Cơ chế tự chủ của các nhà xuất bản đơn vị sự nghiệp công lập
Hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó có 42 đơn vị sự nghiệp công lập.
Sáng 28/3/2024, tại trụ sở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hội đồng Khoa học Nhà xuất bản tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở Đề án “Cơ chế tự chủ của các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay - Thực trạng và giải pháp”, mã số KHBĐ (2021) - 33, do ThS. Vũ Văn Nâm, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật làm Chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu Đề án gồm 7 thành viên, do PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản làm Chủ tịch Hội đồng.
Thay mặt Ban Chủ nhiệm, trình bày tóm tắt nội dung nghiên cứu Đề án trước Hội đồng, ThS Vũ Văn Nâm nêu rõ, hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó có 42 đơn vị sự nghiệp công lập. Các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự, đặc biệt về tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước là một quá trình và yêu cầu có tính khách quan. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập không hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng việc thực hiện cơ chế tự chủ của các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, làm rõ các kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế, Đề án đã đề xuất phương hướng và giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ của các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập.
Kết cấu của Đề án gồm 2 phần. Phần thứ nhất: Cơ chế tự chủ của các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập. Phần thứ hai: Yêu cầu và giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ của các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập.
Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá, Đề án có giá trị ứng dụng trong thực tiễn, góp phần định hướng phát triển ngành xuất bản hiện tại và tương lai. Đề án đã đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; không trùng lắp với bất cứ công trình khoa học nào trước đó.
Giá trị khoa học mới của Đề án là đã nêu được bức tranh toàn cảnh về các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay; nêu được những giải pháp, kiến nghị có giá trị tốt, có tính thực tiễn và tính khả thi cao...
Các đánh giá, nhận xét hay kết luận đưa ra trong Đề án đều là những ý kiến xác thực, khách quan, có hàm lượng tri thức và có tính thực tiễn cao, bám sát định hướng, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ chế tự chủ của các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng nghiệm thu cũng đóng góp các ý kiến nhằm hoàn thiện hơn nội dung Đề án.
Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản, Chủ tịch Hội đồng kết luận: Đề án có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn. Nhóm tác giả nghiên cứu Đề án đã tổ chức nghiên cứu công phu, lao động khoa học, nghiêm túc. Đề án có những đóng góp có giá trị cả về khoa học và thực tiễn. Mặc dù còn một số hạn chế, song sản phẩm của Đề án là tài liệu có giá trị tham khảo tốt.
PGS.TS Vũ Trọng Lâm cũng gợi mở thêm một số nội dung để Ban Chủ nhiệm Đề án tham khảo, đồng thời đề nghị Ban Chủ nhiệm tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, chỉnh sửa để các sản phẩm của Đề án được hoàn thiện đạt chất lượng cao hơn.
Hội đồng nghiệm thu cơ sở nhất trí đánh giá Đề án đạt yêu cầu.
NXB Chính trị Quốc gia Sự thật