Có biển cấm, ô tô vẫn ngang nhiên dừng đỗ thành hàng

Trong khi người dân, hộ kinh doanh đã dần đi vào nề nếp trong việc chấp hành quy định, trả lại lòng đường, vỉa hè cho người đi bộ và đảm bảo an toàn giao thông, thì ở một số nơi, câu chuyện trật tự đô thị vẫn còn nhiều nan giải...

Có biển cấm, ô tô vẫn vô tư dừng đỗ

Đi một vòng quanh địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), đặc biệt là các tuyến phố lớn, sầm uất về kinh doanh như Bà Triệu, Phố Huế, Trần Khát Chân, Lê Thanh Nghị, Minh Khai… tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hầu như không còn. Từng hàng xe cộ được xếp gọn gàng, ngay ngắn bên trong vạch kẻ sơn màu vàng. Người đi bộ thoải mái rảo bước mà không phải né chỗ này, tránh chỗ kia.

Để có được kết quả trên, theo ông Vũ Ngọc Quyết - Phó Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành cho biết, một trong những thuận lợi mà địa bàn phường nói riêng và quận Hai Bà Trưng nói chung có được đó là diện tích vỉa hè tương đối rộng.

Người dân cơ bản chấp hành việc sắp xếp phương tiện bên trong vạch sơn, đảm bảo hành lang cho người đi bộ

Người dân cơ bản chấp hành việc sắp xếp phương tiện bên trong vạch sơn, đảm bảo hành lang cho người đi bộ

Do vậy, khi triển khai chủ trương, kế hoạch của Ban chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội về lập lại trật tự văn minh đô thị, UBND phường Lê Đại Hành đã phối hợp với các lực lượng có liên quan đo, kẻ vẽ vạch sơn, tuyên truyền đến bà con nhân dân, các hộ kinh doanh mặt đường chấp hành việc sắp xếp phương tiện đúng quy định.

Ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô thấy rõ, từng tuyến phố giảm nhiều tình trạng xếp xe lộn xộn, đường thông, hè thoáng, tạo nên một bức tranh toàn cảnh văn minh, sạch đẹp, gọn gàng thấy rõ.

Ban chỉ đạo 197 phường duy trì công tác tuần tra kiểm soát, tuyên truyền, nhắc nhở người dân, các hộ kinh doanh chấp hành chủ trương của thành phố và quận Hai Bà Trưng

Ban chỉ đạo 197 phường duy trì công tác tuần tra kiểm soát, tuyên truyền, nhắc nhở người dân, các hộ kinh doanh chấp hành chủ trương của thành phố và quận Hai Bà Trưng

Ngoài ra còn phải kể đến sự nỗ lực của Ban chỉ đạo 197 phường, cùng với Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hai Bà Trưng đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân.

Cùng đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đảm bảo mục tiêu mỗi nhà, mỗi người dân đều nắm bắt được các chủ trương, kế hoạch từ thành phố đến cấp quận, từ đó lan tỏa sâu rộng, biến nội dung văn bản thành hành động cụ thể.

“Chúng tôi không nhân nhượng với các trường hợp cố tình vi phạm. Lực lượng chức năng xử lý nghiêm để răn đe. Khi thiệt hại lợi ích kinh tế rồi thì họ sẽ chấp hành rồi dần đi vào quy củ”, Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hai Bà Trưng trao đổi.

Đường cấm, nhưng ô tô vẫn dừng đỗ hai hàng

Đường cấm, nhưng ô tô vẫn dừng đỗ hai hàng

Tuy nhiên, cũng chính tại phường Lê Đại Hành đang bị “điểm mặt, chỉ tên” vì để vi phạm dưới lòng đường vẫn diễn ra. Dọc tuyến phố Lê Đại Hành hay Hoa Lư, dù đã có biển cấm dừng, đỗ, nhưng hai hàng ô tô vẫn chạy dài như thể được cấp phép.

Đây cũng là thực tế khó khăn của lực lượng chức năng phường này, khi mà cơ sở hạ tầng giao thông tĩnh thiếu, còn trụ sở cơ quan, doanh nghiệp thì mọc san sát, phương tiện của cán bộ, công nhân viên của các đơn vị này không biết để ở đâu.

Biển cấm cứ cấm, ô tô dừng đỗ cứ dừng đỗ

Biển cấm cứ cấm, ô tô dừng đỗ cứ dừng đỗ

“Các tòa nhà hầu như không có sân, hay tầng hầm xếp xe. Còn bãi xe được cấp phép thì chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của bà con. Chúng tôi cũng tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt nhiều, nhưng nếu cứ xử phạt liên tục thì lại thành phản cảm. Vì thực tế, bản thân họ cũng mong muốn có điểm trông giữ chứ chẳng ai muốn vi phạm cả…” - Phó Chủ tich UBND phường Lê Đại Hành thông tin thêm.

