Có biện pháp quản lý, bảo vệ rừng từ tỉnh đến cơ sở

Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng và biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật diễn ra vào chiều 14/12.

Có biện pháp quản lý

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến tháng 12/2020, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch 3 loại rừng gần 351.000 ha, chiếm 44,91% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Tổng diện tích có rừng là 336.256,80 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,04%. Từ đầu năm đến nay, tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật với quy mô nhỏ lẻ vẫn còn diễn ra. Trong số 270 vụ phát hiện vi phạm, đến nay đã và đang xử lý vi phạm hành chính 264 vụ, lâm sản tịch thu 254,17 m3…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong chỉ đạo tại cuộc họp

Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đánh giá, nhìn chung việc thực hiện quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng được triển khai đồng bộ. Mức độ tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức có nhiều chuyển biến, từng bước đi vào nề nếp và mang lại hiệu quả tích cực. Vai trò trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng đã cơ bản được nâng cao. Đây chính là lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng ở cơ sở và thực thi pháp luật theo hướng bảo vệ rừng tại gốc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là trong thời gian dịch Covid-19, tình hình quản lý bảo vệ rừng còn diễn biến phức tạp, chậm được xử lý. Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng vệ tinh phục vụ quản lý, giám sát tài nguyên rừng của các đơn vị chưa được đồng bộ và kịp thời, chưa phát huy hết hiệu quả.

Quản lý, bảo vệ rừng (ảnh tư liệu)

Về một số giải pháp, nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, gắn với tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng từ tỉnh đến cơ sở. Triển khai tốt dự án Ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ quản lý, giám sát tài nguyên rừng. Đồng thời khắc phục, bổ sung kịp thời những hạn chế, thiếu sót của phần mềm, nhằm từng bước đưa vào sử dụng có hiệu quả.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra các cấp thúc đẩy và nâng cao chất lượng công tác điều tra. Qua đó, sớm kết luận, đưa ra xét xử các vụ án về lâm nghiệp, chống người thi hành công vụ phát sinh trong năm, không để kéo dài. Giao Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ liên quan phối hợp với lực lượng kiểm lâm điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phá rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh…

Liên quan đến các kiến nghị về bố trí thêm biên chế cho lực lượng kiểm lâm còn thiếu, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các đơn vị chủ rừng, lãnh đạo tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ để thống nhất tổ chức việc thi tuyển sớm. Riêng về đề nghị sử dụng nguồn vốn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng của một số đơn vị chủ rừng để tiếp tục ký kết quy chế phối hợp năm 2022 với Trung đoàn bộ binh 994 - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Phong giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính rà soát các quy định của pháp luật để thống nhất trình UBND tỉnh.

Kiều Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/co-bien-phap-quan-ly-bao-ve-rung-tu-tinh-den-co-so-143991.html