'Cò bệnh viện' online bủa vây người bệnh
Một tài khoản Facebook tự nhận là bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) tư vấn tận tình cho anh Nam. Anh sẽ được ưu đãi 50% phí khám, 30% phí điều trị xuất tinh sớm, tuy nhiên không phải ở bệnh viện mà tại một phòng khám khác.
Lời tòa soạn
Mạo danh bệnh viện và bác sĩ trên mạng xã hội không phải tình trạng mới nhưng ngày càng rầm rộ. Các hình thức lừa đảo thời đại 4.0 lấy người bệnh là mục tiêu trục lợi ngày càng tinh vi hơn, từ việc sử dụng hình ảnh bác sĩ bán thực phẩm chức năng, hay gọi điện cho phụ huynh để báo "con cấp cứu ở Chợ Rẫy", cho đến lập hàng loạt Fanpage gắn thương hiệu bệnh viện lớn theo kiểu "lập lờ". Thiệt hại không chỉ là tài chính mà còn là sức khỏe, tính mạng người bệnh, người dân.
Trong khi chờ đợi sự quyết liệt và phương thức quản lý hiệu quả hơn từ cơ quan chức năng, VietNamNet xin đăng tải tuyến bài về Mạo danh bác sĩ, bệnh viện trên không gian mạng, góp phần cảnh báo đến quý độc giả và người dân trước những chiêu trò ngày càng tinh vi trên mạng xã hội.
Bài 1: "Cò bệnh viện" online vây người bệnh
Khám riêng tư, giảm 50% chi phí
Rối bời vì chứng xuất tinh sớm, anh Phạm Minh Nam (1988, TP.HCM) tra cứu trên mạng và kết nối với một Fanpage tên Bác sĩ Nam Khoa - BV Bình Dân. Nghĩ rằng đây là bác sĩ chuyên ngành nam khoa, thuộc Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), anh Nam tin tưởng chia sẻ tình trạng khó nói của mình.
Người sử dụng tài khoản Bác sĩ Nam Khoa – BV Bình Dân cho biết tên là Trang, bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bình Dân. “Bác sĩ Trang” khuyên anh Nam đến phòng khám riêng để đảm bảo riêng tư, không khám chung nhiều người như tại bệnh viện.
Khi anh Nam bày tỏ lo lắng tiền khám ở viện tư thường đắt đỏ, người này khẳng định người khám nam khoa được giảm 50% chi phí khám và 30% phí điều trị. Tổng chi phí chỉ khoảng vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu và cần mang theo Căn cước công dân, Bảo hiểm y tế để làm thủ tục này.
Tuy nhiên, "bác sĩ Trang" không cung cấp tên phòng khám mà nói sẽ chỉ đường hoặc gửi định vị. Gặng hỏi nhiều lần, anh Nam được “bác sĩ” cho biết cứ đến địa chỉ số 78 Châu Văn Liêm, quận 5, TP.HCM rồi gọi điện.
Chiều 19/7, anh Nam đến địa chỉ 78 Châu Văn Liêm, quận 5, nhưng không có phòng khám bác sĩ Bệnh viện Bình Dân nào. Liên hệ với “bác sĩ Trang”, người này liên tục hỏi anh đã đến đâu rồi để chỉ đường, sau đó bác sĩ xác nhận đang ngồi trực trong Phòng khám H.C (80 Châu Văn Liêm) và động viên anh Nam vào khám.
"Em cứ vào trong nói có hẹn với bác sĩ Trang sẽ được dẫn lên", tài khoản này nhắn. Tuy nhiên, anh Nam không đồng ý vì cảm thấy… bất ổn. Để chắc ăn, anh gọi điện đến Bệnh viện Bình Dân và được biết Fanpage kia không phải của Bệnh viện Bình Dân, cũng không phải tài khoản của Khoa Nam học thuộc bệnh viện này.
“Cảm giác của tôi rất không yên tâm vì bác sĩ không nói thẳng tên phòng khám hay địa chỉ giống như bình thường mà cứ lòng vòng, muốn chỉ đường qua điện thoại”, anh nói.
Anh N.T.B., 50 tuổi, TP Thủ Đức, cũng gặp tình huống tương tự. Ngại đến bệnh viện đông đúc khám bệnh khó nói, anh lên Facebook tìm bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân. Khoảng 22h, anh kết nối với một tài khoản có tên Bác sĩ BV-Bình Dân.
Tài khoản này tự xưng là bác sĩ. Sau khi tư vấn tận tình, người này hẹn khám cho anh vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, địa điểm không phải là Bệnh viện Bình Dân mà là “chuyên khoa bệnh xã hội da liễu quận 5”, gần Bệnh viện Chợ Rẫy. Một lần nữa, bác sĩ này lại điều hướng bệnh nhân về phòng khám có địa chỉ trên đường Châu Văn Liêm. Trong khi đó, Bệnh viện Bình Dân khẳng định không có bất kỳ liên kết gì với phòng khám bên ngoài.
