Có bị phạt khi phát ngôn tiêu cực về cố nghệ sĩ Chí Tài?
Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác (kể cả với người chết) có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng.
Hai ngày qua, nhiều nghệ sĩ bày tỏ thái độ bức xúc, tức giận trước việc gymer Duy Nguyễn đăng clip có những phát ngôn tiêu cực về chuyện đời tư, gia đình của cố nghệ sĩ Chí Tài.
Sáng 14/12, hàng trăm người kéo đến phòng gym ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân (TP.HCM), để đòi gặp Duy Nguyễn.
Ngay sau đó, gymer này đã đăng clip xin lỗi cố nghệ sĩ Chí Tài, thân nhân và người hâm mộ của cố nghệ sĩ.
Việc đăng clip có những lời lẽ xúc phạm đến cố nghệ sĩ Chí Tài có thể bị xử lý ra sao?
Trao đổi với Zing, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết người đã chết cũng có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín theo Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, thân nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đã mất. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người chết có thể được thực hiện theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con đã thành niên. Trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết.
Điều này có nghĩa là vợ của cố nghệ sĩ Chí Tài sẽ là người có quyền yêu cầu thực hiện việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm cho ông.
Nếu việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm đó gây thiệt hại cho người chết, chẳng hạn vì bị vu oan, bêu riếu mà việc làm ăn, kinh doanh của gia đình người chết bị ảnh hưởng hoặc vì những thông tin xấu mà người chết bị xã hội lên án, chỉ trích, ảnh hưởng danh dự... thì những người trực tiếp liên quan cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự.
Những khoản thiệt hại được bồi thường do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm; thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm phải bồi thường những khoản nêu trên và thêm một khoản nữa để bù đắp, cao nhất bằng 100 lần mức lương cơ sở.
Ngoài ra, theo luật sư, nếu hành vi xúc phạm ở mức độ nặng nề thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, trường hợp bị hại đã chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại.
Có nghĩa là việc một người đã mất sẽ không ảnh hưởng nhiều tới quyền của họ trong tố tụng, vì lúc này người đại diện của họ sẽ thay họ thực hiện.
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm đến mức chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Cụ thể, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
"Để xác định hành vi xúc phạm có đến mức nghiêm trọng hay không, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh, làm rõ, thực hiện nghiệp vụ để đánh giá mức độ hành vi để xử lý theo quy định. Để tiến hành các bước này thì gia đình, người đại diện của người chết phải có đơn yêu cầu", luật sư Hùng chia sẻ.