Cô đào hát và nỗi niềm cải lương

Tối 18-11, vở cải lương Cô đào hát tiếp tục có suất diễn thành công tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM). Đây là đêm diễn thứ 2 sau suất diễn đầu tiên vào tháng 8-2023, vì thế độ 'hot' của vở vẫn còn hừng hực khi khán phòng đầy ắp khán giả, trong đó có cả khán giả trẻ - một hiện tượng hiếm đối với cải lương hiện nay.

Cảnh kết trong vở cải lương Cô đào hát

Cảnh kết trong vở cải lương Cô đào hát

Phải khâm phục nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc, người “biến” truyện ngắn chỉ gần 2 ngàn chữ (chắc để đăng báo) có tên gọi Người đàn bà đức hạnh của cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng thành một kịch bản đầy đặn có nhân vật, có số phận, có kịch tính tâm lý. Càng nể đạo diễn NSƯT Hoa Hạ khi chị 2 lần dựng vở Cô đào hát, mỗi lần dựng là như một “phiên bản” khác nhau, mà bản nào cũng hấp dẫn.

So với bản dựng năm 1998 với các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Vũ Linh, NSƯT Phương Hồng Thủy, Linh Tâm, Ngân Tuấn, Cô đào hát 2023 có tiết tấu nhanh hơn, bớt những “rề rà” thường thấy trong cải lương, mảng miếng hài hước trong bản mới cũng được tung hứng nhiều hơn, nhờ vậy vở diễn nhẹ nhàng hơn, phù hợp hơn với lớp khán giả hiện đại. Thời gian gần đây trong khi nhiều đạo diễn theo phong trào sử dụng màn hình LED làm phông sân khấu, ngay cả NSƯT Hoa Hạ khi đạo diễn vở Chiếc áo thiên nga cũng ứng dụng công nghệ này để sân khấu hoành tráng hơn, nhưng ở vở Cô đào hát, đạo diễn Hoa Hạ vẫn “trung thành” với những lớp phông màn trang trí cũ. Chính vì vậy, khán giả có cảm giác trở về với không khí của đoàn hát xưa với các kiểu chuyển cảnh “kinh điển”, bởi bối cảnh vở diễn là miền Nam thời thuộc Pháp.

Trong sự thành công của Cô đào hát, không thể không nhắc đến công sức của dàn nhạc dân tộc. Đạo diễn Hoa Hạ quá “chịu chơi” khi mời toàn những “thầy đờn” nổi tiếng như: NSƯT Hải Phượng, NSƯT Văn Môn, Thanh Long, Trần Sơn, Nhứt Dũng... Âm nhạc đã góp phần rất lớn thăng hoa cho vở diễn.

Khi xem vở dựng mới, đương nhiên khán giả sẽ so sánh với vở cũ. Quả không làm người xem thất vọng, các nghệ sĩ đã mang không khí tươi mát, mới mẻ cho vở diễn, không chỉ ca hay - yếu tố hàng đầu không thể thiếu đối với cải lương, mà còn diễn xuất rất tốt. NSƯT Kim Tử Long với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề đã làm chủ được sân khấu mỗi khi anh xuất hiện, vai ông chủ bút Lê Anh Dũng của anh sang trọng, đĩnh đạc, hay nghi ngờ về quá khứ của vợ, có điều sự ác độc khi ghen tuông của anh không tạo cảm giác đáng ghét bởi anh cũng chẳng vui sướng gì, cũng đau khổ dằn vặt trong nghi ngờ, ghen tuông của chính mình.

Vai diễn Trần Hữu Liêm của Võ Minh Lâm phải nói là một vai “mệt”, bởi ban đầu anh là thầy thông ngôn ái mộ theo đuổi cô đào Cầm Thanh, giữa vở thì anh là một người điên suốt ngày nhảy múa, lảm nhảm các vai diễn của người mình thương, còn đến cuối vở trong cảnh bị Lê Anh Dũng bắt ghen, những cú bị đánh, té ngã của anh quá chân thật khiến khán giả phải thầm lo lắng, sợ từ diễn biến thành thật. Các chuyển biến tâm lý của vai diễn này khá nặng, nếu nghệ sĩ non tay thì khó mà tròn vai, hơn nữa vai này trước đây NSƯT Vũ Linh thể hiện quá xuất sắc nên người đi sau không khỏi bị áp lực. Ấy vậy mà kép trẻ Võ Minh Lâm vào vai ngọt xớt. Trần Hữu Liêm của anh không lịch lãm như Vũ Linh, nhưng ngây thơ, trong sáng trong tình cảm với Cầm Thanh, người điên của anh dại khờ nhưng hát các đoạn vai của Cầm Thanh thật da diết, như gửi hết tình yêu của anh vào từng câu hát. Giọng hát của Võ Minh Lâm lấy nước mắt của khán giả ở những giai điệu buồn, như khi anh diễn vai ông mù bán vé số trong Đời Như Ý. Bên cạnh anh, “kép xàm” Minh Trường ca hay, sáng sân khấu, lại có duyên trong những mảng hài, vai Vân Hạc của anh tưng tửng, có phần “ông tám” khiến khán giả cười không ngớt, cũng là một điểm sáng cho vở.

