Có Đảng cuộc đời ấm no, hạnh phúc (Bài 2)

Krông Jin chỉ là một trong thành quả của sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội đặc biệt từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW đi vào cuộc sống tại Đắk Lắk. Sự vào cuộc của hệ thống chính trị - xã hội cũng đã tạo ra hệ thống các chính sách tín dụng với các mắt lưới ngày càng nhỏ để 'không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình phát triển', thậm chí là một chủ công khơi dậy các động năng phát triển kinh tế tỉnh.

Bài 2: Đồng vốn nhỏ vun đắp hạnh phúc to

Như Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định 22) mặc dù mới đi vào cuộc sống từ ngày 10/10/2023, song đã trao cho những người lầm lỗi cơ hội và niềm tin “phục thiện” từ các hoạt động kiếm sống chân chính, giúp họ sớm “bình thường hóa” cuộc sống, tái hòa nhập xã hội một cách hiệu quả bền vững hơn.

Trung tá H’Hương A’Drưng, Phó trưởng Công an thị trấn Krông Kmar, Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc cho biết sau khi triển khai chính sách, công an đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức một buổi tuyên truyền cho những trường hợp đã chấp hành án phạt tù về tại địa phương cho họ hiểu và nhiều người có nhu cầu vay vốn, sau đó chính quyền địa phương giao trách nhiệm cho chúng tôi đi rà soát lại. Những trường hợp nào có nhu cầu và đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ lập danh sách phối hợp với PHòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông và hiện đã giải ngân cho cả 5 trường hợp có nhu cầu.

Trung tá H’Hương A’Drưng, cho biết những người ra tù, đầu tiên họ cũng có rất nhiều cái mặc cảm, nhưng mà khi họ được Đảng và Nhà nước cũng như là chính quyền địa phương quan tâm và tạo điều kiện dưới mọi hình thức, thì họ cảm thấy rất vui mừng và phấn khởi. Bởi vì họ không bị xa lánh mà còn được tạo điều kiện tất cả mọi phương diện, từ động viên tinh thần cho đến được tiếp cận tài chính. Vì vậy họ có thêm tinh thần, động lực nghĩ đến cách để đầu tư phát triển kinh tế. Chứ nhiều lúc mình không có hỗ trợ, quan tâm đến họ thì họ sẽ có thể nảy sinh một cái tư tưởng khác…”.

Từ chính sách này nhiều cuộc đời mới đầm ấm và hạnh phúc đang được nhân rộng. Như bà Lê Thị Hồng Loan, Tổ dân phố 5, thị trấn Krông Kmar. Bà kể “trước đây tôi là nhân viên Agribank chuẩn bị sắp về hưu, Khi ấy thị trường cũng đang phát triển về cây sầu riêng, tôi dồn tiền tiết kiệm mua một mảnh vườn tính sầu riêng để về hưu có thu nhập không vướng bận con cái”. Tuy nhiên, dự định này của bà đã không thực hiện được khi xảy ra sự cố chiếm đoạt tài sản tại ngân hàng, bà cũng bị liên đới và đi thi hành án 4 năm. Con trai bà đang làm nhân viên ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh, bỏ hết sự nghiệp trở về quê vừa để có điều kiện gần gũi chăm sóc mẹ vừa trông coi vườn sầu riêng vừa mới hạ cây xuống.

Bà Lê Thị Hồng Loan (đứng thứ 2 từ phải sang) đang cùng cán bộ ngân hàng và công an xã thăm vườn sầu riêng

Bà Lê Thị Hồng Loan (đứng thứ 2 từ phải sang) đang cùng cán bộ ngân hàng và công an xã thăm vườn sầu riêng

Ngày trở về, kinh tế eo hẹp, bà muốn vay vốn ngân hàng để tiếp tục phát triển vườn sầu riêng của mình song cũng đầy lo lắng bởi không biết có nơi nào cho người ra tù hay không. Đang loay hoay thì đúng dịp có chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho những người mà đi cải tạo mới về để có một nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế. “Nhờ sự quan tâm của Ngân hàng chính sách, cũng như công an của địa phương đã giúp đỡ, hỗ trợ cho tôi vay được 100 triệu đồng. Lúc ấy tôi thấy rất vui mừng và xúc động vì không nghĩ mình đi về như vậy lại được hưởng chính sách của Nhà nước, cũng như các cơ quan ban, ngành người ta quan tâm và động viên mình như vậy. Nhất là công an lúc nào xuống họ cũng động viên mình cố gắng làm ăn, chứ không có kỳ thị hay là gì đó. Từ đó, bản thân mình cũng thấy tự tin làm ăn" bà kể. Đến nay 2ha với 400 cây sầu riêng đã phát triển xanh tốt và đã có 40-50 cây bói quả. “Dự định năm nay thu thì chừng khoảng 200 triệu đồng. Hy vọng sang năm thì mình sẽ thu được nhiều hơn”, bà cho biết.

