Cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 7/4, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo 'Cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh'.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; các nhà khoa học, chuyên gia… tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cùng với bộ, ngành Trung ương hiện đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thay Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó vấn đề đất đai cũng được đề cập rất nhiều.
Nếu chúng ta có cách tiếp cận đúng trong quản lý, phân bổ, khai thác sử dụng đất đai có hiệu quả, đó là động lực rất lớn cho sự phát triển, không chỉ là phát triển mà đó là phát triển bền vững.
Với nhận thức về vai trò của đất đai trong quá trình phát triển, đặc biệt là ổn định xã hội và phát triển bền vững, bảo đảm làm sao vừa quản lý, vừa khai thác, trong đó hài hòa được lợi ích các chủ thể có liên quan là vấn đề lãnh đạo thành phố luôn ý thức trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, “chúng tôi thừa nhận công tác quản lý nói chung, quản lý đất đai, quản lý đô thị và sử dụng đất đai của thành phố trong thời gian vừa qua cũng có nhiều điểm sáng, cũng có nhiều bất cập”, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết.
Theo ông Phan Văn Mãi, đây là vấn đề cần nhìn nhận lại, có kiến nghị về mặt cơ chế, khung pháp lý để có những chính sách, đặc biệt là có những giải pháp trong quản lý.
Theo đồng chí Vũ Hải Quân, hội thảo đặt ra mục tiêu là xây dựng cơ sở lý luận chung về chuyển dịch đất đai trong bối cảnh pháp lý ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, đề xuất các kiến nghị các nội dung về đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đồng thời, hội thảo tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan hữu quan trao đổi, thảo luận và góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trên cơ sở phân tích các quy định Luật Đất đai năm 2013 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối chiếu với bối cảnh cụ thể ở Thành phố Hồ Chí Minh để đề xuất cơ chế mang tính đột phá cho thành phố, và các góp ý cụ thể đối với dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù của Thành Hồ Chí Minh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đề cập đến chính sách đất đai đột phá đối với Thành phố Hồ Chí Minh, những gợi mở từ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Trương Trọng Hiểu, Trường đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất lựa chọn thành phố là địa phương thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Theo ông Trương Trọng Hiểu, vấn đề quan trọng nhất hiện nay và là thách thức trong nhiều năm qua là xây dựng và hình thành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chung.
Điểm nghẽn hiện nay chính là việc hình thành dữ liệu về giá đất, xuất phát từ hai lý do: thị trường bất động sản ở nước ta hoạt động chưa thật sự chính quy; pháp luật đến nay chưa có định chế và cơ chế để truy nhận thông tin về giá đất trên thị trường, ngoài dữ liệu về giá giao dịch mà cơ quan thuế đang quản lý.
Qua đó, ông Trương Trọng Hiểu cho rằng, việc triển khai cần được tiến hành từng bước, bao gồm: Đưa ra quy định và cả chế tài để buộc các bên có liên quan cung cấp thông tin về đất đai; quy định trách nhiệm của các đơn vị, bao gồm cơ quan thuế và tổ chức kinh doanh bất động sản xuất thông tin về đất đai lên hệ thống dữ liệu quốc gia; tổ chức xử lý và vận hành, khai thác dữ liệu một cách hiệu quả...
Qua các bài tham luận, phiên thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung phân tích 3 nhóm chủ đề chính: Cơ chế chuyển dịch đất đai; góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và kiến nghị chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh; khiếu nại và giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai.