Có buông lỏng quản lý trong vận chuyển tài nguyên?

Báo GD&TĐ đã đăng tải bài viết: 'Dự án Đầu tư Xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai (Hòa Bình): Cần kiểm tra hoạt động vận chuyển đất'.

Xe tải ra vào chở đất tại xóm Dụ Phượng, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình.

Xe tải ra vào chở đất tại xóm Dụ Phượng, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình.

Chính quyền địa phương có dấu hiệu buông lỏng quản lý về hoạt động vận chuyển đất cấp theo giấy phép khai thác đất dôi dư của Dự án Đầu tư Xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai - Hòa Bình. Việc này dẫn đến nguy cơ gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước.

“Không nắm rõ” khối lượng vận chuyển đất

Trước đó, ngày 13/11/2024, Báo GD&TĐ đã đăng tải bài viết: “Dự án Đầu tư Xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai (Hòa Bình): Cần kiểm tra hoạt động vận chuyển đất”. Bài viết đề cập người dân sinh sống tại xóm Dụ Phượng (xã Mông Hóa, TP Hòa Bình) phản ánh về việc nhà thầu thi công san gạt, vận chuyển đất, gây bụi bặm, tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống…

Tiếp tục tìm hiểu vụ việc, Báo GD&TĐ nhận thấy: Theo Giấy phép số 46/GP-UBND ngày 30/8/2024 của UBND tỉnh Hòa Bình cấp cho Công ty TNHH nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai khai thác đất dôi dư nằm ở vị trí, phạm vi hạng mục Nhà máy nước và bể chứa trung gian thuộc Dự án Đầu tư Xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai (xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn và xã Mông Hóa, TP Hòa Bình) thì diện tích khai thác là 11,36ha, được giới hạn bởi các điểm khép góc từ điểm số 01 đến điểm số 44 có tọa độ xác định và thể hiện trên bản đồ khu vực tỷ lệ 1/5.000.

Trữ lượng khai thác là 1.985.930 m3. Trong đó, khối lượng đất đắp tại dự án là hơn 48.853 m3, khối lượng đất dôi dư 1.937.77 m3. Phương pháp khai thác lộ thiên. Thời hạn khai thác 1 năm. Tuy nhiên, trong thời gian san gạt đất, vận chuyển đất, chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Báo GD&TĐ đã liên hệ làm việc với Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình để làm rõ vấn đề giám sát, kiểm tra khối lượng đất đổ vào Khu đô thị Trung Minh A, Trung Minh B được thực hiện ra sao?

Ông Bùi Quang Toàn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết: “Sở có 3 người ở Phòng Khoáng sản, quản lý địa bàn cả tỉnh. Trong giấy phép đã có ghi trách nhiệm của từng cơ quan ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã”, trích lời lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, việc khai thác đất tại dự án này không phải là mỏ đất, mà chỉ là đất dôi dư trong quá trình san gạt đất thải làm dự án nhà máy nước.

Ông Phạm Hữu Huy, Phó Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết: Việc giám sát chở đất từ nhà máy nước sang Khu đô thị Trung Minh A, Trung Minh B với khối lượng phải đúng theo số lượng đất mà giấy phép đã cấp, chỉ được đổ vào các địa điểm ghi trong giấy phép đã được cấp.

Nếu chủ đầu tư và đơn vị thi công vận chuyển đất đi bán chỗ khác, hoặc vận chuyển số đất vượt quá giấy phép thì bị xử lý theo căn cứ quy định pháp luật.

 Xe tải xếp hàng chuẩn bị đổ đất tại Khu đô thị Trung Minh A, xã Trung Minh, TP Hòa Bình.

Xe tải xếp hàng chuẩn bị đổ đất tại Khu đô thị Trung Minh A, xã Trung Minh, TP Hòa Bình.

Quản lý Nhà nước về tài nguyên được thực hiện thế nào?

