Cơ chế và hệ thể chế phát hiện, thu hút, tuyển chọn, trọng dụng nhân tài lãnh đạo, quản lý

* TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

(Tiếp theo kỳ trước)

BPO - Tháng 2-2022, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức bản thảo và xuất bản cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cùng với rất nhiều vấn đề quan trọng, cuốn sách nhấn mạnh: “…Xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để đào tạo, bổ sung cán bộ cho Đảng; thu hút và khuyến khích cán bộ làm việc trong các cơ quan, lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu”.

Báo Bình Phước trân trọng giới thiệu loạt bài viết của nhà báo, TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản về vấn đề này.

Nếu xem chính trị, với nghĩa rộng nhất, như người xưa nói là: Chính trị là chính trực. Nếu lấy chính trực mà hành xử, mà điều hành chính sự thì có ai dám không chính trực thì tham chính là một công việc chính trực nơi chính trường phức tạp một cách liêm sỉ. Tham gia chính trị, cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược là chỉ được phép làm mọi công việc chính đáng vì quốc gia và quốc dân mà thôi.

Chính trị là một nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp tinh hoa và các nhà chính trị chiến lược, ở góc nhìn này, là những phần tử tinh hoa có tầm nhìn chiến lược vượt mọi giới hạn, hoạch định (và thực thi) quyết sách chiến lược kiến tạo vị thế, sức mạnh, uy tín và danh dự quốc gia, là tấm gương quốc gia về chính trực, sự dũng cảm và liêm chính... có sự ảnh hưởng vượt không gian quốc gia và có sức sống lâu dài, vượt thời gian tôn vinh quốc thể. Nói một cách hình ảnh, họ là những người dù ngồi một chỗ nhưng định việc ngàn dặm giang sơn. Vì vậy, có thể nói, trong trăm nghìn cán bộ cấp chiến lược, có rất ít các nhà chiến lược. Họ là tinh hoa của tinh hoa! Đó là sự thống nhất của hai đội ngũ này.

Do đó, trọng tâm của công việc đổi mới công tác tổ chức - cán bộ hiện nay không thể không dành sức lực và điều kiện để làm tốt mấy vấn đề có ý nghĩa quyết định thành bại mang tầm chiến lược quốc gia, dưới góc nhìn thể chế này:

Tiếp tục đổi mới tư duy về chính trị gia

Một là, người đứng đầu quốc gia, đứng đầu bộ máy chính trị cao cấp, chiến lược của nền chính trị hiện đại nước nhà, phải hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóavăn hóa hóa.

Hai là, xây dựng bộ tiêu chí của một nhà chính trị, yêu cầu của những lĩnh vực chính trị cơ bản và chủ yếu, các chức danh chính trị… phù hợp với nền chính trị của chúng ta. Họ tích hợp và thể hiện một cách toàn diện và nổi bật tập trung năng lực chính trị, nhất là tầm nhìn chính trị xa rộng và năng lực hành động chính trị vĩ mô, trên nền tảng tri thức rộng lớn, xứng đáng với tư cách là nhà chính trị chuyên nghiệp. Vì, ngày nay, một lần nữa nhắc lại, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thành thạo về chính trị mà còn phải giỏi chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Trong đó, phẩm chất cơ bản là tầm nhìn viễn kiến chiến lược, sự dũng cảm, danh dự và liêm sỉ chính trị gia phải được ưu tiên hàng đầu.

Ba là, thông qua mọi con đường phát hiện, thu hút, tập hợp những người có năng khiếu chính trị, những người có nguyện vọng làm các công việc chính trị… ở tất cả mọi nơi, đối với mọi lứa tuổi, trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Nghĩa là, cần xác lập cơ chế tuyển dụng nhân tài một cách dân chủ và phù hợp. Ở đây, tối thiểu với các “con đường” dân chủ và nghiêm ngặt (thi tuyển, tranh tuyển, ứng tuyển, tiến tuyển, bầu tuyển, cử tuyển…,), để tuyển chọn và sử dụng, theo mục tiêu của chiến lược phát triển tổng thể đất nước. Lưu ý rằng, lịch sử cho thấy, các chiến lược gia như “ngọc tự sáng”, chứ họ quyết “ngọc không bán rao”, nên trong quá trình chọn tuyển, rất cần đối đãi thành tín và tinh tế với họ.

Sử dụng, kiểm tra họ thật đúng đắn và chính đáng trên chính trường một cách văn hóa, theo phương châm khoa học - dân chủ - văn hóa và phù hợp. Nhân dân phải giữ vai trò là một chủ thể trong công việc lựa chọn, giám sát, bãi miễn và thực hiện các quyền khác của mình theo luật định, đối với các nhà chính trị nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược nói riêng, thể hiện tập trung và sinh động sức mạnh và sự sống còn quyền lực của nhân dân, khi nhân dân ủy thác cho họ. Ngày xưa, ông cha ta đặt ra lệ khảo thí, khảo quan định kỳ và tôn vinh xứng đáng những bậc hiền tài cũng là vì thế. Vì, họ là biểu tượng quốc gia, là tấm gương phản chiếu quốc thể, như đã trình bày.

