Cơ chế đặc biệt, đặc thù đã tháo gỡ nhiều rào cản trong chống dịch Covid-19
Kinhtedothi- Chiều 10/10, tại Phiên họp 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đề nghị tiếp tục chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Chính phủ, Thủ tướng đã chủ động, sáng tạo trong áp dụng linh hoạt biện pháp chống dịch tại Nghị quyết 30, trên cơ sở bám sát thực tiễn, nhận định, dự báo tình hình dịch và dựa vào khoa học. Đặc biệt, Chính phủ đã thực hiện thành công chiến lược vaccine. Xác định vaccine là vũ khí quan trọng, ngay cả trước khi Nghị quyết 30 của Quốc hội ra đời, Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo, bằng mọi khả năng để tiếp cận được với vaccine xin sớm nhất, nhanh nhất, phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiếp cận sớm nhất”.
Chính phủ cũng đã có các quyết sách chuyển hướng chiến lược phù hợp với từng thời kỳ diễn biến dịch bệnh. Đến nay, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát dịch được dịch bệnh Covid-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ thừa nhận công tác phòng, chống dịch còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Trong đó công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động.
Trong báo cáo, Chính phủ cũng đề cập tình trạng viên chức, nhân viên y tế, nhất là các lực lượng phòng, chống dịch xin nghỉ việc, thôi việc do nhiều lý do. Ngoài ra, có tâm lý lo ngại, sợ sai từ các vụ việc tiêu cực phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến trục lợi trong mua sắm trang thiết vị y tế gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp cho đến hết 31/12/2023 nhằm tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trong đó, đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách còn chậm
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Nghị quyết 30 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch.
Cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đã giúp tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý, kịp thời huy động lực lượng lớn quân và dân, y tế tư nhân cùng y tế công lập tham gia phòng, chống dịch, bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế, thực hiện các biện pháp hỗ trợ an sinh, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng nhìn nhận việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách còn chậm, gây lúng túng và làm ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai ở địa phương và một số cơ sở, làm giảm tính cấp bách, hiệu quả của chính sách. Một số quy định do ban hành trong tình trạng khẩn cấp nên chưa được đánh giá tác động thận trọng, kỹ càng dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp nhiều lúng túng, khó khăn, thiếu đồng bộ, không nhất quán.
Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cũng đề cập đến tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu, áp dụng không nhất quán, thậm chí có biểu hiện “cát cứ”, chỉ lo cho riêng mình, chưa phối hợp tốt.
Ghi nhận kiến nghị của Chính phủ, tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, để có đủ cơ sở cho Quốc hội quyết định việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết và để thực hiện đạt hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực thì Chính phủ cần có Báo cáo đánh giá tổng quan, đánh giá tác động, từ đó đề ra phương hướng, danh mục cụ thể các nội dung cần làm cho thời gian tới phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, theo một số thông tin, trong năm 2023 sẽ xuất hiện nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, sẽ ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của nguy cơ thiếu thuốc này và có Tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường chỉ ra, năm 2023, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề về việc sử dụng nguồn lực trong phòng chống dịch bệnh, khi đó, sẽ tiếp tục làm rõ hơn các nguồn cho phòng, chống dịch bệnh như nguồn từ ngân sách, quỹ vaccine, nguồn viện trợ.... và các khoản chi, kiểm tra sử dụng nguồn đúng mục đích.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, bên cạnh những kết quả đạt được thì đến nay vẫn còn một số vấn đề như thiếu thuốc, vật tư y tế, cán bộ, nhân viên ngành y tế nghỉ việc nhiều do nhiều nguyên nhân...cần được quan tâm. Trong quá trình sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá, sẽ có làm việc phối hợp với các cơ quan để tính toán đưa vào những quy định đặc thù bảo đảm đấu thầu hiệu quả nhất là trong lĩnh vực y tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị trong thời gian tới, trong phòng chống dịch bệnh không chủ quan, kiến nghị dành nguồn nhân lực, tài lực vật lực để ứng phó kịp thời những vấn đề có thể phát sinh. Đồng thời, ngành y tế chủ động báo cáo Chính phủ và các địa phương không lãng phí nguồn vaccine, có giải pháp để người dân yên tâm thực hiện tiêm vaccine các mũi tăng cường.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Nghị quyết 30 là sáng kiến pháp luật, tạo điều kiện cho Chính phủ điều bành phòng, chống dịch cũng như phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong điều kiện khó khăn, do đó báo cáo cần khái quát sâu sắc hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu đúng phạm vi theo yêu cầu của Nghị quyết 30, đúng trọng tâm, báo cáo về kết quả thực hiện 10 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi có Nghị quyết 30 của Quốc hội.
Tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng bổ sung danh mục, số liệu cụ thể, rõ việc, rõ thời gian thực hiện, kết thúc, đánh giá tác động để rõ căn cứ pháp luật, nếu đủ điều kiện mới trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 tới đây.