Cờ búa liềm rạng soi vùng đất mới

PTĐT - Để xây dựng lực lượng, căn cứ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh, Nhân dân vùng Đất Tổ đã dựa vào địa thế núi rừng, sự đồng lòng, đoàn kết để gây dựng nên 3 chiến khu...

Xã Hiền Lương hôm nay. Ảnh: Út Mười

Xã Hiền Lương hôm nay. Ảnh: Út Mười

PTĐT - Để xây dựng lực lượng, căn cứ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh, Nhân dân vùng Đất Tổ đã dựa vào địa thế núi rừng, sự đồng lòng, đoàn kết để gây dựng nên 3 chiến khu: Vần (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa), Vạn Thắng (xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê) và Phục Cổ (xã Minh Hòa, huyện Yên Lập). Đây chính là những cơ sở cách mạng tập hợp Nhân dân Phú Thọ đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần làm nên Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh mùng 2 tháng 9 năm 1945.

75 năm đã trôi qua, từ những trận địa, chiến hào ngày nào, nay đã căng tràn màu xanh của ruộng vườn, cây trái. Truyền thống lịch sử anh hùng đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho người dân nơi đây dựng xây cuộc sống mới.

Kỳ I: Nơi đầu tiên “dựng cờ, mở nghiệp”

Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, các chiến khu đã lần lượt ra đời trên vùng đất của tỉnh Phú Thọ. Ba chiến khu thời kỳ tiền khởi nghĩa đã tạo nên “thế chân kiềng”, trở thành nơi tập hợp và phát triển lực lượng cho Cách mạng tháng Tám, trong đó Vần- Hiền Lương là chiến khu được thành lập đầu tiên vào tháng 5 năm 1945. Sau này, đây chính là một trong những chiến khu quan trọng của cả nước, cũng là nơi dựng lên ngọn cờ búa liềm để làm nên khởi nghĩa cách mạng tháng Tám đầu tiên của tỉnh.
Nhớ lại 75 năm trước, từ yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, giữa năm 1943, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên BTV Trung ương Đảng đã trực tiếp về nghiên cứu, nắm tình hình ở hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái. Đồng chí đã nhận định địa thế ở khu vực Hiền Lương có thể xây dựng thành căn cứ cách mạng, trước mắt là xây dựng nơi đây thành cơ sở để đón các chiến sĩ cộng sản vượt ngục và là nơi để cán bộ dưới xuôi bị lộ lên tạm lánh, đồng thời xây dựng thành căn cứ du kích chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền ở hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái. Đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên (Phú Thọ - Yên Bái). Nhiều chiến sĩ cộng sản sau khi vượt ngục đã được đón về Hiền Lương an toàn. Trước sự phát triển lớn mạnh của phong trào cách mạng, thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày 14/5/1945 tại chùa Hiền Lương, đội du kích của chiến khu chính thức được thành lập và được vinh dự mang tên “Đội du kích Âu Cơ”. Từ chỗ chỉ có 33 đội viên, chưa đầy một tháng, đội đã quy tụ được hơn 100 người, trang bị một số vũ khí thu được của địch. Hưởng ứng chủ trương của Đảng phá kho thóc Nhật cứu đói cho dân, đội du kích Âu Cơ bí mật phá kho thóc Nhật ở Vân Hội thu được hàng trăm tấn thóc, giải quyết kịp thời nạn đói cho nhân dân trong vùng. Ngày 30/6/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ thị cho Tỉnh ủy Phú - Yên gấp rút chuẩn bị để giành chính quyền. Từ căn cứ Vần - Hiền Lương, quân dân Phú Thọ - Yên Bái cùng cả nước đã từ các vùng căn cứ địa cách mạng phối hợp với đồng bào đứng dậy Tổng khởi nghĩa.75 năm đã trôi qua cùng với những đổi thay cảnh vật nhưng vẫn còn đó tấm bia lịch sử trên bờ ngòi Vần, là minh chứng sống động, ghi dấu những ngày tháng hào hùng của nơi “dựng cờ, mở nghiệp”. Hiện ngay dưới chân bờ ngòi Vần, để gợi nhớ về một thời chở cán bộ hoạt động cách mạng ở nơi “trùng trùng nước, điệp điệp non”, xã Hiền Lương cho đầu tư những con thuyền nhỏ chở du khách đi thăm ngòi Vần, qua đó giới thiệu lại giai đoạn lịch sử của dân tộc. Đến giờ người dân Hiền Lương vẫn truyền nhau câu thơ nói về khí thế sục sôi của những ngày tiền khởi nghĩa: “Nhật về khủng bố Âu Cơ*/Bị quân dân đánh bất ngờ thua to/ Bốn thằng chết một đắm đò/Quân dân phấn khởi reo hò khắp nơi!” (*ý nói đến Đội du kích Âu Cơ).Là cái nôi cách mạng không chỉ là niềm vinh dự của xã Hiền Lương hôm nay mà còn là niềm tự hào chung của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Hạ Hòa. Hạ Hòa được biết đến là vùng đất hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử, văn hóa gắn với những thời kỳ dựng nước và lập nước của dân tộc. Nơi thành lập Đội du kích Âu Cơ trước đây, giờ là Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ, nơi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2019, người dân Hiền Lương nói riêng và huyện Hạ Hòa nói chung càng thêm vinh dự, tự hào khi Tượng Mẫu Âu Cơ được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Ứng dụng KHKT vào sản xuất, nhiều mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã Hiền Lương mang lại hiệu quả cao.- Mô hình trồng dưa nhà màng của gia đình anh Hà Văn Tú - khu 9 cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