Bốn là, đào tạo họ một cách toàn diện, trước hết là tư cách, rộng hơn là đạo đức của một người làm chính trị… trong nền chính trị hiện đại. Ngày xưa, ông cha ta lập Quốc tử giám, rồi Trường hậu bổ nhằm đào tạo, rèn luyện những người ra làm quan cũng là vì lẽ đó, trong đó hết sức rèn cái “đạo” của người làm quan. Vì, chính trị không phải là thứ chính trị suông mà ở góc độ nào đó chính trị chính là đạo đức; là tự trọng, là liêm chính, là văn hóa, cao nhất là danh dự quốc gia. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài. Vì thế, theo nghĩa nào đó, đạo đức là giềng mối làm nên nền văn hóa chính trị của chúng ta. Nếu họ được xem là các nhà lãnh đạo, quản lý xứng đáng là những nhà chính trị thực sự và chân chính, thì ở đây, họ phải xứng đáng là những tấm gương sống về đạo đức là vấn đề vô cùng quan trọng.

Năm là, đối đãi với những người làm chính trị, nhất là những chiến lược gia thật ngang tầm và xứng đáng. Đó là rường cột của đội ngũ cấp chiến lược, là tinh hoa của xã tắc. Đồng thời, trên nền tảng pháp quyền, xử lý thật nghiêm minh những nhà chính trị, những cán bộ lãnh đạo, quản lý, dù ở cấp nào, làm tổn hại uy tín và sức mạnh nền chính trị đất nước.

Về kiến tạo môi trường nhân tài xuất hiện - nền tảng phát lộ và phát hiện cán bộ lãnh đạo, quản lý mang tầm chiến lược

Chúng ta biết lịch sử xã hội do chính con người sáng tạo ra, nhưng rồi lịch sử lại góp phần đào luyện, hun đúc con người. Vì vậy, nhân tài là sản phẩm đồng thời là chủ thể của lịch sử, trước hết do lịch sử quyết định. Thực tế cho thấy, ở vào những lúc giao thời, bước ngoặt của lịch sử, nhân tài thường xuất hiện. Do vậy, lịch sử là điều kiện, là môi trường tạo ra nhân tài. Ấy là thời.

Mặt khác, tất cả nhân tài mà chúng ta ghi nhận không ai không có quá trình khổ luyện, tự đào tạo và được đào tạo, trước khi họ thành đạt. Những gì là tư chất “thiên phú”, “thiên bẩm” của con người mà ta hay gọi là năng khiếu hoặc năng lực chuyên biệt, là rất quý, song chỉ là điều kiện ban đầu; phải thông qua rèn luyện, thậm chí rất công phu, lâu dài, con người mới trở nên thực đức, thực tài. Như vậy, cùng với lịch sử, cơ chế phát hiện, đào tạo, sử dụng và thanh lọc như là “bà đỡ” cùng với sự khổ luyện của con người sẽ giúp con người trở thành nhân tài. Thiết tưởng, rất cần kíp có chiến lược về công việc này. Ấy là thế.

Đồng thời, chỉ có ai thực sự trải qua trường lịch sử kiểm chứng khắc nghiệt, họ thành công và tồn tại bền vững mới thực sự là người hiền tài. Ấy là lịch sử kiểm nghiệm.

Nói tóm lại, điều kiện để xuất hiện và thành nhân tài, gồm 3 mặt hữu cơ: thời - thế và sự kiểm nghiệm thực tế.

Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ do Đảng hiện nay, thực sự là một bước ngoặt về chất trong tiến trình cách mạng nước ta. Nó là môi trường và điều kiện thử thách lớn đối với tất cả chúng ta. Đồng thời, quá trình dân chủ hóa xã hội gắn chặt với sự giải phóng con người với mọi tiềm năng của họ, đang mở ra chân trời mới, chắp cánh cho toàn dân tộc và mỗi người thực hiện khát vọng của mình bằng chính sức mình một cách tự do và quang minh chính đại.

Nếu quan niệm điều kiện xuất hiện nhân tài gồm 3 yếu tố nêu trên thì rõ ràng, thời điểm hiện nay, chính là vận hội to lớn nhất, là môi trường và điều kiện thuận lợi nhất.

Về phát hiện nhân tài

Nhân tài không hình thành một cách tự phát, tự thân mà xuất hiện và hình thành nhân tài có 3 điều kiện, như đã nói ở trên. Do vậy, việc phát hiện nhân tài tùy thuộc vào xã hội và gia đình. Không chỉ thế, các tổ chức chính trị, đoàn thể, trường học, các tập thể lao động, công tác và các cá nhân đều là những môi trường rất quan trọng giúp việc phát hiện nhân tài. Vậy nên, các cấp có trách nhiệm cần mở rộng “ăng-ten”, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất (qua đường giới thiệu, đề nghị, tiến cử…) để thu hút và tập hợp họ. Xã hội hóa và dân chủ hóa việc phát hiện cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là điều rất cần kíp phải làm.

(Còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/131457/co-che-va-he-the-che-phat-hien-thu-hut-tuyen-chon-trong-dung-nhan-tai-lanh-dao-quan-ly