Cơ cấu lại vùng nguyên liệu mía
Liên tiếp trong nhiều năm liền, ngành Mía đường trong nước, trong đó có tỉnh ta gặp khó khăn, nhiều hộ trồng mía phế canh cây mía. Trước thực trạng đó, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương và các địa phương đã cơ cấu lại vùng nguyên liệu, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người nông dân quay trở lại đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng cây mía.
“3 cùng” với người trồng mía
Anh Nguyễn Đăng Khoa, cán bộ khuyến nông huyện Sơn Dương nhớ từng diện tích mía, giống mía của các hộ dân trồng mía 2 xã Chi Thiết và Hào Phú. Anh Khoa chia sẻ, sở dĩ anh nhớ chính xác diện tích mía từng nhà là do anh cùng cán bộ huyện, 2 xã Chi Thiết, Hào Phú thực hiện “3 cùng” (cùng trồng, cùng hướng dẫn kỹ thuật, cùng thu hoạch) với bà con.
Giai đoạn 2019 - 2021, giá mía nguyên liệu xuống thấp, tuy nhiên cây mía vẫn là cây trồng bền vững nhất hiện nay, khi nhà máy chế biến được đặt ngay tại huyện, người dân thu hoạch mía đến đâu, công ty thu mua đến đó. Chính vì lẽ đó, huyện Sơn Dương đã tập trung mọi giải pháp nhanh chóng khôi phục lại vùng nguyên liệu. Theo anh Khoa, tất cả đội ngũ cán bộ khuyến nông từ huyện đến xã như anh đều vào cuộc hỗ trợ người nông dân thu hoạch, trồng mía.
Sau 3 năm phế canh cây mía, gia đình anh Hoàng Văn Ngoan, thôn Khán Cầu, xã Chi Thiết (Sơn Dương) đã quay trở lại với cây mía. Anh Ngoan phấn khởi cho biết, gia đình anh được cán bộ khuyến nông huyện, xã hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng nên việc trồng mía tương đối thuận lợi. Năm nay, mưa thuận cây mía sinh trưởng phát triển rất tốt, cuối năm 2024 này gia đình sẽ có khoản thu cả trăm triệu đồng - anh Ngoan kỳ vọng.
Giáp ranh với xã Chi Thiết, đội ngũ cán bộ xã Hào Phú cũng đồng hành cùng người dân trong phát triển vùng nguyên liệu mía. Theo lãnh đạo xã Hào Phú, thời điểm tháng 2 - 3 xuống giống mía, hỗ trợ người dân đẩy nhanh tiến độ trồng mía, vào ngày cuối tuần 100% cán bộ xã ra đồng tham gia trồng mía cùng người dân. Xã Hào Phú giao cho cán bộ khuyến nông bám sát đồng ruộng, theo dõi diễn biến sâu, bệnh, hướng dẫn người dân cách phòng trừ.
Ông Vũ Văn Tâm, thôn Đồng Tâm, xã Hào Phú phấn khởi bảo, rất may có cán bộ xã giúp gia đình, nên việc trồng mía đúng trong khung thời vụ. Gia đình ông Tâm năm nay trồng mới 0,5 ha, năm tới chủ động được đất, giống sẽ mở rộng hết diện tích soi, vườn, ước tính sẽ đạt 1 ha mía.
Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Dương, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã phát triển được 370 ha mía, vượt 80 ha so với kế hoạch giao, nâng tổng số diện tích mía toàn huyện lên gần 1.000 ha. Các địa phương có diện tích trồng mới nhiều gồm: Hào Phú, Tam Đa, Chi Thiết, Đông Lợi… Huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phát triển mở rộng vùng nguyên liệu mía. Bởi so với nhiều cây trồng khác, mía vẫn là cây truyền thống và có tính bền vững nhất khi nhà máy chế biến được đặt ngay trên địa bàn.
Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, để người dân yên tâm trồng mía, công ty đã điều chỉnh giá thu mua nguyên liệu. Từ tháng 10-2023, công ty đã điều chỉnh giá thu mua mía nguyên liệu từ 1,05 triệu đồng/tấn lên 1,3 triệu đồng/tấn, tăng thêm 250 nghìn đồng/tấn; mía giống được điều chỉnh lên trên 1,4 triệu đồng/tấn. Giá mía nguyên liệu, các định mức vốn hỗ trợ đầu tư cho người trồng mía cũng tăng, trong đó trồng mới, trồng lại mía được công ty hỗ trợ 45 triệu đồng/ha; mía lưu gốc là 25 triệu đồng/ha. Từ đầu năm đến nay, công ty đã đầu tư 33 tỷ đồng và trên 6.000 tấn phân vi sinh, chưa kể một lượng lớn mía giống, máy móc thiết bị hỗ trợ làm đất đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu mía của người dân.
Tăng cường các chính sách khuyến khích đầu tư, đến nay, người nông dân đã mặn mà hơn với cây mía. Cuối năm 2023, theo khảo sát của công ty và các địa phương có khoảng 400 ha được đăng ký để trồng mới, song đến thời điểm này đã có 800 ha mía đã được trồng, vượt 200% kế hoạch, trồng lại trên 240 ha, nâng diện tích mía toàn tỉnh lên trên 2.500 ha.
Điều chỉnh kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu
Theo các chuyên gia kinh tế, sau nhiều năm chịu sự tác động tiêu cực của thị trường dẫn đến cả người dân và doanh nghiệp mía đường sản xuất, kinh doanh điêu đứng. Trước bối cảnh đó, ngành Mía đường của tỉnh đã cơ cấu lại vùng nguyên liệu mía nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu để nông dân có lợi.
Thực tế những năm về trước, vùng nguyên liệu mía được trải đều ở khắp các địa phương, nhiều vùng nguyên liệu cách xa nhà máy vài chục, thậm chí cả trăm km khiến cho việc thu hoạch, vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Mía sau khi được thu hoạch không được vận chuyển ngay đã làm giảm chất lượng mía. Do đó, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã và đang điều chỉnh kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, thay vì phát triển rộng, công ty sẽ tập trung vào vùng trọng điểm là huyện Sơn Dương và các vùng lân cận, trong đó, lõi của vùng nguyên liệu là các xã nằm trong khu vực nhà máy chế biến như: Hào Phú, Hồng Lạc, Tam Đa, Đại Phú, Đông Lợi…
Công ty tiếp tục đưa các giống mía có năng suất, chất lượng đường cao vào trồng thay thế dần các giống mía đã bị thoái hóa có năng suất, chất lượng thấp; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh nâng cao chất lượng mía nguyên liệu. Cơ giới hóa, hiện đại hóa cũng được công ty áp dụng từ làm đất, thu hoạch, vận chuyển để giảm bớt công lao động cho người trồng mía. Hy vọng những chính sách của công ty, sự đồng hành của người trồng mía, cây mía sẽ sớm lấy lại vị trí là cây trồng chủ lực - cây giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/co-cau-lai-vung-nguyen-lieu-mia-192701.html