Cơ chế 'xin - cho' là rào cản đối với tiến trình tự chủ đại học

Chúng ta đang tự chủ đại học thực chất hay vẫn chỉ là hình thức? Chúng ta đang tháo gỡ tư duy 'xin - cho' hay chỉ thay vỏ, giữ nguyên cách vận hành cũ?

Đó là những nội dung được các đại biểu, khách mời tham dự Tọa đàm với chủ đề "Tự chủ đại học - Cơ hội nào để phát triển?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 11-7 tại Hà Nội.

Các đại biểu, khách mời tham dự Tọa đàm với chủ đề "Tự chủ đại học - Cơ hội nào để phát triển?". Ảnh: Dương Tuấn

Các đại biểu, khách mời tham dự Tọa đàm với chủ đề "Tự chủ đại học - Cơ hội nào để phát triển?". Ảnh: Dương Tuấn

Nguyên nhân nào khiến tự chủ đại học chuyển biến chậm?

Năm 2013, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã xác định rõ định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó "tự chủ đại học" là một quyết định quan trọng, mang tính đột phá, thời đại.

Năm 2014, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 77 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Từ đây, khái niệm "tự chủ đại học" chính thức bước vào giai đoạn mới, triển khai các chủ trương trên thực tế.

Hơn một thập kỷ qua, chúng ta đã nói rất nhiều về tự chủ đại học như một xu hướng tất yếu, là giải pháp để giáo dục đại học Việt Nam bắt nhịp với thế giới. Thế nhưng đến nay, phần lớn các trường vẫn loay hoay trên thực tế, có quá nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là được trao một phần quyền, nhưng vẫn ràng buộc nhiều mặt.

PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Dương Tuấn

PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Dương Tuấn

PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực lý giải 3 nguyên nhân vì sao một chủ trương đúng đắn như vậy lại chuyển biến chậm trong thực tế. Cụ thể, xã hội và chính các cơ sở giáo dục đại học hiểu chưa đúng về tự chủ đại học. Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách là tăng cường tự chủ đại học, nhưng lại cắt đầu tư ngân sách. Điều đó khiến cho tự chủ đại học đồng nghĩa với các cơ sở giáo dục phải tự lo toàn bộ chi phí.

Nguyên nhân thứ hai là tồn tại tình trạng mâu thuẫn trong quyền điều hành, quản lý. Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay còn sự chồng lấn giữa Hội đồng trường, Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường, dẫn đến sự không hiệu quả trong điều hành nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học.

Nguyên nhân thứ ba là cơ chế tự chủ chưa thực sự mở. Khi tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải tuân thủ theo các hệ thống, văn bản pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, giữa các luật này chưa có sự thống nhất, đồng bộ, còn có sự "đâm ngang" nhau. Tựu chung lại, sự thiếu đồng bộ về cơ chế đã khiến các cơ sở giáo dục đại học bị hạn chế khi thực hiện tự chủ.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, tư duy quản lý truyền thống, đặc biệt là cơ chế "xin - cho" vẫn là một rào cản lớn đối với tiến trình tự chủ đại học hiện nay, Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chúng ta phải xác định rõ từ hai phía, cơ quan quản lý và nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng cần xác định rõ phạm vi quyền hạn của mình.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Dương Tuấn

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Dương Tuấn

GS.TS Nguyễn Xuân Yêm cho biết, những năm 1990, việc cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ đều do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả quyền này, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ - bậc học cao nhất của giáo dục đại học, đều giao cho nhà trường.

“Những gì thuộc về nhà trường, thuộc về hiệu trưởng nhà trường, phải trả cho họ đúng nghĩa. Cơ quan quản lý tập trung vào hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, đi sâu vào quản lý. Nếu chúng ta làm được như thế, tự chủ đại học mới đúng nghĩa và sẽ không còn cơ chế xin-cho trong điều kiện hiện nay”, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm nhấn mạnh.