Xử lý ở trên, ở dưới lại vi phạm

Xử lý ở trên, ở dưới lại vi phạm

Đường phố chỉ phong quang, sạch đẹp khi có bóng lực lượng chức năng

Đường phố chỉ phong quang, sạch đẹp khi có bóng lực lượng chức năng

Cũng chính vì lẽ trên mới xảy ra tình huống dở khóc dở cười, khi lực lượng chức năng dẹp phía trước, phía sau ngay lập tức có xe đỗ trám vào vị trí mới đẩy đuổi. Chưa kể buổi trưa, các phương tiện đi lại, dừng đỗ đông hơn để ăn, uống. Khó, rất khó! Và có lẽ, câu chuyện giải quyết triệt để trật tự đô thị ở phường Lê Đại Hành sẽ còn nhiều gian nan.

Địa bàn giáp ranh, hạ tầng giao thông như thách thức

Cũng gặp khó khăn đối với phương tiện dừng đỗ dưới lòng đường bởi hạ tầng giao thông tĩnh thiếu, phường Minh Khai - quận Hai Bà Trưng còn phải giải quyết vấn đề trật tự an toàn giao thông do mật độ lưu lượng đi lại luôn ở mức cao.

Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Công an phường Minh Khai phân tích, địa bàn có nhiều tòa nhà cao tầng, nên tình trạng các phương tiện dừng đỗ để chủ phương tiện vào làm việc luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, mật độ giao thông cao nên dễ dẫn đến ùn tắc.

Địa bàn giáp ranh nên mật độ giao thông luôn ở mức cao

Địa bàn giáp ranh nên mật độ giao thông luôn ở mức cao

“Vì chủ phương tiện là người nơi khác đến, nên việc tuyên truyền của Công an phường chúng tôi đến với chính những người này cũng gặp khó. Ngoài ra, phương tiện vãng lai nên việc vi phạm cũng không cố định vào khung giờ cụ thể. Do vậy, chúng tôi phải bố trí cán bộ chiến sĩ tuần tra liên tục, dàn trải cả ngày rất vất vả” - Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn nói.

Địa bàn giáp ranh với các phường của quận Hoàng Mai, do vậy, các đơn vị cũng có sự phối hợp chặt chẽ, phân công lực lượng chốt tại các nút giao cắt trọng điểm, hướng dẫn, phân luồng giao thông. Mặt khác, đối với các vi phạm như bán hàng rong, phương tiện dừng đỗ, các đơn vị đã chủ động cùng triển khai ra quân, không để tình trạng xử lý vi phạm ở phường này, người vi phạm sẽ di chuyển sang địa phận phường bên cạnh để… né phạt.

Hạ tầng giao thông tĩnh thiếu, nên lòng đường dù có biển cấm vẫn không thể ngăn những chiếc xe này dừng đỗ

Hạ tầng giao thông tĩnh thiếu, nên lòng đường dù có biển cấm vẫn không thể ngăn những chiếc xe này dừng đỗ

Theo Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hai Bà Trưng, trên thực tế, sau 45 ngày ra quân, tổ chức xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng và vệ sinh môi trường, cơ bản người dân đã chấp hành. Còn về những tồn tại như việc phương tiện dừng đỗ sai quy định, thực tế, với cơ sở hạ tầng giao thông như thách thức, thì hiện vẫn phải tập trung tuyên truyền, mong người dân ủng hộ chủ trương của thành phố.

“Vì thực ra, tất cả những việc chúng tôi đã và đang làm, đều là nhằm phục vụ lợi ích của người dân. Đường thông hè thoáng thì bà con đi lại thuận tiện, an toàn. Và chúng tôi rất mong mỗi ngày, mỗi giờ, công việc của chúng tôi đều được bà con ủng hộ, chấp hành”.

Bản thân chủ phương tiện cho biết, không muốn vi phạm nhưng từ ngoại tỉnh lên Thủ đô làm việc không có chỗ gửi xe thì biết dừng đỗ ở đâu?

Bản thân chủ phương tiện cho biết, không muốn vi phạm nhưng từ ngoại tỉnh lên Thủ đô làm việc không có chỗ gửi xe thì biết dừng đỗ ở đâu?

Không khó để nhận ra bộ mặt thành phố đang thay đổi từng ngày. Có thể còn có chỗ, có nơi chưa triệt để, nhưng nó cũng phụ thuộc nhiều yếu tố mà phần lớn là khách quan. Tin rằng, thời gian tới, các nhà quản lý cũng sẽ sớm đưa ra những giải pháp giải quyết bài toán về cơ sở hạ tầng.

Song song với đó là câu chuyện đảm bảo an sinh xã hội cho những người, hộ gia đình hiện đang “bám” vào vỉa hè, lòng đường để mưu sinh. Khi và chỉ khi hai vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông tĩnh và an sinh xã hội được đảm bảo, khi ấy vi phạm trật tự đô thị chắc chắn sẽ chấm dứt!.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/co-bien-cam-o-to-van-ngang-nhien-dung-do-thanh-hang-post536746.antd