Khi được phóng viên đặt câu hỏi về số lượng khối đất mà Dự án Nhà máy nước Xuân Mai đổ vào Khu đô thị Trung Minh A, Trung Minh B đến thời điểm hiện tại (thời điểm làm việc với phóng viên) là bao nhiêu khối? Phó Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình nói: “Phòng ít người, không thể căng mình giám sát từng xe của đơn vị thi công được. Phòng chỉ giám sát dựa trên báo cáo của các đơn vị thi công vận chuyển đất và chủ đầu tư. Việc đổ đất này, theo thỏa thuận bán thương mại của 2 bên, giữa nhà máy nước và khu đô thị Trung Minh A, B - vì đơn vị này đã hoàn thành phần nộp thuế và phí môi trường”.

Luật sư Phạm Mai Hồng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Tâm Vàng cho biết: Việc UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy phép khai thác đất dôi dư phục vụ san lấp ngày 30/8/2024 cho Công ty TNHH nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai là phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được khai thác trong diện tích được giới hạn bởi các điểm khép góc từ điểm số 01 đến điểm số 44 được quy định tại điều 1 giấy phép và đã được cắm mốc trước khi khai thác trên thực địa.

Theo luật sư Hồng, hoạt động khai thác phải đảm bảo đúng mục đích sử dụng; theo đúng tọa độ, diện tích, trữ lượng khai thác được quy định tại điều 1 của giấy phép đã được cấp và phải được cung cấp cho Dự án Khu đô thị mới Trung Minh A, Dự án Khu đô thị mới Trung Minh B.

Sau khi cung cấp đất dôi dư cho các dự án trên, trường hợp khối lượng đất dôi dư còn lại thì phải ưu tiên cung cấp cho các công trình dự án trên địa bàn huyện Lương Sơn, địa bàn TP Hòa Bình và các dự án trên địa bàn tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng ý bằng văn bản.

 Toàn cảnh khu vực san gạt đất trên đồi tại xóm Dụ Phượng, xã Mông Hóa.

Toàn cảnh khu vực san gạt đất trên đồi tại xóm Dụ Phượng, xã Mông Hóa.

 Khu đô thị Trung Minh A và B nhìn từ trên cao, đang được thi công.

Khu đô thị Trung Minh A và B nhìn từ trên cao, đang được thi công.

Việc vận chuyển đất phải đáp ứng quy trình vận chuyển vật liệu xây dựng; điều kiện bảo vệ môi trường được quy định tại điểm b khoản 5, Điều 64, Luật Bảo vệ môi trường: “Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường”…

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước, theo chuyên gia pháp lý thì Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình phải biết rõ kế hoạch khai thác của doanh nghiệp (doanh nghiệp phải báo cáo bằng văn bản cho Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình) và kịp thời có ý kiến nếu thấy kế hoạch khai thác chưa phù hợp hoặc vi phạm quy định của pháp luật.

Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Lương Sơn, UBND TP Hòa Bình, UBND xã Lâm Sơn, UBND xã Mông Hóa và các cơ quan chức năng có liên quan phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện cắm mốc phạm vi khai thác, xác định tọa độ, mốc giới khu vực, phạm vi khai thác tại thực địa đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác đất san lấp của Công ty TNHH nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai.

Các cơ quan có thẩm quyền trên cần phải có biện pháp cụ thể để kiểm soát việc khai thác đất dôi dư đúng theo phê duyệt và quy định pháp luật như: Kiểm soát hai chiều giữa công ty nước sạch và chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Trung Minh A, Trung Minh B về khối lượng giao nhận đất đảm bảo thực hiện đúng các văn bản cấp phép của các bên; có biện pháp kiểm soát đầu xe tương ứng với khối lượng đất dôi dư, được khai thác và vận chuyển ra ngoài địa điểm khai thác, để đảm bảo khối lượng đất khai thác theo đúng giấy phép được cấp; có biện pháp kiểm soát công ty nước sạch chỉ được khai thác trong mốc giới đã được cắm mốc.

“Trường hợp công ty nước sạch sau khi cung cấp đủ đất cho hai dự án Trung Minh A, Trung Minh B mà khối lượng đất dôi dư khai thác chưa hết, nếu muốn cung cấp cho các dự án khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thì phải được UBND tỉnh Hòa Bình đồng ý bằng văn bản và các dự án muốn cung cấp phải là dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư”, luật sư Phạm Mai Hồng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Tâm Vàng phân tích.

Hà Hoàng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-buong-long-quan-ly-trong-van-chuyen-tai-nguyen-post712424.html