Cơ chế để người đứng đầu chính quyền phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp

(Tiếp theo kỳ trước)

Quan hệ giữa người đứng đầu chính quyền và cấp ủy cùng cấp

Mối quan hệ giữa cấp ủy cùng cấp và người đứng đầu chính quyền là mối quan hệ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò của cá nhân người đứng đầu; giữa tập trung và dân chủ; giữa tập trung và phân cấp, phân quyền; giữa lãnh đạo và quản lý; giữa tập thể và cá nhân. Do mỗi cấp, mỗi loại hình đơn vị, địa phương có đặc thù riêng nên mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong quan hệ công tác có sự khác nhau về cấp độ, tuy nhiên trong mọi hoàn cảnh đây là mối quan hệ thống nhất biện chứng, hài hòa vì mục đích phát triển chung của đất nước, dân tộc.

Thực tiễn, quan hệ giữa người đứng đầu chính quyền và cấp ủy trên địa bàn tỉnh đang thể hiện qua một số mô hình sau:

Đối với một tổ chức mà người đứng đầu cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền

Người đứng đầu cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền được thực hiện chủ yếu tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn. Mô hình người đứng đầu cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền thì người đứng đầu “kép” này nắm trong tay quyền lực rất lớn. Nếu là người có tâm và có tài, đầy đủ ý thức trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, tự giác tôn trọng nguyên tắc tổ chức, có văn hóa lãnh đạo thì tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy trong đơn vị, địa phương luôn bảo đảm thông suốt, kịp thời; mọi việc được giải quyết rất nhanh chóng, ít phát sinh tiêu cực, đơn vị, địa phương phát triển mạnh. Ngược lại, nếu người đứng đầu không tôn trọng nguyên tắc tổ chức, chuyên quyền, độc đoán sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực, thao túng tổ chức vì lợi ích và địa vị cá nhân. Quyền lực không bị kiểm soát chặt chẽ sẽ có nguy cơ nảy sinh tiêu cực, biến quyền lực của tổ chức thành quyền lực của cá nhân và tự cho mình quyền ban phát quyền lực đó cho người khác, từ đó làm biến dạng và suy yếu vai trò lãnh đạo, đặt đơn vị, địa phương vào tình thế mất dân chủ, không an toàn.

Ở cấp huyện, trong trường hợp chỉ “kết nối” chức danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước một cách hành chính thì nguy cơ tha hóa về quyền lực và nảy sinh tiêu cực là rất lớn, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ, ban hành chính sách, phê duyệt các chương trình, dự án...

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Thông báo số 223-TB/TW ngày 24-2-2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền địa phương cùng cấp, tỉnh Bình Phước đã thực hiện thí điểm bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND tại 2 huyện, thị xã (Lộc Ninh và Phước Long), 30 xã, phường, thị trấn và bố trí bí thư kiêm trưởng thôn, ấp, khu phố tại 321 thôn, ấp, khu phố trong 11 huyện, thị xã, thành phố. Nhìn chung mối quan hệ giữa người đứng đầu chính quyền và cấp ủy cùng cấp trong trường hợp người đứng đầu cấp ủy đồng thời cũng là người đứng đầu chính quyền đối với các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh được đánh giá là hiệu quả. Mô hình này cũng được đánh giá khá tốt ở một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh khi người đứng đầu có tâm, có tài, có trách nhiệm, gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, từng bước tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội tại địa phương, nhất là trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tại địa phương đủ phẩm chất, năng lực, uy tín tạo được niềm tin và sự gắn bó của nhân dân với Đảng, chính quyền.

Trường hợp người đứng đầu cấp ủy không đồng thời là người đứng đầu chính quyền

Đây là trường hợp phổ biến trong hệ thống chính trị của các tỉnh, thành phố trên cả nước hiện nay. Mối quan hệ giữa cấp ủy và người đứng đầu chính quyền là mối quan hệ biện chứng giữa tập thể Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý, điều hành. Mối quan hệ này được thể hiện ở các phương diện sau:

Một là, quan hệ trên cơ sở cùng chung mục tiêu, lý tưởng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đứng đầu chính quyền cũng phải gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp trên; nên việc tổ chức, điều hành cơ quan, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng. Thẩm quyền của cấp ủy thực hiện sự lãnh đạo chính trị của Đảng theo chủ trương, đường lối, nghị quyết, quyết sách của Đảng toàn diện trên các lĩnh vực, bảo đảm đúng quan điểm, nguyên tắc, phương hướng chính trị, tăng cường lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết, gắn với kiểm tra, giám sát, với giáo dục, tuyên truyền, vận động. Trong khi đó, thẩm quyền của người đứng đầu chính quyền là thể chế hóa để đường lối, nghị quyết của Đảng được thực hiện trong cuộc sống, là quản lý bằng pháp luật, cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu phát triển mà nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Hai là, quan hệ trên cơ sở phục tùng nguyên tắc Đảng. Nếu nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện đúng thì bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ, nhưng nếu không đúng thì xảy ra hai hiện tượng: hoặc tập trung vô giới hạn, dẫn đến mất dân chủ, việc gì cũng để người đứng đầu quyết định, xảy ra tình trạng độc đoán, chuyên quyền, trái với nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc dân chủ nhưng phân tán, nhiều ý kiến, nhưng cuối cùng tập thể quyết định; đến khi xảy ra sai phạm thì không ai chịu trách nhiệm, kể cả người đứng đầu; bởi, ai cũng nói, làm theo quyết định của tập thể. Thực tế, người đứng đầu cơ quan chính quyền cũng là người ở trong tập thể cấp ủy. Do vậy, người đứng đầu chính quyền cũng phải chịu trách nhiệm chung, không được đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Ba là, quan hệ trên cơ sở phân công rõ trách nhiệm được giao, cần nhận thức rõ mối quan hệ giữa thẩm quyền và trách nhiệm trong mỗi cương vị, ở mỗi người, với nhiệm vụ được giao phó, đảm trách cũng như phân biệt thẩm quyền, trách nhiệm giữa người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền trong quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Điều này là mấu chốt của sự phân định đặc trưng lãnh đạo của Đảng và tổ chức đảng với đặc trưng quản lý của Nhà nước và cơ quan nhà nước.