Ứng dụng KHKT vào sản xuất, nhiều mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã Hiền Lương mang lại hiệu quả cao.- Mô hình trồng dưa nhà màng của gia đình anh Hà Văn Tú - khu 9 cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

Ông Lê Văn Tạo, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương phấn khởi cho biết: Thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính, sau khi sáp nhập với hai xã Quân Khê và Động Lâm thành đơn vị hành chính mới Hiền Lương, KT-XH của địa phương tiếp tục phát triển. Xã đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tổng thu ngân sách trên địa bàn luôn vượt kế hoạch, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 6%. Nếu như trước đây, để đến Hiền Lương là cả chặng đường dài thì giờ đây qua nút giao IC11, cao tốc Nội Bài- Lào Cai, du khách đã dễ dàng thăm viếng Đền Mẫu Âu Cơ rồi di chuyển đến di tích lịch sử Chiến khu Vần. Giao thông thuận lợi, hạ tầng cơ sở được đầu tư, nâng cấp đã tạo điều kiện để huyện Hạ Hòa khai thác tiềm năng, gắn với khâu đột phá phát triển du lịch. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Việt Dũng khẳng định: Thực hiện hai trong ba khâu đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển du lịch, thời gian qua, Hạ Hòa đã từng bước giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Đây là kết quả phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Nhờ đó tốc độ tăng thêm bình quân ước đạt 7,2%, vượt so với Nghị quyết; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng 20%, thương mại - du lịch - dịch vụ 39%, nông - lâm nghiệp, thủy sản 41%. Đến nay, Hạ Hòa đã xây dựng và hoàn thiện quy hoạch, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các điểm du lịch, bước đầu đã khai thác lợi thế và hình thành rõ nét sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh trong các tour du lịch văn hóa tâm linh: Phú Thọ- Yên Bái- Lào Cai; phát triển một số làng nghề sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ du khách như: Chế biến chè xã Yên Kỳ, Hiền Lương; bún xã Vĩnh Chân, bánh cuốn xã Xuân Áng, bánh gai xã Hiền Lương... Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch với nhiều hình thức phong phú gắn với tổ chức thành công các lễ hội truyền thống, hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm tại Khu du lịch Đầm Ao Châu, Ao Giời - Suối Tiên, Đầm Vân Hội; lựa chọn những địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố về cảnh quan, con người, an ninh trật tự để đầu tư xây dựng các điểm lưu trú hiện đại; hỗ trợ người dân khôi phục và phát triển làng nghề, hình thành các làng du lịch sinh thái cộng đồng...Là nơi ghi dấu chiến khu xưa, nơi dựng cờ khởi nghĩa đầu tiên của tỉnh Phú Thọ, những ngày tháng Tám này, suốt các trục đường chính của xã Hiền Lương đã rực rỡ cờ hoa, khẳng định sự tiếp nối mạch nguồn và nhân lên tinh thần Cách mạng tháng Tám để chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển KT-XH, phấn đấu xây dựng Hiền Lương sớm trở thành thị trấn của huyện Hạ Hòa trong tương lai không xa. Kỳ II: Trở lại đất rừng Phục Cổ

Nhóm PV Phòng Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202008/co-bua-liem-rang-soi-vung-dat-moi-172507