Có đáng lo khi lãnh đạo doanh nghiệp thoái hết vốn?
Việc lãnh đạo doanh nghiệp bán ra lượng lớn cổ phiếu là câu chuyện không mới trên sàn chứng khoán. Dù vậy, thông tin bán sạch cổ phần của một số lãnh đạo doanh nghiệp cũng được cho là yếu tố tác động tới tâm lý của không ít cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục ghi nhận nhiều thông tin lãnh đạo doanh nghiệp bán lượng lớn cổ phiếu, thậm chí bán hết cổ phiếu - thoái sạch vốn.
Nhộn nhịp bán ra
Điển hình, lãnh đạo Địa ốc Hoàng Quân (HQC) liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu HQC. Tính chung từ 15/5 – 11/8, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT cùng vợ Nguyễn Thị Diệu Phương - Phó Chủ tịch HĐQT và công ty liên quan Tập đoàn Hoàng Quân đã bán ra gần như toàn bộ 37,6 triệu cổ phiếu HQC, tương ứng giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,9% về còn 0% vốn điều lệ Địa ốc Hoàng Quân.
Mặc dù không thoái sạch vốn, nhưng một lãnh đạo của Thế giới Di động (MWG), ông Đoàn Văn Hiểu Em - thành viên HĐQT cũng giảm sở hữu về 0,19% vốn điều lệ; ông Đặng Minh Lượm - thành viên HĐQT giảm sở hữu về còn 0,22% vốn điều lệ.
Tại CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG), Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đã bán số lượng cổ phiếu DXG.
Cụ thể, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT đã bán 20 triệu cổ phiếu DXG, hạ sở hữu xuống còn gần 105 triệu cổ phần, tương đương 17,15% vốn điều lệ Tập đoàn Đất Xanh.
Tương tự, ông Bùi Ngọc Đức - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh cũng đã bán thành công 430.746 cổ phiếu DXG, giảm tỷ lệ sở hữu chỉ còn 0,082% vốn điều lệ.
Hay như CTCP truyền thông – giải trí và sản xuất Media Ban Mai, tổ chức liên quan ông Nguyễn Trọng Dũng, người phụ trách quản trị tại CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), đã đăng ký bán ra 10 triệu cổ phiếu ITA nhằm mục đích giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,73% vốn điều lệ (tương đương 25,6 triệu cổ phiếu) còn 1,66% vốn điều lệ (tương đương 15,6 triệu cổ phiếu).
Có thể tác động tới tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ
Nhìn chung, việc lãnh đạo bán ra lượng lớn cổ phiếu doanh nghiệp của mình là câu chuyện không mới trên sàn chứng khoán. Dù vậy, thông tin bán sạch cổ phần của một số lãnh đạo doanh nghiệp cũng được cho là yếu tố tác động tới tâm lý của không ít cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ. Bởi, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng cổ đông nội bộ là người nắm rõ thông tin về doanh nghiệp, khi họ đăng ký bán cổ phiếu chắc phải có nguyên nhân.
Song thực tế cho thấy, có nhiều lý do khác nhau trong việc thoái vốn cổ phần, chứ không hẳn là do doanh nghiệp chuẩn bị ra thông tin xấu như nhiều người lo ngại. Hầu hết lý do chính cho việc bán cổ phiếu là tranh thủ TTCK khởi sắc, giá cổ phiếu của công ty tăng cao nên bán ra nhằm thu lời. Bên cạnh đó cũng có những lý do như củng cố “sức khỏe” cho doanh nghiệp, thay đổi mục đích đầu tư...
Chẳng hạn, mục đích bán cổ phiếu của ông Lương Trí Thìn nhằm hỗ trợ công ty vay vốn. Theo nghị quyết HĐQT ngày 5/9, Tập đoàn Đất Xanh chấp thuận việc ông Thìn hỗ trợ cho công ty vay vốn tối đa 300 tỷ đồng, thời hạn vay tối đa 6 tháng, lãi suất 6%/năm. Số tiền vay dùng bổ sung vốn hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.
