Cơ cấu tuyển sinh GD nghề nghiệp còn nhiều bất cập, hạn chế phát triển nhân lực
Công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện còn nhiều bất cập.
Sáng nay, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề, diễn ra trong 2,5 ngày. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trong ngày 06/6.
Trước đó, ngày 30/5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Báo cáo số 66/BC-LĐTBXH về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó, có nội dung về: giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Giáo dục nghề nghiệp và hệ thống giáo dục đào tạo chưa thật sự mở
Theo báo cáo, về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực trong thực tiễn thời gian qua: Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: Giáo dục nghề nghiệp chưa gắn chặt với thị trường lao động; quy mô đào tạo còn nhỏ và cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu tăng nhanh lực lượng lao động có chứng chỉ bằng cấp và kỹ năng nghề nghiệp cao, đặc biệt đối với những lĩnh vực kinh tế mà Việt Nam có thế mạnh.
Chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, chuyển giao, nhân rộng các chương trình theo chuẩn quốc tế chưa đồng bộ.
Quy mô đào tạo chất lượng cao còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn và yêu cầu nâng cao chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh cao.
Đào tạo, đào tạo lại cho người lao động chưa được chú trọng.
Giáo dục nghề nghiệp và hệ thống giáo dục và đào tạo nói chung chưa thật sự mở, linh hoạt, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
Hội nhập quốc tế chưa chủ động và hiệu quả chưa cao. Giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động, khai thác tối đa các cơ hội và tiềm năng hợp tác đa phương và song phương khu vực và quốc tế.
Từ đó, những giải pháp được đề cập bao gồm: Tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để giáo dục nghề nghiệp gắn chặt với thị trường lao động, tăng cường tính mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng.
Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt công tác phân luồng, chú trọng phân luồng sớm, tăng cường lồng ghép giáo dục nghề nghiệp trong giáo dục phổ thông, có chính sách để thu hút học sinh khá giỏi vào giáo dục nghề nghiệp.
Nghiên cứu, bổ sung các trình độ đào tạo để hình thành hệ thống đào tạo thực hành trình độ cao. Có chính sách tôn vinh người lao động có kỹ năng, tay nghề cao.
Kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đào tạo gắn với yêu cầu của thị trường lao động.
Tiếp tục đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình, phương thức đào tạo và đánh giá, công nhận kỹ năng, trình độ của người học, người lao động theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại.
Tăng cường đào tạo chất lượng cao, đẩy nhanh hoàn thành việc thí điểm và nhân rộng các chương trình chuyển giao từ các nước tiên tiến ở tất cả các trình độ.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh đến đào tạo, đặt hàng đào tạo.
Tăng cường nguồn lực, tăng ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt cho phát triển đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn.
Chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác đào tạo, trao đổi chuyên gia, nhà giáo, người học và tích cực tham gia các hoạt động khu vực và quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.
Cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp còn bất cập
Về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Đến tháng 5/2023, cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 397 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó có 1.205 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (chiếm 63,8%) với 313 trường cao đẳng, 204 trường trung cấp, 698 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chiếm 64%, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập chiếm 36%; cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các bộ, ngành trung ương chiếm 25%, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc địa phương chiếm 75%.
Bước đầu hình thành mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo này cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp:
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuy đã phát triển nhưng còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa gắn với quy hoạch phát triển nhân lực, với quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương, cấp trình độ đào tạo.
Cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm hơn 80%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 20%.
Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; cơ cấu nghề đào tạo theo các ngành, nghề còn bất cập,...
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã được các bộ, ngành, địa phương rà soát theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 08/NQ-CP tuy nhiên vẫn còn tình trạng chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đưa ra các giải pháp: Rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp để quy hoạch, phát triển mạng lưới hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo yêu cầu phát triển về quy mô, chất lượng.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng.
Sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nhằm giảm mạnh đầu mối, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Tiếp tục thực hiện tự chủ theo lộ trình, áp dụng quản trị tiên tiến; chuyển đổi hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước và xã hội.