Bộ GD&ĐT quản lý 2 đại học quốc gia từ ngày 1-9
Đại học quốc gia do Bộ GD&ĐT quản lý, được Thủ tướng trực tiếp giao dự toán ngân sách, dùng con dấu có hình Quốc huy.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 201/2025, có hiệu lực từ ngày 1-9-2025, quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia (thay thế Nghị định 186/2013).
Theo đó, đại học quốc gia có nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Luật Giáo dục đại học và các quy định khác của pháp luật.
Đại học quốc gia là cơ sở giáo dục đại học công lập do Bộ GD&ĐT quản lý, có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng và sử dụng con dấu có hình Quốc huy.
Trước Nghị định 201/2025, đại học quốc gia thuộc quyền quản lý của Chính phủ, thuộc quyền quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT về giáo dục - đào tạo, của Bộ Khoa học và Công nghệ về khoa học, công nghệ...
Về tổ chức bộ máy và nhân sự, đại học quốc gia thực hiện quy trình về công tác nhân sự để báo cáo Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng đại học quốc gia, giám đốc, phó giám đốc đại học quốc gia theo quy định; trình Bộ GD&ĐT công nhận hội đồng đại học quốc gia theo quy định.
Đại học quốc gia ban hành quy định về chế độ làm việc của giảng viên, nghiên cứu viên theo quy định của pháp luật áp dụng trong đại học quốc gia để thu hút, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế.
Quyết định giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để bảo đảm nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2025, khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội đạt trên 480.000m2 sàn xây dựng, với gần 20.000 học sinh, sinh viên chính quy học tập thường trực. Ảnh: NTCC
Về tài chính, tài sản, đại học quốc gia là đơn vị dự toán cấp I được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách; thực hiện quản lý thống nhất việc phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc đại học quốc gia.
Đại học quốc gia chịu trách nhiệm về công tác kế toán, quyết toán ngân sách của đại học quốc gia theo quy định về ngân sách nhà nước hiện hành.
Đại học quốc gia phê duyệt phương án tự chủ tài chính của các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc đại học quốc gia theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; quy định mức thu học phí trong đại học quốc gia theo quy định của Chính phủ.
Quản lý, điều hành, sử dụng và chia sẻ nguồn lực tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất và các nguồn lực khác được giao trong toàn đại học quốc gia, bảo đảm tính hữu cơ, đồng bộ và hiệu quả; huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng đại học quốc gia thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu mang tầm khu vực, quốc tế.
Theo Đại học Quốc gia Hà Nội, căn cứ theo quy định tại Nghị định 201/2025, đại học quốc gia được trao quyền tự chủ rất cao trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, tài chính, hợp tác quốc tế và phát triển nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, đại học quốc gia có quyền xây dựng quy chế đào tạo riêng, phát triển chương trình tài năng, tiên tiến, hợp tác quốc tế sâu rộng và kết nối hiệu quả nguồn lực khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo để thực hiện sứ mệnh phát triển quốc gia.
Nghị định 201/2025 cũng đã khẳng định đại học quốc gia được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển để thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Trước đó, tại Công văn 5760/VPCP-KGVX ngày 24-6, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung của dự thảo Nghị định sao cho các đại học quốc gia phải chủ động, sáng tạo và được phân cấp nhiều hơn; Trung ương quản lý chuyên môn, địa phương quản lý con người, cơ sở vật chất; Bộ GD&ĐT quản lý chuyên môn và quản lý nhà nước.
Cả nước có 2 đại học quốc gia là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM do Chính phủ thành lập, lần lượt vào năm 1993 và 1995, tổng quy mô đào tạo hiện nay khoảng 150.000 sinh viên.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm Đại học Quốc gia Huế và Đại học Quốc gia Đà Nẵng.
Đây là các cơ sở giáo dục đại học công lập, gồm tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, tổ chức theo hai cấp để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-gddt-quan-ly-2-dai-hoc-quoc-gia-tu-ngay-1-9-post859934.html