Cơ cấu nhân sự Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kì mới sẽ được trẻ hóa

Việc đổi mới nội dung hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam trong nhiệm kì tới sẽ tập trung vào các vấn đề làm thế nào để thu hút thêm nhiều hội viên hơn nữa.

“Cơ cấu nhân sự Hội Xuất bản Việt Nam sẽ được trẻ hóa”, đó là khẳng định của ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam (nhiệm kì 2017-2023) tại cuộc họp báo, trước thềm Đại hội sẽ diễn ra vào ngày 12/7 tới tại Hà Nội. Theo đó, việc thu hút hội viên sẽ không chỉ là các đơn vị làm xuất bản truyền thống mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp nội dung số. “Trong thực tế, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp đã tham gia công tác xuất bản, mà ở đó tập hợp những người trẻ. Một số nhân lực trẻ (sinh năm 1980 trở về trước) thuộc các cơ quan, tổ chức của Hội sẽ có một tỷ lệ nhất định trong cơ cấu tham gia Ban chấp hành Hội. Ngoài ra còn có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, phát hành”- ông Hoàng Vĩnh Bảo nói.

Ông Nguyễn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành chia sẻ tại họp báo.

Ông Nguyễn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành chia sẻ tại họp báo.

Dự kiến nhân sự mới của Đại hội sẽ là 26/37 người (chiếm 70%), ủy viên là nữ chiếm số lượng 1/3 với 12/37 người. Số ủy viên trên 60 tuổi là 4/37 người. Việc đổi mới nội dung hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam trong nhiệm kì tới sẽ tập trung vào các vấn đề làm thế nào để thu hút thêm nhiều hội viên hơn nữa, không chỉ là những người từng tham gia hoạt động xuất bản mà còn thu hút nhiều đối tượng khác có vai trò, ảnh hưởng trong hoạt động xuất bản. Hiện nay, Hội Xuất bản có 187 hội viên, trong đó có 167 hội viên là tổ chức, 20 hội viên cá nhân và các chuyên gia.

Đánh giá kết quả hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam trong nhiệm kì vừa qua, Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV, nhiệm kì 2017-2023 nêu rõ: trong bối cảnh dịch Covid 19 cùng những khó khăn về mọi mặt của đất nước, Hội Xuất bản Việt Nam đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc một cách đa dạng, phù hợp với từng đối tượng độc giả, cùng các địa phương tổ chức Ngày hội sách cũng như các mô hình tuyên truyền, giới thiệu sách một cách có hiệu quả…

Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, các công ty phát hành rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số; sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ tham gia thiết thực vào thị trường xuất bản. Nếu như năm 2018, chúng ta mới chỉ có 4 nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử và 2 đơn vị thực hiện phát hành điện tử thì đến nay đã có 19 nhà xuất bản làm xuất bản điện tử, 19 đơn vị phát hành điện tử. Doanh thu năm 2018 hầu như không có nhưng đến thời điểm này, chúng ta đã có thị trường sách nói đạt doanh thu 53 tỷ đồng. Do vậy, trong thời gian tới, chuyển đổi số sẽ là hoạt động trọng tâm của ngành xuất bản.

Ông Nguyễn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định: “Điểm sáng phát triển văn hóa đọc là xây dựng được phố sách Nguyễn Văn Bình tại TPHCM. Khi chúng tôi mời các đoàn ASEAN đến tham quan và học tập đều mong muốn phát triển đường sách ở đất nước họ dựa trên mô hình này. Ngoài ra các đơn vị trong ngành cũng có nhiều sáng kiến, ví dụ nhà sách Phương Nam với mô hình Thành phố sách, Không gian Văn hóa sách”.

Đối với Hội Xuất bản Việt Nam, vấn đề bảo vệ bản quyền trở thành một bài toán lớn, bên cạnh việc chuyển đổi số và phát triển các thị trường mới. Để đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền, cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương. Ông Nguyễn Nguyên cho rằng, cần thực hiện 4 giải pháp quan trọng: Hoàn thiện thể chế, cụ thể là các chế định từ đó đưa ra các chế tài xử lý phù hợp; Nâng cao ý thức tự bảo vệ bản quyền của các đơn vị xuất bản; Tăng cường xây dựng các thiết chế quan trọng trong việc bảo vệ bản quyền, cụ thể và trước mắt là thành lập Trung tâm bảo vệ tác quyền và giao dịch bản quyền; Tuyên truyền, nâng cáo ý thức pháp luật về bản quyền…

Phương Thúy/VOV6

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/co-cau-nhan-su-hoi-xuat-ban-viet-nam-nhiem-ki-moi-se-duoc-tre-hoa-post1031113.vov