“Không khác gì cò bệnh viện thời 4.0”, anh B. nói. Bản thân anh B. từng bị "cò" dắt đến một phòng khám riêng của bác sĩ ngay trước cổng một bệnh viện chuyên khoa lớn. "Đợt đó, họ lân la hỏi thăm rồi đưa tôi đến một phòng khám, bác sĩ khám rồi tiêm một mũi thuốc hết 500.000 đồng. Về nhà rồi tôi mới nhận ra mình bị cò dắt đường".
Trao đổi với VietNamNet, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) khẳng định 2 tài khoản nói trên không phải Fanpage của bệnh viện cũng như Khoa Nam học của cơ sở này. Bệnh viện Bình Dân cũng không liên kết với phòng khám bên ngoài.
Chiêu trò cũ nhưng vẫn có nạn nhân?
Mạo danh bệnh viện lớn trên mạng xã hội rồi dẫn sang cơ sở khác không phải hiếm gặp. Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Quang Hùng, bác sĩ cao cấp, nguyên Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho hay tình trạng trên kéo dài nhiều năm qua, đến tận thời điểm này.
“Khoa Tạo hình thẩm mỹ của chúng tôi chỉ có duy nhất một cơ sở trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy (201B Nguyễn Chí Thanh, quận 5). Tuy nhiên, Facebook có rất nhiều tài khoản mạo danh, gắn tên thẩm mỹ Chợ Rẫy để làm người bệnh hiểu nhầm”, ông nói.
Theo bác sĩ Hùng, các tài khoản này thường lấy hình ảnh bác sĩ và ca bệnh của Khoa để tạo lòng tin, thuyết phục khách hàng một cách tinh vi.
“Công thức chung của các cơ sở mạo danh là kết nối với khách hàng, hẹn thời gian thực hiện dịch vụ. Đến ngày đó, khách hàng có mặt ở cổng Bệnh viện Chợ Rẫy (thật). Cơ sở mạo danh sẽ gọi điện thoại hỏi địa điểm chính xác và cho xe đến đón khách hàng, đưa đến một cơ sở khác.
Khi tư vấn, khách hàng được báo giá rẻ, chỉ khoảng 3 triệu tiền cắt mắt nhưng khi lên bàn mổ, số tiền tăng lên 7-8 triệu, thậm chí 10-15 triệu vì lý do “tiền nào của nấy”. Lúc này, người bệnh mới biết bị lừa. Một số trường hợp từ chối không thực hiện tại cơ sở mạo danh và quay lại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tâm trạng bức xúc.
Mới đây, bác sĩ Lê Vũ Tân, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM tiếp tục phải đăng cảnh báo về bị việc bị giả mạo tên tuổi. Là bác sĩ nổi tiếng, tài khoản Facebook có tích xanh và thường chia sẻ nhiều kiến thức về nam khoa, anh bị cắt ghép hình và gắn với quảng cáo cắt bao quy đầu giá 120.000 đồng. Tình trạng này đã kéo dài suốt nhiều năm qua.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cũng là người thường xuyên bị mượn tên tuổi, hình ảnh để kẻ gian bán thuốc và thực phẩm chức năng. Là bác sĩ chuyên khoa Nhi nhưng hình ảnh ông được gắn vào các trang bán thuốc tiểu đường, thuốc sinh lý rất rầm rộ.
“Người dân khi đặt mua thuốc chữa tiểu đường và chuyển tiền xong mới thấy có gì đó sai sai. Họ nhắn tin Facebook hỏi tôi và mới biết bị lừa. Tình huống này nhiều lắm, cảnh báo suốt nhưng vẫn có nạn nhân”, ông nói.
Bác sĩ Khanh cho hay, chiêu trò mạo danh bác sĩ bán thuốc/thực phẩm chức năng này ngày càng tinh vi hơn. Không dừng ở việc cắt ảnh hay photoshop, bài quảng cáo mạo danh hiện nay đang được thiết kế giống như một bài báo với các thông tin khoa học về bệnh lý. Sau đó mới là khuyến cáo của bác sĩ và bán thuốc. Về giao diện, bài quảng cáo còn giả mạo như được đăng trên Thanh Niên. Sự tinh vi và đầu tư này có thể cho thấy kẻ gian đã trục lợi thành công từ việc mạo danh bác sĩ, bệnh viện lớn.
Nhận diện rất dễ, sao vẫn có người bị lừa và không ai bị phạt?
Phó giáo sư, bác sĩ Đỗ Quang Hùng, Nguyên trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, khẳng định các chiêu trò lập lờ mạo danh bệnh viện lớn không khó biết nhưng không thấy cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm.
"Một ai đó tung tin thất thiệt trên Facebook sẽ bị xác minh, xử phạt 7,5 triệu đồng rất nhanh và hiệu quả. Vậy mà hàng loại tài khoản Facebook mạo danh khác vẫn tồn tại, trục lợi từ người bệnh. Tại sao lại vậy?
Bài 2: Nhận diện tài khoản mạo danh bệnh viện và bác sĩ
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-benh-vien-online-vay-nguoi-benh-2167534.html