Cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ phát huy hiệu quả

Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra rất nhiều cơ hội cũng như tạo cơ chế thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có kinh tế - thương mại. Hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước ngày càng hiệu quả và trở thành một xung lực quan trọng cho thúc đẩy quan hệ song phương.

Đối tác thương mại lớn của nhau

Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ đang phát triển một cách tích cực, đặc biệt là sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và mới đây nhất là chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ Khóa 79 và làm việc tại Mỹ hồi tháng 9-2024. Đây là những dấu mốc quan trọng đưa quan hệ Việt Nam - Mỹ lên tầm cao mới có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong sự phát triển trên nhiều lĩnh vực của cả hai nước này đã mở ra rất nhiều cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại trong tương lai.

Việc xác lập mối quan hệ ở tầm cao nhất giữa Việt Nam - Mỹ và chuyến làm việc của nhà lãnh đạo cao nhất nước ta đã đem đến cho hai nước, bao gồm lĩnh vực kinh tế - thương mại nhiều cơ hội, vận hội. Điều này mở cơ chế, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nước ta nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và bảo hộ được uy tín của mình trên thị trường Mỹ, trong khi các doanh nghiệp Mỹ cũng cần đến với Việt Nam nhiều hơn.

Có thể thấy, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước, trong đó kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng rất tích cực. Mỹ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực ASEAN và là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 6 của Mỹ trên thế giới. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng bình quân khoảng 16%/năm.

Bất chấp những ảnh hưởng bất lợi của thương mại toàn cầu, xung đột địa - chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ vẫn đang trên đà tăng tốc tích cực. Tính tới tháng 11-2024, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đạt 122,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ gần 109 tỷ USD, tăng trên 26% và nhập từ Mỹ đạt 13,5 tỷ USD, tăng 7,3%.

Trong khi đó, thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) cũng cho thấy, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ - Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đạt 112 tỷ USD, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 102 tỷ USD, tăng hơn 26% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đạt 10 tỷ USD, tăng gần 30%.

Hiện nay, cơ chế, khung khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã được xây dựng với nhiều cấp độ, mức độ khác nhau như hợp tác theo cơ chế đa phương tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC); hợp tác song phương như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), Hiệp định thương mại song phương (BTA)… Bên cạnh đó, Việt Nam và Mỹ cũng có nhiều kênh hợp tác từ các cơ quan cấp Bộ, các nhóm công tác liên bộ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; cơ chế hợp tác trao đổi về năng lượng; cơ chế hợp tác kinh tế do Bộ Khoa học Đầu tư chủ trì...

Trên cơ sở tổng hợp số liệu nhập khẩu từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên phòng Mỹ, có thể thấy Việt Nam có những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh khi chiếm tỷ trọng nhập khẩu đáng kể. Bên cạnh đó, đối với nhóm hàng tiềm năng, Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu khi tốc độ gia tăng của các nhóm hàng rất cao trong khi tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu của Mỹ còn rất khiêm tốn. Điều này cho thấy, Việt Nam có những cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu tập trung vào những nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng.

Thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững

Dù đang chứng tỏ khả năng phục hồi với tăng trưởng cao hơn dự báo, song theo các chuyên gia, năm 2025 có thể tiếp tục sẽ là năm khó khăn với kinh tế Mỹ, tốc độ tăng trưởng có thể thấp, lạm phát vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, số liệu về xuất nhập khẩu của Mỹ do Bộ Thương mại nước này công bố ngày 5-12 vừa qua cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt 4.432 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2023. Đáng lưu ý, trong đó nhập khẩu của Mỹ đạt 2.708 tỷ USD, xuất khẩu 1.724 tỷ USD và nhập siêu đạt gần 1.000 tỷ USD.

Theo nhận định của ông Peter Navarro, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ định làm cố vấn cấp cao về kinh tế và sản xuất của Mỹ, ông chủ Nhà trắng từ ngày 20-1-2025 nhận được sự ủng hộ cao của đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ về biện pháp ứng phó với tình trạng lạm phát, thâm hụt thương mại, xử lý vấn đề người nhập cư, bảo vệ người lao động trước hành vi thương mại cạnh tranh không công bằng, xử lý các vấn đề về xã hội, giáo dục, y tế... Thế nên, các chính sách, biện pháp bảo hộ của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ dễ dàng được thông qua.

Trong quá trình tranh cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã từng nhiều lần cảnh báo sẽ áp thuế từ 10-20% đối với hàng nhập khẩu của tất cả các nước và lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng chủ nhân sắp tới của Nhà trắng sẽ sử dụng các quyền hành pháp, bao gồm Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) cho phép Tổng thống Mỹ ứng phó với các trường hợp khẩn cấp thông qua các biện pháp kinh tế, để hành động ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20-1-2025.

Quan điểm kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật thương mại có đi có lại (USRTA) của chính quyền sắp tới cho phép Washington tăng thuế để áp dụng đối ứng với các quốc gia áp thuế cao hơn. Đạo luật nhằm buộc các đối tác thương mại giảm thuế bằng Mỹ và xóa bỏ rào cản phi thuế quan hoặc Mỹ tăng mức thuế tương ứng với mức tăng của đối tác thương mại. Theo tính toán, với kịch bản đầu, Mỹ có thể giảm thâm hụt thương mại xuống 58,3 tỷ USD.

Các biện pháp thuế quan tiềm năng của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ tác động rất lớn đến thương mại toàn cầu và nhiều đối tác thương mại của Mỹ đang chuẩn bị phương án ứng phó cho các tình huống. Theo ông Peter Navarro, nếu đạo luật USRTA có hiệu lực, các quốc gia và vùng lãnh thổ được ưu tiên trong danh sách đàm phán gồm Ấn Độ, Trung Quốc (nhóm 1). Tiếp đó là Liên minh châu Âu - EU (nhóm 2) và ở nhóm 3 có thể là Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc).

Trong bối cảnh đó, bên cạnh các mục tiêu hợp tác kinh tế thương mại trong dài hạn, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, nhiệm vụ chính trước mắt cần rất lưu ý giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại (dù về cơ bản điều này thể hiện cơ cấu ngoại thương của mỗi quốc gia, mang tính bổ trợ và ít cạnh tranh trực tiếp) và vấn đề lao động. Những yếu tố này có thể dẫn đến việc Bộ Thương mại của Mỹ khởi xướng điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại chống bán phá giá, chống trợ cấp, gian lận xuất xứ hàng hóa.... Qua trao đổi với các công ty tư vấn luật, cựu quan chức trong chính quyền, cũng như thông tin từ Quốc hội Mỹ, giới chức nước này đánh giá cao Việt Nam thông qua việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu. Cả hai bên đều coi nhau là đối tác có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu, với vị trí và vai trò ngày càng có ý nghĩa trong khu vực và quốc tế.

Trong hợp tác kinh tế - thương mại với Mỹ, Việt Nam cam kết tiếp tục mở cửa thị trường, đẩy nhanh giải quyết các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, thể hiện cam kết của chúng ta trong duy trì quan hệ thương mại đầu tư song phương phát triển tích cực. Việt Nam chủ trương thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, có kế hoạch mua nhiều hơn sản phẩm hàng hóa từ Mỹ, như máy bay, chip, khí hóa lỏng (LNG) để tiến tới cân bằng thương mại.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/co-che-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-viet-nam-my-phat-huy-hieu-qua-post599216.antd