Cơ chế đặc thù và dòng vốn tạo động lực cho thị trường bất động sản
Sáng 9/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 200 đại biểu là lãnh đạo bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia tài chính, cộng đồng doanh nghiệp tham dự diễn đàn thảo luận về cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản.

Quang cảnh diễn đàn về cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản.
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị định 76/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Nghị định 75/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Bối cảnh chung của thị trường bất động sản còn hàng trăm dự án gặp vướng mắc pháp lý, trong khi dòng vốn gặp nhiều rào cản về tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 170 và Nghị quyết số 171 chính là những chính sách đặc thù, đột phá giúp tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và dòng vốn.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho biết, sau khi vừa thông qua Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết 170 để giải quyết những vướng mắc về mặt pháp lý cho những dự án trước đây khi triển khai đã có sai phạm phải thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định. Mục tiêu làm thế nào để đưa những dự án kiểu này vào tiếp tục đầu tư, vận hành.
Nghị quyết số 171 liên quan đất đai cho phép nhà đầu tư có thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm nhà ở thương mại, kể cả khi chưa phải là đất ở.
Hai Nghị quyết đều liên quan đến vấn đề rất đặc thù, khác biệt với những quy định thông thường trong Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết số 171 của Quốc hội là sự lắng nghe và lấp đầy khoảng trống pháp luật đất đai do Luật Đất đai chưa quy định.
Từ đó kỳ vọng sớm tháo gỡ vướng mắc tại 86 dự án bất động sản đã dừng triển khai trong giai đoạn 2015-2023.
Với cơ chế đặc thù này, thành phố đã ghi nhận có 343 dự án bất động sản đăng ký triển khai với tổng quy mô diện tích khoảng 1.913ha, tương đương khoảng 216 nghìn căn nhà sẽ được đưa ra thị trường trong vòng 3 đến 10 năm tới.
Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản.

Dự án nhà ở xã hội tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đại diện lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2, dư nợ bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện đạt 1.098.000 tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, riêng hai tháng đầu năm 2025 đã tăng 1,15%. Tín dụng cho thị trường bất động sản vẫn đang tăng trưởng.
Các chuyên gia tài chính đã phân tích, chỉ rõ dòng vốn cho thị trường bất động sản ngoài tín dụng ngân hàng còn có trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu.
Điểm mấu chốt là nhà đầu tư cần tiếp cận như thế nào cho phù hợp, hiệu quả. Dòng vốn phải đi vào đúng mục đích.
Qua hai phiên thảo luận sôi nổi đã cho thấy cơ chế đặc thù và dòng vốn từ Nghị quyết số 170 và Nghị quyết số 171 của Quốc hội đã tạo động lực chính để thị trường bất động sản có thể phát triển bền vững.
Những dự án vướng mắc được tháo gỡ giúp tăng nguồn cung cho thị trường. Giá nhà đất trở về với giá trị thực và người dân có nhiều cơ hội để an cư hơn.