Cơ chế đặc thù ở TP.HCM: 'Vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm'
Sáng 11/1, Học viện cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học mô hình chính quyền đô thị thực tiễn và giải pháp áp dụng tại TP.HCM. Ý kiến của các đại biểu tập trung phân tích về việc thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và những vấn đề đặt ra khi triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Các tham luận tại hội thảo đánh giá, cơ chế chính sách đặc thù là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ; nội dung và cách thức triển khai thận trọng, đảm bảo quy trình và thẩm quyền. Quá trình triển khai mất rất nhiều thời gian, công sức, phải thực hiện theo cách thức “vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm”.
TS Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện cán bộ cho rằng, Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có 44 cơ chế chính sách đặc thù. Đây là một khối công việc lớn, tạo ra thách thức không nhỏ với công tác nhân sự. Bởi, thí điểm vấn đề mới nhưng thực hiện vẫn là những con người cũ; hệ thống thể chế và cách thức vận dụng, áp dụng chưa hoàn thiện…
Theo TS Phan Hải Hồ, TP.HCM cần tập trung rà soát, xây dựng quy định về cơ chế, chính sách đặc thù; cách huy động vốn, thu hút nguồn lực theo TOD… Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 33/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi thành Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội để có hành lang pháp lý về cơ chế, chính sách đặc thù.
Ông Phan Hải Hồ đề xuất cần bố trí thêm một Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách thực hiện chính quyền đô thị: "Chúng ta cũng phải tập trung để triển khai hóa, hiện thực hóa các cái quy định của Nghị quyết 98. Đặc biệt các cái Nghị định của Chính phủ hướng dẫn các cái điểm chi tiết mà trong Nghị quyết 98 có nói là Chính phủ phải tập trung hướng dẫn quy định các cái nghị định chi tiết này. Chúng ta cũng nên mạnh dạn có những cái cơ chế chính sách đặc thù, ví dụ thế này thôi, đó là mô hình Thị trưởng, Luật tổ chức chính quyền đô thị và các cái vấn đề khác liên quan đến cái tổ chức triển khai các nghị quyết chúng ta".
Còn bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của HĐND, UBND, trách nhiệm của Chủ tịch UBND bởi “cái gì cũng đem ra xin ý kiến của tập thể ủy ban thì quá chậm”.
Vai trò của sở, ngành Thành phố, không chỉ là cơ quan tham mưu mà còn là cơ quan quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực để tránh đùn đẩy; đồng thời tăng thẩm quyền cho TP.Thủ Đức, các quận huyện.
Bà Thảo đề xuất, TP.HCM cần kiến nghị Trung ương cho TP có quyền chủ động về biên chế công chức, viên chức gắn với chủ động thu nhập cho cán bộ. Trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị cũng cần phải phát huy vai trò giám sát của nhân dân và đặc biệt là sớm có Luật Đô thị đặc biệt: "Nếu như Hà Nội có Luật Thủ đô thì TP.HCM cần có Luật đô thị đặc biệt hoặc Luật Đô thị chung, trong đó có TP.HCM. Việc này Trung ương cũng cho phép tiến hành chuẩn bị dự thảo, để Quốc hội xem xét có luật về đô thị. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng".