Cơ cấu tổ chức, bộ máy của HĐND TP Hà Nội phải đủ mạnh

Yêu cầu đặt ra là cơ cấu tổ chức, bộ máy của HĐND TP phải đủ mạnh để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới...

 Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Trần Hữu Bảo báo cáo tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về "Công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội". Ảnh: T.H

Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Trần Hữu Bảo báo cáo tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về "Công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội". Ảnh: T.H

Về HĐND thành phố Hà Nội

Sau khi tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình bước đầu nội dung cơ bản của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, về tăng số lượng đại biểu HĐND, tăng số lượng đại biểu chuyên trách, có ý kiến nhất trí về tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách và đề nghị số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cần bảo đảm tính đại diện, bảo đảm cơ cấu phù hợp; có ý kiến đề nghị chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND khi không tổ chức HĐND quận; số lượng đại biểu HĐND thành phố nên giao cho Hà Nội chủ động quyết định.

Về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình: quy định của dự thảo Luật được đề xuất trên cơ sở xem xét, đánh giá dự báo tác động của một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND.

Trong giai đoạn sắp tới, nếu được phân quyền mạnh mẽ thì HĐND TP Hà Nội sẽ tăng thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn so với các quy định hiện hành. Khối lượng công việc của HĐND TP sẽ tăng đáng kể (ngoài 38 nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì với sự phân quyền mạnh mẽ như quy định tại dự thảo Luật, số lượng nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP dự kiến sẽ tăng lên khoảng 110 nhiệm vụ, quyền hạn).

Mặt khác, nếu xét về tỷ lệ thì bình quân của Hà Nội là 105.000 người dân/01 đại biểu, thấp hơn bình quân chung cả nước là 26.500 người dân/01 đại biểu). Hiện nay, với việc không tổ chức HĐND phường, số lượng đại biểu HĐND các cấp của Thành phố đã giảm đi đáng kể và tới đây sẽ tiếp tục giảm khi một số huyện phát triển thành quận (không tổ chức HĐND phường nhiệm kỳ 2021-2026, Thành phố đã giảm trên 4000 đại biểu HĐND phường).

Do đó, yêu cầu đặt ra là cơ cấu tổ chức, bộ máy của HĐND TP phải đủ mạnh để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Trong đó, việc tăng số lượng đại biểu HĐND giúp mở rộng, tăng tính đại diện, đặc biệt đối với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND TP.

Về thường trực HĐND

Bộ Tư pháp nêu, có ý kiến cho rằng, quy định về số lượng Phó Chủ tịch HĐND và cơ cấu của Thường trực HĐND, Ban của HĐND tại dự thảo Luật chưa bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đề nghị không quy định Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội là Thường trực HĐND TP; nghiên cứu quy định việc đổi mới phương thức làm việc của HĐND TP để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp và chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động của thiết chế này.

Về ý kiến này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình:

tăng số Phó Chủ tịch HĐND (từ 02 lên 03 Phó Chủ tịch), mở rộng thành phần của Thường trực HĐND so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (bổ sung Ủy viên là Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP) nhằm bảo đảm nguồn nhân lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Việc đề xuất số lượng 03 Phó Chủ tịch HĐND TP bảo đảm sự tương đồng trong hệ thống chính trị và bộ máy thực thi nhiệm vụ của chính quyền Thủ đô. So với quy định tại Nghị quyết số 160/2021/QH14 ngày 8/4/2021 thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội, dự thảo Luật chỉ quy định tăng 03 đại biểu hoạt động chuyên trách của các Ban, không tăng ở lãnh đạo Ban.

Điểm d khoản 4 Điều 57 dự thảo Luật quy định HĐND TP có trách nhiệm đổi mới phương thức hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội, về vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể hơn về đổi mới phương thức làm việc của HĐND TP nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả.

Triển lãm tại Tháp nước Hàng Đậu diễn ra từ 17/11 - 31/12 - một điểm mới của Hà Nội hấp dẫn du khách. Ảnh: Khánh Huy

Triển lãm tại Tháp nước Hàng Đậu diễn ra từ 17/11 - 31/12 - một điểm mới của Hà Nội hấp dẫn du khách. Ảnh: Khánh Huy

Về nhiệm vụ Thường trực HĐND TP Hà Nội (khoản 4 Điều 9)

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc giao Thường trực HĐND một số thẩm quyền của HĐND giữa hai kỳ họp để bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Đầu tư công; không giao Thường trực HĐND quyết định việc chi hỗ trợ cho các cơ quan Trung ương trên địa bàn và các địa phương trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Thường trực HĐND thành phố quyết định vốn để lập quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng mới hay cải tạo, sửa chữa công trình…

Về ý kiến này, cơ quan chủ trì soạn thảo xin báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình:

trên cơ sở ý kiến tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến đề xuất của TP Hà Nội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phân tích, đánh giá tác động, cân nhắc kỹ những nội dung giao Thường trực HĐND giải quyết giữa các kỳ họp.

Theo đó, dự thảo Luật quy định 03 nhiệm vụ giao Thường trực HĐND TP quyết định. Đây là những nhiệm vụ diễn ra thường xuyên, đòi hỏi phải quyết định nhanh để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Mặt khác, đây là những việc mà HĐND đã quyết định về chủ trương nhằm bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP và Thường trực HĐND phải báo cáo HĐND TP tại kỳ họp gần nhất, qua đó vẫn bảo đảm thực hiện chức năng thẩm tra, giám sát của HĐND.

Bảo Lâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-cau-to-chuc-bo-may-cua-hdnd-tp-ha-noi-phai-du-manh-361404.html