Cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt nào phù hợp với đồ uống có cồn?
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong vòng 15 năm qua, rượu, bia đã chịu tác động của 5 lần thay đổi Thuế TTĐB, từ mức 50% (năm 2015) lên 55% (năm 2016) và sau đó lên 65% (năm 2018).
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, sau nhiều lần thay đổi nhưng các mục tiêu đặt ra đều chưa đạt được như kỳ vọng. Chính vì vậy, một số đề xuất có thể áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp dựa trên lít cồn nguyên chất thay cho thuế tương đối đang áp dụng hiện nay.
Có nên đánh đồng thuế với cả 2 mặt hàng rượu, bia?
Xét về tác hại của đồ uống có cồn, sản phẩm bia, với nồng độ cồn từ 4% đến 6% rõ ràng có ít tác hại hơn nhiều so với sản phẩm rượu với nồng độ cồn từ 15% đến 40%, đặc biệt có loại lên đến 50%.
Chính sách thuế TTĐB hiện nay quy định bia chịu mức thuế suất thuế TTĐB 65% tương tự như rượu với nồng độ cồn trên 20% và cao hơn rượu có nồng độ cồn thấp hơn 20% (35%) là chưa phù hợp với mục tiêu giảm tác hại của việc tiêu thụ đồ uống có cồn.
Xét về ngành bia tại Việt Nam, các sản phẩm bia có nồng độ cồn tương tự nhau, từ 4% đến 5.3% và có giá bán chênh lệch không nhiều, từ 5-6000 đồng/ lon đến ~ 25,000/ lon. Đồng thời, bia nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất thấp (0,005%), khó gia tăng thị phần và không có sản phẩm nhập lậu. Do đó, việc xây dựng chính sách thuế cho sản phẩm bia tương đối dễ dàng so với các sản phẩm rượu.
Ngược lại, ngành rượu có rất nhiều sản phẩm khác nhau như rượu vang, rượu whisky, rượu gạo... với nồng độ cồn và giá bán chênh lệch lớn. Rượu nhập khẩu chính ngạch, rượu sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 30% thị phần, trong khi tỷ lệ rượu nhập lậu, rượu giả, rượu nấu thủ công vẫn còn ở mức cao, xấp xỉ 60% theo số liệu của Tổng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và gây hại sức khỏe người dùng.
Về vấn đề này, các chuyên gia phân tích, nếu nhà nước cứ tăng tiền thuế đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính thì họ càng bị kiệt sức. “Nếu tăng thuế tức sản phẩm phải tăng giá, song song với việc này người tiêu dùng lại chọn mua sản phẩm giá rẻ trên thị trường” - TS Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ, nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần tăng cường hiệu quả quản lý đối với khu vực đồ uống có cồn phi chính thức và kết hợp nhiều giải pháp chính sách khác ngoài thuế để hạn chế lạm dụng đồ uống có cồn một cách hiệu quả. Vì vậy, cần có cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt và các cơ chế quản lý thị trường riêng cho sản phẩm bia và rượu.
Hệ thống thuế tương đối có phù hợp với các loại hàng hóa khác nhau?
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, các sản phẩm bia có nồng độ cồn dao động trong khoảng từ 4 đến 5.3 %, trong đó các sản phẩm có nồng độ cồn từ 4.3 độ đến 4.7 độ chiếm trên 80% sản lượng tiêu thụ
So sánh giữa giá sản phẩm và độ cồn trong sản phẩm rất khác biệt nhau. Ví dụ: 01 lon bia độ cồn 4,7% và giá bán trung bình 9.812 đồng, 01 lon bia độ cồn 5,3% và giá bán trung bình 11.181 đồng và 01 lon bia độ cồn 4,0% và giá bán trung bình 19.517 đồng. Như vậy, xét trên khía cạnh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng do lượng cồn tiêu thụ, các sản phẩm này có mức ảnh hưởng khác nhau (độ cồn càng cao thì tác động sức khỏe tiêu dùng càng lớn), thế nhưng mô hình thuế tương đối (tính theo giá trị) như hiện nay tạo ra sự không công bằng cho các sản phẩm bia có nồng độ cồn khác nhau, ngay cả sản phẩm bia có đồ cồn thấp hơn lại phải chịu thuế nhiều hơn bia có độ cồn cao hơn.
Hơn nữa, thực tế cho thấy để tạo ra những sản phẩm giá trị chất lượng cao, thì nhà sản xuất phải đầu tư chi phí cao (ví dụ như sử dụng nguyên vật liệu đầu vào có giá trị cao hơn, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, v.v..), thậm chí có độ cồn thấp và ít tác hại hơn nhưng lại phải chịu mức thuế TTĐB cao hơn.
Giải pháp thuế nào là tối ưu
Theo khuyến nghị của WHO, các quốc gia nên cân nhắc việc tăng thuế TTĐB khi nồng độ cồn trong sản phẩm tăng lên. Đây được gọi là phương pháp tính thuế theo nồng độ cồn – Phương pháp này được áp dụng phổ biến ở các nước hiện đại và phát triển (ví dụ: EU, Singapore, Úc, Nhật Bản, …), có cách quản lý đơn giản.
Thuế TTĐB tính theo phương pháp tuyệt đối cũng là giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn và quy mô nhỏ, đồng thời từng bước khuyến khích người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm có chất lượng cao, loại trừ các sản phấm kém chất lượng ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang hệ thống này có thể mất nhiều thời gian và cần có lộ trình cụ thể.
Hơn nữa, một trong những lý do chính để các nước trên thế giới áp dụng thành công hệ thống thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp với bia là do nồng độ cồn và mức giá sản phẩm tương đồng nhau. Đặc điểm này cũng tương đồng với ngành bia tại Việt Nam hiện nay.
Ông Phạm Tuấn Khải – Nguyên vụ trưởng vụ Pháp luật, Văn phòng chính phủ nêu ý kiến: "Chúng ta cần có đánh giá tác động kĩ hơn về mặt xã hội, kể cả đánh giá tác động của các quy phạm hiện hành đang tồn tại. Ví dụ như chúng ta đang đánh thuế TTĐB là 65% thì trong thời gian qua chúng ta làm được gì, lợi đến đâu hại đến đâu. Phản ứng từ các doanh nghiệp sản xuất thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào. Tôi thấy hầu như chưa có".