Cơ chế quản lý an toàn thực phẩm mới đang phát huy hiệu quả

Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2024 theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Sau khi thành lập, Sở ATTP Thành phố đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, tổ chức, phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước về ATTP. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Sở ATTP TP Hồ Chí Minh là cơ quan cấp sở đầu tiên trong cả nước quản lý ATTP, đề nghị đồng chí chia sẻ về kết quả bước đầu?

PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan: Sau 7 năm thí điểm mô hình cấp ban, đơn vị đúc rút được nhiều bài học, kinh nghiệm thực tiễn, nên khi chuyển qua mô hình quản lý cấp sở đã có sự chủ động hơn. Đảng ủy, Ban giám đốc Sở ATTP đã phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức, triển khai ngay các nhiệm vụ theo mô hình quản lý mới. Sở đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

 Lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh kiểm tra cơ sở chế biến thịt lợn trên địa bàn. Ảnh: THÀNH SƠN

Lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh kiểm tra cơ sở chế biến thịt lợn trên địa bàn. Ảnh: THÀNH SƠN

Sở đã thực hiện các giải pháp "Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn", tăng cường công tác cải cách hành chính và nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh ATTP. Trong đó, Sở ATTP đã đề nghị các đơn vị, cơ sở, trường học, nhà hàng phục vụ du lịch sử dụng thực phẩm sạch.

Từ ngày 1-1-2024 đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được đẩy mạnh, các đội quản lý ATTP đã kiểm tra 1.503 cơ sở. Số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đã giảm về quy mô, số lượng, nhờ biện pháp phòng, chống ngộ độc ở các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp dành cho các công ty, trường học.

Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, TP Hồ Chí Minh tổ chức tốt Tháng hành động vì ATTP năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” từ ngày 15-4 đến ngày 15-5, tạo được hiệu ứng lan tỏa về nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân.

PV: Có được kết quả ấy là nhờ những giải pháp, biện pháp cụ thể nào, thưa đồng chí?

PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan: Khi chuyển đổi mô hình cấp sở đã tạo thuận lợi rất lớn, đặc biệt là về mặt quản lý nhà nước; hiệu lực, hiệu quả hơn khi triển khai các biện pháp kiểm tra; xử lý vi phạm cũng có sự đồng bộ hơn. Đặc biệt là ứng phó kịp thời trước những tình huống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Chẳng hạn như vụ nhiều sinh viên ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ở TP Thủ Đức nghi ngộ độc thực phẩm. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin báo cáo, Sở ATTP đã có công văn khẩn gửi UBND TP Thủ Đức đề nghị chỉ đạo cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm. Cơ quan chuyên môn thuộc Sở cũng đã phối hợp với địa phương làm rõ và có phương án xử lý kịp thời.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết những khó khăn và giải pháp bảo đảm ATTP đối với địa bàn đặc thù, đô thị lớn quy mô như TP Hồ Chí Minh?

PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan: TP Hồ Chí Minh là đô thị đông dân nhất cả nước, đầu mối tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu nên luôn có nhiều nguy cơ, vấn đề nảy sinh mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, văn hóa ẩm thực đường phố, chợ tự phát, kinh doanh vỉa hè, hẻm dân cư và thói quen sử dụng, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng thực phẩm của nhiều người dân cũng gây khó khăn đối với công tác bảo đảm ATTP. Tình trạng manh mún trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng tác động không nhỏ, gây nên nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Chuỗi cung ứng thực phẩm dù đã hình thành nhưng tính đồng bộ chưa cao, sự phối hợp có lúc chưa chặt chẽ, vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở sản xuất, kinh doanh còn chưa chủ động thể hiện vai trò trong xây dựng, tham gia các chuỗi cung ứng trong thành phố và liên tỉnh...

Muốn khắc phục những khó khăn, tồn tại này không chỉ riêng vai trò của Sở ATTP Thành phố mà cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều sở, ngành, địa phương; sự hưởng ứng, đồng hành, chung tay của người dân. Sở ATTP Thành phố sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố tăng cường chỉ đạo, ban hành các văn bản, quy định mới phù hợp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, xử lý đối với lĩnh vực liên quan đến ATTP.

Hiện nay, tại 3 chợ đầu mối lớn trên địa bàn, mỗi ngày tiếp nhận trung bình 7.600 tấn nông sản. Sở ATTP Thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, chuỗi thực phẩm sạch liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố dựa theo tiêu chí thực phẩm sạch của ngành nông nghiệp như: Global GAP, Viet GAP... Cải thiện hệ thống phân phối cho cả hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng của thực phẩm.

Trong hai tháng gần đây, thời tiết nắng nóng cực đoan dẫn đến nguy cơ cao về mất ATTP, Sở đã thường xuyên phối hợp với chợ đầu mối, lực lượng chức năng ở các quận, huyện, TP Thủ Đức tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo đảm ATTP cho người dân.

Với phương châm đẩy mạnh công tác phòng ngừa, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, xử lý nghiêm vi phạm kết hợp kiểm tra giám sát thường xuyên, liên tục nên công tác quản lý ATTP đã từng bước phát huy hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe cho người dân và khách du lịch khi đến thành phố.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

ĐẶNG TRUNG KIÊN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/co-che-quan-ly-an-toan-thuc-pham-moi-dang-phat-huy-hieu-qua-779085