Có bị 'loạn cào cào' nếu mỗi nhà trường được tự chọn sách giáo khoa?
Nhiều ý kiến cho rằng, mỗi trường một bộ sách giáo khoa lớp 1 khác nhau sẽ dẫn đến tình trạng 'gây khó' với những học sinh chuyển trường, chuyển cấp.
Bộ GD&ĐT vừa công bố 32 SGK lớp 1 của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt áp dụng từ năm học 2020 - 2021. TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, các NXB tổ chức biên soạn, in ấn, tuy nhiên việc lựa chọn bộ sách nào để áp dụng lại thuộc về các địa phương.
Sắp tới Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể về công tác lựa chọn SGK. Cụ thể, thành phần tham gia vào Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
"Việc lựa chọn SGK phải đảm bảo nguyên tắc những sách thuộc danh mục đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. SGK được lựa chọn phù hợp với điều kiện của địa phương và điều kiện tổ chức dạy và học. Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, mỗi tỉnh nên chọn ít nhất 2 bộ SGK" - TS. Thái Văn Tài cho biết.
Như vậy, sau nhiều năm tổ chức SGK dạng độc quyền, bắt đầu từ năm học tới, lớp 1 sẽ học bộ SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ sách và chương trình được kỳ vọng sẽ làm thay đổi chất lượng giáo dục phổ thông, theo hướng giảm tải, hình thành phát triển tư duy, năng lực của học sinh. Tuy nhiên, khâu lựa chọn SGK để áp dụng vào giảng dạy tại mỗi nơi sẽ không giống nhau, điều này đòi hỏi có sự tham gia chặt chẽ của địa phương, các chuyên gia, giáo viên.
Theo chia sẻ của một số giáo viên tiểu học, khâu lựa chọn cũng khá quan trọng, dù phần lớn SGK là thuộc về một NXB, song vẫn có những bộ sách khác để lựa chọn, việc sử dụng số lượng bao nhiêu loại sách cũng cần phải cân nhắc kỹ.
Theo đề xuất của một số giáo viên có kinh nghiệm, và phụ huynh có con đang học tiểu học, khâu lựa chọn SGK nên theo cùng chung một địa bàn, tránh trường này học bộ này, trường kia học bộ kia, khi chuyển trường, chuyển cấp học sinh sẽ khó khăn trong việc bắt kịp chương trình học mới và cũng dễ dàng mua SGK hơn, vì ít trường học sẽ khó mua sách.
Những lo lắng của một số giáo viên, phụ huynh hẳn là có cơ sở, bởi lựa chọn dùng SGK nào cũng không hề đơn giản. Hiện nay, một số bộ sách đã tổ chức thực nghệm, nhưng kết quả ra sao, thực tế có khó khăn gì chắc chỉ đơn vị tổ chức thực nghiệm hiểu rõ, đối với các địa phương chắc chắn khi lựa chọn sử dụng SGK nào sẽ phải tìm hiểu kỹ, lấy ý kiến trước khi đưa ra quyết định.
Tiêu biểu như, tại TP.HCM, vừa qua, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học. Ngoài công tác chuẩn bị về các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, việc lựa chọn SGK nào cũng được ngành GD&ĐT đặc biệt quan tâm.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, tất cả SGK đã được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt, 32 đầu sách đó đều có chất lượng, giá trị để thực hiện triển khai trong các trường. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của đơn vị mình thì hiệu trưởng phải cân nhắc, tham khảo các ý kiến.
Thành phố sẽ chỉ đạo các trường phải mua cho tủ sách dùng chung và giáo viên phải đọc hết tất các bộ sách để tham mưu việc lựa chọn. Trong quá trình lựa chọn lưu ý đến độ phù hợp, hình ảnh, tranh vẽ, các ngôn từ, câu chữ, văn phong phù hợp với học sinh. Việc học sách nào thì giáo viên cũng phải tham khảo nhiều SGK trong các bộ sách được thẩm định cũng như tài liệu tham khảo để dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ tháng 3 đến tháng 5/2020, các Sở GD&ĐT phối hợp nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Từ tháng 3 đến tháng 8/2020, các nhà trường tập huấn, nhà xuất bản triển khai chương trình in ấn và xuất bản.