Có bắt buộc thẩm định, thẩm tra dự án công nghệ thông tin?

Theo phản ánh của ông Vũ Thế Anh, tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định về tổ chức thẩm định dự án có yêu cầu: “Chủ đầu tư tổ chức thẩm định và được phép thuê tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm thực hiện thẩm tra thiết kế chi tiết và dự toán để làm cơ sở thẩm định đối với các phần việc mà mình thực hiện, trừ trường hợp dự án thực hiện lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật”.

Căn cứ quy định trên, ông Thế Anh hỏi, có phải bất kỳ dự án đầu tư về CNTT nào cũng bắt buộc chủ đầu tư phải tổ chức thẩm định và tổ chức thẩm tra dự án đầu tư hay không? Chủ đầu tư phải thuê tư vấn thẩm tra dự án (đơn vị phải có năng lực và độc lập với chủ đầu tư) làm cơ sở để chủ đầu tư tổ chức thẩm định dự án có đúng không? Đối với dự án chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật thì chủ đầu tư không phải thẩm tra nên không phải thuê tư vấn thẩm tra dự án, chỉ yêu cầu chủ đầu tư tổ chức thẩm định dự án đầu tư có đúng không?

Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời như sau:

Nội dung trả lời dưới đây là áp dụng đối với dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, bao gồm vốn đầu tư công. Trường hợp dự án không sử dụng nguồn vốn này nhưng cơ quan, tổ chức vận dụng quy định để thực hiện thì cơ quan, tổ chức xem xét, quyết định việc vận dụng cho phù hợp.

Đối với việc thẩm định và thẩm tra dự án: Việc thẩm định dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước là quy định bắt buộc theo quy định của pháp luật đầu tư công và Nghị định số 73/2019/NĐ-CP.

Thẩm tra dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước không phải là yêu cầu bắt buộc.

Về thẩm định và thẩm tra thiết kế chi tiết, dự toán trong trường hợp thiết kế 2 bước theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP: Việc thẩm định thiết kế chi tiết và dự toán trong trường hợp thiết kế 2 bước là quy định bắt buộc theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP.

Việc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm thực hiện thẩm tra thiết kế chi tiết và dự toán không phải là quy định bắt buộc mà tùy vào trường hợp/dự án cụ thể, chủ đầu tư quyết định thuê hoặc không thuê tư vấn thẩm tra thiết kế chi tiết và dự toán.

Trường hợp thuê tư vấn thẩm tra thì chủ đầu tư thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật đấu thầu.

Đối với dự án sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước tự thu xếp (không phải vốn đầu tư công), ông Thế Anh nghiên cứu xem dự án mà ông nêu có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu không? Nếu có thì cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật đấu thầu để lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra.

Về vấn đề đơn vị tư vấn có năng lực và độc lập với chủ đầu tư, ông nghiên cứu các quy định của pháp luật đấu thầu về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu (Điều 6 Luật Đấu thầu) để thực hiện.

Trường hợp dự án chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật (thiết kế 1 bước) thì thẩm quyền thẩm định dự án không phải của chủ đầu tư mà là của đơn vị theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 40 Luật Đầu tư công; thẩm quyền thẩm định thiết kế chi tiết không phải của chủ đầu tư mà là của đơn vị chuyên môn về CNTT theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP.

Do đó, trường hợp lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật thì việc thẩm tra dự án không phải do chủ đầu tư quyết định.

Nếu cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định thẩm tra dự án thì chủ đầu tư tổ chức thuê tư vấn thẩm tra dự án.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/co-bat-buoc-tham-dinh-tham-tra-du-an-cong-nghe-thong-tin/426157.vgp