Cơ chế đặc thù đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 4

Dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn Hà Nội được xem là dự án đầu tiên đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết triển khai đầu tư gắn với những cơ chế đặc thù chưa từng có tiền lệ. Nhờ đó, đã mang tới tiến độ thần tốc, đặc biệt trong công tác GPMB, bồi thường tái định cư mà chưa có một dự án đường vành đai nào tại Thủ đô đạt được những kết quả như trong thời gian vừa qua.

Ngôi nhà thờ cổ của dòng họ mà anh Nguyễn Văn Vinh đang được giao trọng trách trông nom là nơi cả dòng họ quây quần để hướng về tổ tiên, nguồn cội mỗi dịp Lễ Tết. Tuy nhiên, ngôi nhà cổ hơn trăm năm này sẽ là một trong 199 công trình tại thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê, huyện Mê Linh thuộc diện phải di dời để bàn giao mặt bằng cho Dự án đường Vành đai 4. Không chỉ nuối tiếc số tiền đã gia cố, mà ngay gỗ quý hay ngói cổ của ngôi nhà cũng khó tính ra thành số tiền cụ thể.

Để người dân đồng tình và ủng hộ, liên quan tới 12 công trình tâm linh có kiến trúc đặc biệt như nhà anh Vinh, Ban chỉ đạo huyện Mê Linh đã mời đơn vị tư vấn khảo sát, định giá và xem xét thêm các cơ chế hỗ trợ. Bên cạnh đó, là xây dựng khu tái định cư trở thành khu đô thị mini kiểu mẫu như thế này để người dân yên tâm bàn giao mặt bằng sạch cho dự án.

Nhờ sự chủ động của các địa phương, đã giúp cho Hà Nội hoàn thành 84% tỷ lệ giải phóng mặt bằng chỉ sau một năm 9 ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết và đủ điều kiện để khởi công vào cuối tháng 6 vừa qua. Thực tế chứng minh, việc cho phép tách dự án thành phần: GPMB, tái định cư thành các dự án độc lập và giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện là cách làm hay. Nhờ đó, đảm bảo việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước, không có tình trạng vừa thi công, vừa phải chờ mặt bằng sạch.

Ngoài công tác GPMB, tái định cư, xây dựng đường đô thị song hành bằng nguồn sách, theo các đại biểu Quốc hội, việc phân bổ nguồn vốn theo phương thức tổng hợp PPP cho dự án thành phần đường cao tốc cũng được coi là một trong cơ chế đặc thù giúp giảm áp lực vốn nhà nước và huy động được nguồn lực xã hội.

Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8 km, đi qua ba tỉnh thành là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Không chỉ vượt tiến độ GPMB, đến nay Hà Nội đã triển khai đồng loạt 29 mũi thi công trên toàn công trường. Tỉnh Hưng Yên cũng vừa chính thức khởi công dự án đường song hành tại địa phương. Còn tại Bắc Ninh, mới chỉ dừng lại ở việc động thổ dự án do dự án thành phần phê duyệt chậm hơn, chưa chọn được nhà thầu. Điều này cho thấy, cơ chế đặc thù là cơ sở, căn cứ pháp lý để đưa ra các giải pháp thực hiện, còn lại là việc triển khai cơ chế đặc thù đó như thế nào lại tùy thuộc vào sự chủ động và linh hoạt của từng địa phương.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/co-che-dac-thu-day-nhanh-tien-do-duong-vanh-dai-4-205203.htm