Cơ chế đặc thù giải quyết 'ách tắc' các dự án giao thông đường bộ

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, 8h00 sáng 09/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình ghi nhận thời gian qua Chính phủ đã tập trung quyết liệt và có những kết quả quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ, đưa các công trình hạ tầng thiết yếu, một số tuyến cao tốc vào khai thác sử dụng.

Đại biểu Lại Văn Hoàn thống nhất về sự cần thiết ban hành 5 nhóm cơ chế chính sách áp dụng thí điểm nhằm để tiếp tục giải quyết những vướng mắc tồn tại hiện nay, tháo gỡ những nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kế cấu hạ tầng, đặc biệt là giải quyết ách tắc về giao thông để tăng kích cầu phát triển kinh tế.

Theo đó, đại biểu đồng tình với các chính sách: thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường Quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương; về các dự án giao thông đường bộ đi qua nhiều địa phương; cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022.

Đồng tình việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, đại biểu Lại Văn Hoàn lý giải qua xem xét lại một số loại hình giao thông mang tầm chiến lược, tổng mức đầu tư rất lớn gồm nhiều hợp phần khác nhau đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng; đồng thời kêu gọi đầu tư vận hành và khai thác theo hình thức PPP. Vì vậy nguồn lực Nhà nước sẽ phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư. Một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác khó đảm bảo phương án tài chính…cũng cần được quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực nhà nước cao hơn.

Ngoài ra, một số dự án hạ tầng kết nối liên vùng dầu tư theo hình thức PPP được phê duyệt và triển khai trước khi luật PPP ban hành (năm 2020) có hiệu lực, trong đó nguồn lực Nhà nước chiếm tỷ trọng cao theo quy định của Luật và của Nghị định 63/2018/NĐCP về đầu tư theo phương thức PPP vẫn được tiếp tục triển khai thực hiện và cần được phân bổ đủ nguồn.

Dẫn chứng từ thực tiễn triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình, đây là tuyến đường quan trọng giúp kết nối các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thành phố Hải Phòng và các tỉnh ven biển, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh có tuyến đường đi qua. Dự án này được thực hiện trước khi Luật PPP ban hành, vì vậy tại thời điểm đó chưa có các quy định pháp luật ràng buộc về tỷ lệ phần vốn của Nhà nước tham gia dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án do ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như COVID-19, xung đột, khan hiếm nguyên vật liệu, giá cả tăng cao, chi phí nhân công, chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn dẫn đến chi phí thực hiện dự án tăng cao, chủ yếu tăng vào phần khối lượng do phần vốn Nhà nước đảm nhận, tăng lên 80% so với tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Như vậy nếu theo Tờ trình của Chính phủ, chỉ tăng phần vốn Nhà nước lên 70% thì cũng không tháo gỡ tồn tại, vướng mắc của dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội mà ngay từ khi thảo luận dự thảo đã thấy rõ không khả thi để tổ chức thực hiện thì cần phải được cân nhắc, thận trọng, vì dự án đang được triển khai với phần vốn Nhà nước là 66,7% và thực tế chi phí phần vốn Nhà nước đã tăng đến 80%, đại biểu chỉ rõ.

Từ những phân tích trên, đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị các đại biểu ủng hộ phương án đề xuất theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án thí điểm lên 80% tổng mức đầu tư, riêng đối với dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình đề nghị chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn nhà nước 80% tổng mức đầu tư của dự án, hoặc cho phép tiếp tục tăng phần vốn Nhà nước so với chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/co-che-dac-thu-giai-quyet-ach-tac-cac-du-an-giao-thong-duong-bo-197531.htm