Hay như trường hợp của vợ chồng Chủ tịch Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM, mục đích thoái toàn bộ vốn để lấy tiền mua trái phiếu. Đây không phải lần đầu, lãnh đạo doanh nghiệp này bán hết cổ phiếu để đầu tư trái phiếu. Trước đó, năm 2014, Tổng giám đốc cùng Phó tổng giám đốc cũng đã bán hết cổ phiếu CII để chuyển sang đầu tư trái phiếu chuyển đổi do chính doanh nghiệp phát hành.
Tại Tân Tạo, mục đích bán cổ phiếu có lẽ là nhằm chuyển giao lượng nắm giữ giữa các lãnh đạo nội bộ. Cụ thể, trước một ngày của giao dịch Media Ban Mai bán ra 10 triệu cổ phiếu, CTCP Đại học Tân Tạo - đơn vị liên quan đến Chủ tịch HĐQT Tân Tạo là bà Đặng Thị Hoàng Yến đã đăng ký mua thỏa thuận 10 triệu cổ phiếu ITA (đúng bằng số cổ phiếu mà Media Ban Mai đăng ký bán) với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu.
Tuy nhiên, trường hợp các cổ đông nội bộ “chạy trước” cũng là một thực tế khá phổ biến, giống như trường hợp các cổ đông nội bộ đăng ký mua vào cổ phiếu thường báo hiệu doanh nghiệp chuẩn bị công bố thông tin tốt, như kết quả kinh doanh khả quan.
Riêng về trường hợp của Địa ốc Hoàng Quân. Trong nhiều kỳ ĐHĐCĐ hàng năm, Địa ốc Hoàng Quân luôn lên kế hoạch đưa cổ phiếu về mệnh giá. Tuy nhiên, do không đạt được mục tiêu kinh doanh 8 năm liên tiếp, cộng với nhiều vấn đề tồn đọng chưa giải quyết, kế hoạch này vẫn cứ “khất lần”. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Địa ốc Hoàng Quân vội vàng thoái vốn mà không chờ cổ phiếu về mệnh giá như kỳ vọng của Chủ tịch Trương Anh Tuấn trong ĐHĐCĐ năm 2023 vừa diễn ra.
Theo đó, thị trường đã đặt ra nghi vấn Địa ốc Hoàng Quân sắp có màn đổi chủ. Bởi chiều ngược lại, tổ chức liên quan bà Trương Nguyễn Song Vân - Phó tổng giám đốc Địa ốc Hoàng Quân, đồng thời là con gái ông Trương Anh Tuấn lại đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu. Tuy nhiên, sau 2 lần đăng ký, tổ chức này chỉ mua vào được lượng nhỏ với lý do “thiếu tiền”.
Trong khi đó, cổ phiếu QCG thường có “diễn biến lạ” vì có “tiền sử” tăng trần bất ngờ sau những thông tin của doanh nghiệp, bất chấp kết quả kinh doanh “èo uột”. Và dĩ nhiên sau đó, cổ phiếu cũng lầm lũi đi xuống trước sự ngỡ ngàng của nhiều cổ đông.
Chuyên gia chứng khoán Hoàng Việt Cường cho rằng việc lãnh đạo thoái vốn là yếu tố đáng lưu ý và cần xem xét trên nhiều khía cạnh. Dù vậy, chuyên gia này khuyến cáo, khi các cổ đông lớn “xả hàng” ít nhiều cũng tác động đến giá trị cổ phiếu.
“Việc nhà đầu tư quyết định nên tiếp tục nắm giữ hay bán ra cổ phiếu phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp đó, ban lãnh đạo có làm cho nhà đầu tư cảm thấy yên tâm để đầu tư lâu dài hay không”, ông Cường nói.
Chia sẻ với VnBusiness, chuyên viên phân tích của Mirae Asset ông Đào Đình Tùng nhấn mạnh, dưới góc độ nào đó, động thái bán cổ phiếu có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong trường hợp khác, rất có thể việc này phản ánh thị giá một số cổ phiếu đang cao hơn giá trị nội tại.
“Nhà đầu tư nên thận trọng với các cổ phiếu mà lãnh đạo doanh nghiệp bán ra, cũng như các cổ phiếu đã tăng giá mạnh trước đó để hạn chế rủi ro, nhất là trong trường hợp thị trường điều chỉnh”, ông Tùng lưu ý.