Năm 2010, có 20 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 665 tổ chức cơ sở đảng, 1.867 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 20.768 đảng viên; còn 135 đơn vị cơ sở chưa có tổ chức đảng, 63 đơn vị trực thuộc cơ sở chưa có chi bộ (trong đó có 4 thôn, ấp; 16 trường học; 43 trạm y tế), 24 đơn vị chưa có đảng viên.

Bốn là, quan hệ trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, đoàn kết trong việc lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị. Giữa người đứng đầu chính quyền và cấp ủy phải thường xuyên có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong công tác cán bộ.

Năm là, quan hệ trên cơ sở trung thực, chân tình, thẳng thắn. Mối quan hệ giữa cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền là tấm gương để toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng trong tổ chức noi theo; là động lực để mọi người hoàn toàn tự nguyện, tự giác, nỗ lực cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Mối quan hệ này liên quan không chỉ tới nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, quan hệ giữa cá nhân với cá nhân có tính lý luận và lý trí, mà còn liên quan tới đạo đức, phẩm giá trong động cơ, hành động, trong cách ứng xử của mỗi người.

Trên thực tế mối quan hệ người đứng đầu chính quyền với cấp ủy cùng cấp chủ yếu vẫn xoay quanh mối quan hệ giữa người đứng đầu chính quyền với bí thư cấp ủy hoặc mối quan hệ giữa người đứng đầu chính quyền với ban cán sự Đảng, thường trực cấp ủy cùng cấp và việc giải quyết mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; các cấp ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở đảng trên tất cả các mặt; thường xuyên quán triệt quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đến nay, Bình Phước có 21 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 734 tổ chức cơ sở đảng, 2.425 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 37.572 đảng viên; 100% thôn, ấp, khu phố, trường học, trạm y tế có chi bộ; 111/111 xã, phường, thị trấn là đảng bộ cơ sở; 100% xã, phường, thị trấn có chi bộ quân sự, công an; có 37 tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân (tăng 34 tổ chức đảng so với năm 2010).

Hiện nay, mô hình người đứng đầu cấp ủy không đồng thời là người đứng đầu chính quyền đang áp dụng tại 81/111 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thành phố của tỉnh Bình Phước. Nhìn chung, các địa phương đã giải quyết tương đối tốt mối quan hệ giữa cấp ủy và người đứng đầu chính quyền. Tuy nhiên, trong thực tiễn còn phát sinh một số biểu hiện sau:

Bí thư cấp ủy địa phương tự coi là người đứng đầu cao nhất, làm mờ nhạt vai trò tập thể lãnh đạo của cấp ủy; cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy bao biện, làm thay, lấn sân công việc của chính quyền làm cho người đứng đầu chính quyền không phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của mình trước cấp ủy cùng cấp; hoặc buông lỏng lãnh đạo chính quyền, không phát huy được vai trò lãnh đạo, thậm chí bị cơ quan chính quyền, người đứng đầu chính quyền lấn sân.

Người đứng đầu chính quyền không đề cao và phát huy trách nhiệm cá nhân trước tập thể, chưa thực sự là “đầu tàu”, ỷ lại vào cấp ủy, né tránh không dám chịu trách nhiệm, hoặc đẩy các công việc đáng lẽ thuộc thẩm quyền mình giải quyết sang cho cấp ủy để giữ “chốt an toàn” hoặc “khoán trắng” mọi việc cho cấp phó hoặc cấp dưới thuộc quyền.

Các hiện tượng nêu trên đều dẫn tới việc thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, gây mất đoàn kết giữa người đứng đầu chính quyền và cấp ủy cùng cấp, gây cản trở đối với sự phát triển của địa phương. Nguyên nhân của những hiện tượng nêu trên có nhiều, nhưng nguyên nhân trước hết và trực tiếp nhất vẫn là do người đứng đầu ở không ít đơn vị, địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm và tinh thần gương mẫu trong công tác. Vì vậy, có thể nói, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu (kể cả đứng đầu cấp ủy và đứng đầu chính quyền) là rất quan trọng, thể hiện cụ thể đó là: Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tính tiền phong gương mẫu, liêm chính, nói đi đôi với làm; tính dân chủ, tinh thần tập thể trong công tác và văn hóa ứng xử các mối quan hệ của người lãnh đạo; trình độ, năng lực, phẩm chất, phong cách của người lãnh đạo, quan điểm, phương pháp làm việc khách quan, toàn diện và cụ thể.

(Còn nữa)

Nguyễn Hồng Trà

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/128975/co-che-de-nguoi-dung-dau-chinh-quyen-phat-huy-day-du-vai-tro-trach-nhiem-truoc-cap-uy-cung-cap