồng sẽ nổi trở lại vị trí nuôi thông thường. Đây là giải pháp linh hoạt giúp bảo vệ an toàn cho hạ tầng nuôi trồng, con giống và tài sản của ngư dân.

- Chính phủ đã có đề án nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, thời gian vừa rồi, tốc độ chuyển đổi từ lồng gỗ, tre sang vật liệu HDPE như thế nào?

- Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng quy mô công nghiệp. Từ quyết định này, nhìn trên bình diện cả nước, có thể nói, vẫn chưa triển khai được nhiều trong thực tiễn. Trọng tâm của đề án là chuyển đổi công nghệ và phương thức nuôi trồng theo hướng hiện đại, quy mô công nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh được xem là địa phương đi tiên phong, đã ban hành quy chuẩn địa phương về vật liệu làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn bạt ngàn lồng tre, gỗ.

Ở vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), đã có doanh nghiệp nước ngoài nuôi cá chẽm quy mô công nghiệp hơn 20 năm rồi. Tại sao ngành thủy sản không dựa vào mô hình này để ban hành quy chuẩn, mà cứ loay hoay đi tìm mô hình thí điểm, mất hàng chục năm vẫn chưa ban hành được quy chuẩn quốc gia? Theo tôi, cần ban hành quy chuẩn Việt Nam về vật liệu nuôi biển, để theo kịp quá trình toàn cầu hóa. Doanh nghiệp, người dân sẽ căn cứ vào đó để thực hiện.

Khi chưa có quy chuẩn Việt Nam, các cơ quan chức năng hoặc tổ chức tài chính độc lập không có căn cứ để định giá giá trị lồng bè đang nuôi trên biển, dẫn đến các công ty bảo hiểm không có cơ sở để bán bảo hiểm cho lồng bè của doanh nghiệp, người dân. Không có bảo hiểm, ngân hàng cũng không thể cho vay vốn. Mọi thứ cứ bó buộc, chưa có lối thoát, trong khi nghề nuôi biển đầy rủi ro thiên tai, dịch bệnh, sẵn sàng “cuốn” sạch tài sản của bà con. Tôi xác định, đây là điểm nghẽn then chốt nếu muốn ngành nuôi biển phát triển theo hướng công nghiệp, bền vững và hội nhập.

Lồng nuôi thủy sản vật liệu mới của Công ty Cổ phần Tập đoàn STP tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Lệ Giang

Lồng nuôi thủy sản vật liệu mới của Công ty Cổ phần Tập đoàn STP tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Lệ Giang

Kiến nghị Chính phủ “gỡ” những khó khăn

- Vừa rồi, công ty của bà có chương trình “đồng hành” cùng ngư dân, cụ thể như thế nào?

- Câu chuyện liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân ở một số nơi trên đất liền đã làm rất tốt. Còn doanh nghiệp liên kết với ngư dân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển thì gần như chưa có gì. Vừa rồi, doanh nghiệp chúng tôi kết hợp với Tập đoàn Vingroup để hỗ trợ nguồn vốn cho ngư dân. Tập đoàn Vingroup có Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ bà con ngư dân huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) 50% giá trị khi bà con chuyển đổi từ lồng nuôi bằng gỗ, tre sang vật liệu mới. Tập đoàn STP Group hỗ trợ giống rong sụn để bà con phát triển giá trị gia tăng, tặng 50 cái phao cho mỗi hộ tham gia mới, thúc đẩy các chương trình môi trường xanh.

Tại Khánh Hòa, chúng tôi mong muốn xây dựng mô hình hợp tác xã hoạt động theo chuỗi liên kết. Muốn vậy, cần có ít nhất 10 hộ đăng ký tham gia trở lên. Mục tiêu là cùng bà con thay đổi, cải tiến phương thức nuôi trồng, có tầm nhìn lớn, chứ không đơn thuần là nhăm nhăm bán lồng. Khi đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, mới có thể nâng cao sản lượng, quản lý chất lượng sản phẩm tốt, mở rộng thị trường tiêu thụ, mang lại lợi nhuận cao. Hiện tại, doanh nghiệp chúng tôi đang xin giấy phép: 100ha tại Hòn Dung (vịnh Vân Phong) và 15ha tại Đầm Bấy (vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Đây sẽ là mô hình mẫu nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với du lịch.

- Qua hoạt động thực tiễn, bà có đề xuất những giải pháp nào để thúc đẩy đề án nuôi trồng thủy sản của Chính phủ đi nhanh hơn?

- Chính phủ đã có đề án phát triển nuôi trồng thủy sản, nhưng vẫn “mắc” ở một số chỗ. Tôi đưa ra một số đề xuất:

Thứ nhất, Nhà nước cần ban hành quy chuẩn quốc gia về vật liệu, thiết bị trong nuôi biển công nghệ cao, dựa trên thực tiễn đang có.

Thứ hai, tháo gỡ các chính sách hiện hành để các doanh nghiệp bảo hiểm yên tâm bán bảo hiểm cho lồng bè, lưới và sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Vì rủi ro trong lĩnh vực này quá lớn, chỉ cần một sự cố nghiêm trọng là có thể sạt nghiệp.

Thứ ba, nâng hạn mức vốn vay ngân hàng cho hộ nuôi trồng thủy sản từ 1 tỷ lên 3 tỷ đồng, để bà con có tư duy làm lớn, tiến ra nuôi ở vùng biển xa.

Thứ tư, lựa chọn công nghệ hiện có, không cần tốn quá nhiều chi phí để đi học hỏi ở Nhật Bản, Na Uy, Israel... Ngay tại Khánh Hòa đã có cơ sở nuôi cá chẽm lớn nhất thế giới rồi. Công ty này đã sử dụng thiết bị hiện đại để bảo vệ lồng nuôi và quản lý bằng công nghệ số.

Thứ năm, đề án của Chính phủ đã chọn một số tỉnh làm thí điểm: Khánh Hòa, Phú Yên, Kiên Giang, Quảng Ninh... Các tỉnh này đã hoàn thành quy hoạch, đủ điều kiện để triển khai rốt ráo. Chỉ có làm mạnh mới biết đúng - sai chỗ nào để tiếp tục điều chỉnh, phát triển mạnh mẽ.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Lệ Giang(thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-bao-hiem-nuoi-trong-thuy-san-se-phat-trien-quy-mo-lon-post490442.html