Hay như chị Nguyễn Thị Bé, thôn 4, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc nỗi lo lớn nhất khi chuẩn bị rời trại cải tạo là về địa phương rồi làm gì để sống. “Trở về vào ngày 2/9 gần tới Tết, tôi hoang mang lắm. Nhưng khi về nhận được rất nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội phụ nữ và được sự hỗ trợ của NHCSXH cho tôi vay 80 triệu đồng sửa sang quán gội đầu cắt tóc để làm lại từ đầu. Cũng nhờ số vốn đó tôi cũng sống được tới ngày hôm nay, cũng nuôi con được” chị kể và cho biết “Không có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nguồn vốn đó thì có khi tôi cũng gục ngã”. Không chỉ ổn định đời sống cho chính mình, chị còn góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 2 người dân tại địa phương.

Các nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đang góp phần thúc đẩy kinh tế đia thông qua việc phát triển các lợi thế riêng có của địa phương như xã Ea Kao Phó bí thư Đoàn xã Ea Kao, H’Thao H’Nak chia sẻ “Tôi thấy bà con từ khi vay các nguồn vốn chính sách xã hội đến nay thì kinh tế phát triển, số gia đình khá giả ngày một nhiều và cuộc sống tốt đẹp hơn rất là nhiều”. Đặc biệt ở buôn Tơng Bông và buôn Tơng Jú, nhiều năm qua dòng vốn tín dụng đã giúp các chị em đặc biệt là đoàn viên thanh niên nữ khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống.

Bà H’Ja Mun Krom, Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông, Nhóm trưởng Nhóm Du lịch cộng đồng buôn Tơng Jú, nơi có 42 hộ vay cũng là thành viên dệt thổ cẩm Tơng Bông cho biết “Các chị em bắt khung dệt ở nhà, lúc rảnh rỗi tập trung dệt, bình quân thu nhập từ 4.000.000 đến 4.500.000/ tháng”. Đặc biệt, HTX đã cùng các chị em nghiên cứu đưa vào thiết kế làm các sản phẩm tinh xảo từ vải dệt như quần áo, váy cưới, đồ lưu niệm nâng cao giá trị hàng hóa. “Trước đây khi mà chưa có công việc dệt vải và bán sản phẩm, chị em lúc nào mà gia đình cần đóng tiền cho con, hoặc là có cái gì đó mà muốn chi tiêu trong gia đình thì thường thường là đi “chốt non” cà phê, hay bắp. Từ khi có cái nghề dệt, chị em lấy những phần thu nhập lai rai từ dệt để giải quyết chi tiêu nhỏ nhỏ đến khi họ thu hoạch”. Nhiều chị em còn gia tăng sản xuất, thiết kế làm thêm các sản phẩm từ thổ cẩm trên các nền tảng xã hội ra khắp cả nước.

Việc khôi phục lại nghề dệt đã mang lại công ăn việc làm cho chị em phụ nữ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới

Việc khôi phục lại nghề dệt đã mang lại công ăn việc làm cho chị em phụ nữ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới

Mạnh dạn hơn, năm 2020 chị đã bàn với 18 hộ trong buôn Tơng Jú, thành lập nhóm du lịch cộng đồng vừa là để giới thiệu cái nét đẹp văn hóa của dân tộc mình vừa gia tăng thu nhập từ phát triển du lịch. Các chị em tùy điều kiện của mình tham gia vào biểu diễn trong chương trình văn hóa cồng chiêng, phân công nhau hộ trồng rau, hộ nuôi heo, hộ nuôi gà, hộ có rẫy để khi có khách là người nào người nấy lo từng việc. Nhiều gia đình vay vốn nước sạch vệ sinh môi trường, vốn giải quyết việc làm về đầu tư cải tạo làm nhà lưu trú cho khách. Bản thân Bà H’Ja Mun Krom cũng vừa vay NHCSXH 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để sửa sang lại cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ du lịch cộng đồng. Mặc dù, bị gián đoạn phát triển 2 năm do dịch bệnh Covid, song đến nay, với sự nỗ lực của từng gia đình, buôn Tơng Jú là đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk công nhận là điểm đến du lịch cộng đồng.

Từng đồng vốn NHCSXH tuy quy mô không lớn, song việc trải rộng trên 100% các xã của tỉnh miền núi Đắk Lắk nơi đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh đã góp phần thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước của Đảng và nhà nước ta. Phát triển vùng DTTS và miền núi gắn liền với ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, khơi dậy khát vọng, lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng các DTTS, hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam thịnh vượng và phát triển. Đây cũng là tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

Là Đắk Lắk là một tỉnh miền núi nằm ở Trung tâm của khu vực Tây Nguyên, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; có đường biên giới dài khoảng 73 km giáp với Vương quốc Campuchia, diện tích tự nhiên là 13.125 km2, với 15 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện (trong đó có 02 huyện nghèo là huyện M’Drắk, huyện EaSúp và 04 xã biên giới); có 184 xã, phường, thị trấn (152 xã, 20 phường, 12 thị trấn), 2.152 thôn, b49 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Khu vực I: 47 xã, Khu vực II: 02 xã). Dân số hơn 2 triệu người với 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số hơn 667 nghìn người, chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh, phân bổ rải rác ở đều khắp 184/184 xã, phường, thị trấn của tỉnh.

Đến cuối năm 2023, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk có tỷ lệ hộ nghèo là 9,15%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,8% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 65,8% với 31.229 hộ nghèo).

Minh Ngọc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/co-dang-cuoc-doi-am-no-hanh-phuc-bai-2-158883.html