"Sắp xếp lại giang sơn" trong giáo dục và đào tạo

Trường Quản trị và Kinh doanh – Đại học Quốc gia Hà Nội (HSB) là một trong những mô hình giáo dục đại học hiếm hoi tự chủ toàn diện suốt hơn 30 năm qua khi không nhận ngân sách Nhà nước, tự quyết tổ chức và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, tự chủ không chỉ là một khung pháp lý, mà phải được vận hành linh hoạt, nhanh và hiệu quả trong từng quyết định hằng ngày.

PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Dương Tuấn

PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Dương Tuấn

Từ kinh nghiệm của nhà trường, PGS.TS Hoàng Đình Phi cho biết, thành công trên đến từ việc phát triển một mô hình đào tạo sáng tạo, kết hợp nghiên cứu liên ngành, giảng dạy theo các chương trình liên ngành mới và chuyển giao tri thức cho các tổ chức, doanh nghiệp.

“Mô hình này tạo thành một chu trình khép kín, mang lại giá trị bền vững cho giáo dục và xã hội. Thành công này được dẫn dắt bởi đường lối đổi mới giáo dục toàn diện của Đảng, với trọng tâm nâng cao chất lượng đào tạo đại học để hội nhập quốc tế”, PGS.TS Hoàng Đình Phi chia sẻ.

Theo PGS.TS Hoàng Đình Phi, sự thành công trong hành trình đổi mới giáo dục đại học tại Việt Nam, đặc biệt tại các trường công lập tự chủ, được thúc đẩy bởi bốn yếu tố cốt lõi. Trong đó, việc cải cách thủ tục hành chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò quan trọng. Thay vì can thiệp trực tiếp vào chuyên môn học thuật, Bộ tập trung vào giám sát và hỗ trợ hành chính, tạo điều kiện để các trường đại học tự chủ phát huy năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên và quản lý.

Đồng thời, sự sáng tạo và quyết tâm của tập thể giảng viên tại các trường công lập là yếu tố then chốt. Vượt qua những khó khăn về tài chính và nguồn lực, các giảng viên chấp nhận rủi ro, thi đua và hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới, xây dựng các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Những chương trình này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người học, của xã hội và nền kinh tế quốc gia, mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho cá nhân và cộng đồng.

GS.TS Nguyễn Xuân Yêm (bên trái) chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Dương Tuấn

GS.TS Nguyễn Xuân Yêm (bên trái) chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Dương Tuấn

GS.TS Nguyễn Xuân Yêm cho rằng, sắp tới đây, Trung ương sẽ ban hành một nghị quyết về hiện đại hóa và đột phá giáo dục và đào tạo, mở ra con đường "sắp xếp lại giang sơn" trong giáo dục và đào tạo.

Cụ thể, một mô hình quản trị tốt về giáo dục và đào tạo là mô hình chóp. Chúng ta phổ cập giáo dục phổ thông cho tất cả trẻ em, cho toàn dân, nên giáo dục phổ thông, đặc biệt là giáo dục mầm non phải đến được các thôn, làng, ấp, bản trên toàn quốc.

“Tuy nhiên, giáo dục đại học - giáo dục tinh hoa, cần được tính toán lại, rút bớt các trường đại học để có những đại học mạnh. Những nơi có đại học quốc gia, đại học vùng, không nên để những trường đại học nhỏ, thiếu cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất”, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Xuân Yêm đồng thời cho rằng, muốn đổi mới giáo dục và đào tạo, coi đây là đột phá thì phải tăng quyền cho hiệu trưởng. Tất cả đổi mới của nhà trường phải bắt đầu từ thầy giáo, đặc biệt là hiệu trưởng - người quyết định sự đổi mới và thành công của giáo dục và đào tạo.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/co-che-xin-cho-la-rao-can-doi-voi-tien-trinh-tu-chu-dai-hoc-708802.html