Cơ chế đặc thù phát triển Đà Nẵng: Lựa chọn lĩnh vực đột phá để tập trung phát triển

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, sáng 31.5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết bao gồm 3 chương với 18 Điều. Các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết được xây dựng như sau: quy định tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; điều chỉnh, bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long

Chính phủ đề xuất 5 chính sách mới theo thực tế của thành phố, trong đó, chính sách 1 đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (Điều 13 dự thảo nghị quyết).

Theo đó, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu và xác định Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao, công nghệ cao.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng có các khu chức năng: sản xuất; hậu cần cảng - logistics; thương mại - dịch vụ. Các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan.

Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo các quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.

Dự thảo Nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng tương tự như khu kinh tế.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Để đơn giản thủ tục hành chính, dự thảo Nghị quyết giao UBND TP. Đà Nẵng tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố trong ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng đảm bảo đồng bộ sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. UBND TP. Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Đồng thời quy định, Khu thương mại tự do Đà Nẵng là trường hợp được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai để đẩy nhanh việc thành lập mô hình khu mới này.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu thương mại tự do, dự thảo nghị quyết quy định một số chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể. Ngoài ra, để thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa, tại chỗ” đối với Khu thương mại tự do Đà Nẵng, dự thảo Nghị quyết quy định Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng và giao thẩm quyền cho Ban quản lý giải quyết trực tiếp các thủ tục về xây dựng, đất đai, đầu tư, môi trường, lao động, xuất xứ hàng hóa cho nhà đầu tư vào Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Đặt nền móng cho việc hình thành chính sách mới

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, về quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết và phạm vi chính sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần lưu ý một số quan điểm, nguyên tắc: Nghị quyết cần tập trung tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật; góp phần khơi thông nguồn lực; bảo đảm tính minh bạch, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước; bảo đảm tính đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW, song cũng cần khả thi, phù hợp với thực tiễn; phải thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Về nhóm chính sách đã quy định tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 được tiếp tục triển khai, không sửa đổi: Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với những chính sách Chính phủ trình.

Về thí điểm thành lập khu thương mại tự do (Điều 13), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đây là chủ trương lớn, có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý; là chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TP. Đà Nẵng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới.

"Nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng và của cả vùng. Bên cạnh đó, việc thí điểm mang ý nghĩa đặt nền móng cho việc hình thành chính sách mới trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; đồng thời, có lựa chọn lĩnh vực đột phá để tập trung phát triển là vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với chủ trương thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại TP. Đà Nẵng", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Đồng thời, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật. Do đó, để triển khai hiệu quả, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ, quy định cụ thể về một số nội dung sau: khái niệm, mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ; nguồn lực thực hiện, đầu tư phát triển hạ tầng… khu thương mại tự do; tác động đến phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội và tính lan tỏa vùng miền...

Về thí điểm cơ chế “một cửa” tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng trong Khu thương mại tự do (khoản 9 Điều 13), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, đây là quy định mới về thẩm quyền quản lý nhà nước nhằm tạo thuận lợi trong giải quyết các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp. Do đó, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất về chủ trương, song đề nghị giải trình làm rõ thêm để bảo đảm tính hợp lý về thẩm quyền, tính khả thi, năng lực tổ chức thực hiện, tác động về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là khi quy định mới có liên quan đến yếu tố nước ngoài.

Về thí điểm thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội đối với dự án xây dựng trung tâm logistics (khoản 4 Điều 11) và trong khu thương mại tự do (điểm a khoản 5 Điều 13), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đây là chính sách mới, được xây dựng phù hợp với đặc thù của TP. Đà Nẵng và theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Có chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng…”.

Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với dự thảo nghị quyết. Theo đó, cho phép thực hiện thí điểm thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm: trung tâm logistics và Khu thương mại tự do.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, việc thu hồi đất cần bảo đảm các điều kiện sau: không tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, các tổ chức liên quan trong thu hồi đất; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm nguồn lực thực hiện; mang lại hiệu quả kinh tế; tránh lãng phí đất đai, tài nguyên; quy định rõ trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong thí điểm thu hồi đất để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm: trung tâm logistics, khu thương mại tự do.

+ Cũng trong sáng nay, Quốc hội họp về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/co-che-dac-thu-phat-trien-da-nang-lua-chon-linh-vuc-dot-pha-de-tap-trung-phat-trien-i373552/