TPHCM: Kinh tế tăng trưởng hơn 6,4% trong nửa đầu năm 2024

Trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế TPHCM tiếp tục có sự phục hồi khi tăng trưởng 6,46%, cao hơn 2,91 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

Chiều ngày 1/7, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2024. Ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì phiên họp.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) ước tăng 6,46%, cao hơn 2,91 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,18% so với cùng kỳ.

Kinh tế TP.HCM tăng trưởng 6,46% trong nửa đầu năm 2024

Kinh tế TP.HCM tăng trưởng 6,46% trong nửa đầu năm 2024

Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5,55%; khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 7,26% so với cùng kỳ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,39%. Dự ước vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm đạt 18,2% so với GRDP.

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi nổi với nhiều chương trình được thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong mùa du lịch hè. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng dự ước tăng trưởng khá với mức tăng 10,0%, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 10,2%, lưu trú và ăn uống tăng 8,1%, dịch vụ lữ hành tăng 63,3% và dịch vụ khác tăng 7,2%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 22,56 tỷ USD, tăng 13,1% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 22,4%). Nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 4,6% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 24,2%).

Tổng doanh thu du lịch ước đạt 92.643 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 48,8% so với kế hoạch năm 2024. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt 17.135.045 lượt, tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2023, đạt 45,1% so với kế hoạch năm 2024. Khách quốc tế đạt 2.678.275 lượt, tăng 38% so cùng kỳ năm 2023, đạt 44,6% so với kế hoạch năm 2024.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Ngoài ra, đối với ngành công nghiệp cấp 2, có 17/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng so với cùng kỳ, thấp nhất trong quý 2 cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi nhưng chưa bền vững.

TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 79.263,776 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 3.168,56 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 75.577,22 tỷ đồng. Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước TP, tính đến ngày 28/6/2024, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của TP đã giải ngân là 10.129 tỷ đồng, đạt 12,8% tổng kế hoạch vốn được giao.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá cao những kết quả đã đạt được và mong muốn cả hệ thống chính trị TPHCM, đặc biệt là hệ thống chính quyền, sở ngành, địa phương phải tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để trong quý 3 phải tăng trên mức 7% và quý 4 phải 8% thì mới đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 7,5-8%. Đồng thời cho biết TP đã thành lập tổ chuyên trách để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TPHCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp

Trong 6 tháng cuối năm 2024, TP.HCM xác định thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố trong năm 2024. Đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95% theo như cam kết và kế hoạch đã đề ra.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 1, đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024. Tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư, trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng: Vành đai 4; Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ,… và 5 dự án áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc Hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm được kiềm chế, kéo giảm so với cùng kỳ năm 2023. Ghi nhận xảy ra 2.245 vụ, làm chết 33 người, bị thương 166 người, tài sản thiệt hại khoảng 722,36 tỉ đồng. Đã điều tra, khám phá 1.522 vụ (đạt 67,8%), bắt xử lý 2.705 đối tượng.

Vi phạm kinh tế: phát hiện, đấu tranh 738 vụ/675 cá nhân, 100 tổ chức có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; 483 vụ/185 cá nhân, 301 tổ chức có dấu hiệu vi phạm về môi trường, an toàn thực phẩm; trị giá hàng hóa thu giữ ước tính khoảng 59,9 tỷ đồng. Kết quả: Khởi tố 425 vụ/360 bị can; xử phạt VPHC 489 vụ/413 đối tượng trong lĩnh vực trật tự quản lý kinh tế, phạt tiền gần 11 tỷ đồng; xử phạt VPHC 299 vụ/151 cá nhân, 149 tổ chức trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm, phạt tiền trên 8,6 tỷ đồng.

Hoạt động phòng, chống tội phạm ma túy: Đã khám phá 1.337 vụ/3.363 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy. Thu giữ: 96,67 kg Heroin; khoảng 157,17 kg Cần sa... Đã khởi tố 1.22 vụ/2.121 bị can, XPHC 185 vụ/1.191 đối tượng, chuyển đơn vị khác xử lý 02 vụ/07 đối tượng; đang điều tra làm rõ 17 vụ/39 đối tượng.

Về tình hình cháy nổ: Ghi nhận xảy ra 234 vụ cháy, làm chết 10 người, bị thương 03 người; thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 5,046 tỷ đồng (so với cùng kỳ giảm 11 vụ, tương ứng 4,93%

Tình hình trật tự an toàn giao thông: Ghi nhận xảy ra 691 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 183 người, bị thương 466 (so với cùng kỳ tăng 15 vụ, tương ứng 2%; giảm 101 người chết, tương ứng giảm 36%; tăng 80 người bị thương, tương ứng 21%); không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt và tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

Thanh Minh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/tphcm-kinh-te-tang-truong-hon-64-trong-nua-dau-nam-2024_164185.html