Cơ chế nặng hành chính – nút thắt trong điều hành giá xăng dầu

Cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay nên chuyển từ quản lý hành chính nhà nước sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết.

Tại Việt Nam, giá xăng dầu được điều hành thông qua giá cơ sở. Mặc dù ngành xăng dầu có rất nhiều doanh nghiệp, các công ty kinh doanh của Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân nhưng giá bán ra trên thị trường phải dựa trên mức giá cơ sở do Nhà nước điều hành, 7 ngày công bố điều chỉnh một lần.

“Như vậy, thực chất giá bán ra trên thị trường ấy do Nhà nước ấn định”, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phân tích tại tọa đàm về phát triển thị trường xăng dầu mới đây.

Theo ông, Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu, thể hiện qua việc có những chính sách để không tạo ra cú sốc bất thường về giá xăng dầu trong nhiều kỳ biến động lớn của thị trường thế giới.

Tuy nhiên, cách này vẫn còn hạn chế, vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính của Nhà nước áp đặt mức giá cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, không bảo đảm lợi ích về lợi nhuận.

“Trong trường hợp công cụ áp đặt bị dùng quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích nữa thì đương nhiên, doanh nghiệp sẽ tìm biện pháp để lảng tránh. Điển hình nhất, thời gian qua, có những thời kỳ, có nơi người ta thông báo hết xăng dầu, không bán được”, ông Cường phân tích.

Theo đó, ông kiến nghị, việc sửa đổi chính sách quản lý trong thời gian tới phải hướng vào việc thay đổi cơ chế, chuyển từ cơ chế quản lý hành chính Nhà nước sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết.

Nguyên nhân là bởi hiện nay có cơ sở để dùng công cụ thị trường, không lo bị động bởi vì xăng dầu sản xuất trong nước có nguồn khá lớn (chiếm 70%), không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và không hoàn toàn bị động.

“Tôi cho rằng để thị trường cạnh tranh là yếu tố bao trùm”, ông Cường nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng giá xăng dầu nên để thị trường quyết định thay vì do nhà nước áp đặt. Ảnh: Hoàng Anh

Các chuyên gia cho rằng giá xăng dầu nên để thị trường quyết định thay vì do nhà nước áp đặt. Ảnh: Hoàng Anh

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo, cho rằng, nút thắt trong tất cả nghị định xăng dầu thời gian vừa qua vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá.

Các quy định được đưa ra quá kỹ và rõ ràng rằng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn 7 ngày phải xác định giá, đồng nghĩa rằng họ đang làm thay cho doanh nghiệp.

Theo ông Bảo, nên để thị trường vận hành, từ đó sẽ có mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi.

Trong khi đó, vai trò của Nhà nước trong thời gian tới là phải bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng cho nền kinh tế. Cùng với đó, bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để làm sao không có tác động mạnh từ biến động của thế giới.

PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, trong thảo luận hồi tháng 5, cũng đồng tình rằng giá xăng dầu nên để doanh nghiệp tự quyết và công bố, Nhà nước chỉ công bố giá giá quốc tế, tỷ lệ chi phí định mức.

Nếu đưa ra giá tối đa như hiện nay, doanh nghiệp dù có lãi cũng không có động lực giảm giá mà vẫn neo theo mức giá cao nhất được Nhà nước công bố.

Do đó, doanh nghiệp công bố trên cơ sở tự tính toán thì sẽ tạo được động lực cạnh tranh đến khâu bán lẻ cuối cùng nhưng điều này cần có sự giám sát, kiểm tra của Nhà nước.

Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang lấy ý kiến cũng đang cho thấy nguy cơ cơ chế mới tạo thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Cụ thể, dự thảo đưa ra cơ chế mới để quản lý giá bán xăng dầu, theo đó, doanh nghiệp được quyết định giá xăng dầu nhưng không cao hơn mức trần. Giá trần này được tính nguyên tắc chi phí cộng tới, gồm chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và thuế.

Như vậy, theo cơ chế được đề xuất, cơ quan nhà nước sẽ công bố các chi phí thành phần, rồi doanh nghiệp tự tính ra giá trần, thay vì như hiện nay là cơ quan nhà nước công bố giá trần.

Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo đánh giá của các doanh nghiệp, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức, chứ không thay đổi về bản chất việc quản lý giá xăng dầu.

Công thức tính giá và các chi phí thành phần cũng không có sự thay đổi đáng kể so với hiện hành.

Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu.

Vì thế đại đa số doanh nghiệp vẫn sẽ phải bán theo giá trần, chứ khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Như vậy, cơ chế mới này không có khác biệt trên thực tế so với hiện hành.

Dự thảo còn bổ sung quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục kê khai giá bán xăng dầu với cơ quan nhà nước.

Theo phân tích trên, trong trường hợp đại đa số các doanh nghiệp bán xăng dầu với giá trần, thủ tục kê khai giá này không mang lại ý nghĩa quản lý. Nhiều doanh nghiệp lo ngại cơ chế này sẽ tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

“Mỗi doanh nghiệp sẽ phải kê khai giá từng tuần khi cơ quan nhà nước công bố chi phí tạo nguồn mới, dẫn đến số lượt làm thủ tục rất lớn”, VCCI lưu ý.

Do đó, VCCI khuyến nghị, cần cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán (không có giá trần), đi kèm với các quy định về công khai, minh bạch giá để người tiêu dùng lựa chọn hoặc bỏ/miễn thủ tục kê khai giá khi doanh nghiệp bán hàng đúng bằng giá trần theo quy định.

Hoàng Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/co-che-nang-hanh-chinh-nut-that-trong-dieu-hanh-gia-xang-dau-1722366029710.htm