Bật lên trong vở vẫn là cô đào hát Quế Trân. Giọng hát của cô đôi chỗ vẫn còn mỏng, nhưng bù lại diễn xuất của NSƯT Quế Trân thật tuyệt vời. Cầm Thanh của cô mong manh, nhưng ẩn trong dáng vẻ yếu đuối ấy là sự kiên cường và tình yêu sâu sắc với nghề, với cải lương, cùng với tình người. Khi Trần Hữu Liêm bị điên, cô ra tiền ra sức chăm sóc anh tận tình, không phải vì tình yêu mà chỉ vì tình người đối với kẻ tri âm, đạo lý này mấy ai hiểu được. Cầm Thanh không chỉ là người đàn bà đức hạnh, mà còn là người đàn bà bất hạnh. Vây quanh cô là 3 người đàn ông, đều nói yêu cô hết mình, nhưng có người nào tình yêu đủ lớn để hiểu cô? Vân Hạc sợ yêu cô sẽ làm “mất lòng” khán giả hâm mộ, Trần Hữu Liêm yêu cô nhưng vẫn không dám làm trái ý quan ba Pháp, tự tay đưa cô lá thư quan trên hẹn cô đến nhà để làm nhục. Lê Anh Dũng là người đầu ấp tay gối nhưng ích kỷ, ghen tuông, mắng chửi thậm tệ, xúc phạm nhân cách khi nghi ngờ cô ngoại tình. Quế Trân đã cho người xem cảm được sự cô đơn trong cuộc sống tưởng như đầy đủ tiền tình, danh vọng của một cô đào hát, nỗi thất vọng, đau đớn ê chề khi tình cảm trao đi bị đáp trả bằng sự phũ phàng.

Chính tình yêu nghề, yêu nghệ thuật cải lương sâu sắc đã kéo Cầm Thanh vượt qua tất cả. Cải lương như một thánh đường để cô đặt trọn niềm tin để vươn lên, không bao giờ có sự dối lừa, bội phản. Đó cũng chính là chủ đề của vở diễn. Tuy rằng đôi chỗ không biết do biên kịch hay đạo diễn mà sự khẳng định này hơi thái quá qua những câu thoại kiểu như “Chỉ có mấy thằng ngu mới chửi cải lương. Thằng nào ngu mới chửi cải lương”. Cải lương với sức sống hơn trăm năm qua tự thân đã khẳng định được sự hấp dẫn của mình, nhất là ở miền Nam. Không ai chửi cải lương, chỉ là khi có nhiều loại hình nghệ thuật mới mẻ xuất hiện, công chúng có nhiều lựa chọn hơn thì cải lương là một trong sự lựa chọn ấy, ai thích thì chọn xem cải lương, vậy thôi, không có gì phải đao to búa lớn.

Trong quá khứ, cũng có những giai đoạn cải lương bị gọi là “thoái trào”, nhưng rồi đã mạnh mẽ vượt qua. Trước những thử thách mới trong cuộc sống, cải lương có vượt qua hay không, còn phải xem vào những người làm nghề. Nếu cải lương tiếp tục có những nghệ sĩ tâm huyết, nghiêm túc với nghề, sân khấu cải lương tiếp tục có những kịch bản hay, đạo diễn giỏi, giới thiệu đến khán giả những vở diễn chất lượng như Cô đào hát, thì chắc chắn nghệ thuật cải lương sẽ mãi được công chúng yêu quý, đón nhận.

Có một vấn đề tế nhị, đó là giá vé. Trong khi một số show diễn ca nhạc gần đây có giá vé dao động từ 3-15 triệu đồng/vé nhưng khán giả vẫn xem rần rần, mỗi suất đông đến hàng ngàn người, còn Cô đào hát chỉ từ 600-800 ngàn đồng/vé đã có người cho rằng mắc, khán phòng đầy hết khán giả cũng chỉ được 300 ghế. Ấy vậy mà các nghệ sĩ trong cánh gà hé màn nhìn ra, đã mừng rơn. Một suất diễn dài gần 3 giờ, nghệ sĩ hết ca đến diễn, hết khóc lại cười, doanh thu đêm diễn sau khi trừ các chi phí như: thuê mặt bằng, âm thanh, ánh sáng, hậu đài, dàn nhạc, soát vé, vệ sinh... thì thù lao cho một đêm diễn vất vả có còn lại được mấy? Nhìn Võ Minh Lâm mồ hôi ướt đẫm cổ áo, quăng quật té ngã, mới thấy thương đời nghệ sĩ biết bao. Kiếp tằm nhả tơ là vậy!

Hà Lam

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/co-dao-hat-va-noi-niem-cai-luong-35744e5/