'Cô dâu gió mùa' ở Pakistan: Cảnh báo nạn tảo hôn gia tăng

Biến đổi khí hậu gây điều kiện thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của nhiều người nông dân Pakistan.

Mùa màng bị phá hoại nặng nề.

Mùa màng bị phá hoại nặng nề.

Trong tình cảnh đói nghèo, thiếu thốn, trẻ em gái bị ép kết hôn để đổi lấy tiền mua thức ăn cho gia đình.

Ngỡ là ngày vui

Asifa ngồi trên sàn đất mát của ngôi nhà khi bố mẹ cô bước vào. Mặt trời lặn dần, nhuộm vàng ngôi làng nhỏ giữa tỉnh Sindh, Pakistan. Gió mang theo mùi cỏ khô quen thuộc. Mẹ cô trông khác thường. Sau một hồi im lặng, bố cô nói: “Cuộc hôn nhân của con đã được sắp đặt”.

Khi ấy, Asifa mới 13 tuổi. Lúc đầu, cô chỉ nghĩ đến váy mới, trang sức lấp lánh và lễ cưới rộn ràng mà các chị lớn hay kể. Cô tưởng rằng đó sẽ là ngày vui. Nhưng giờ, ở tuổi 15, ngồi bên ngoài nhà chồng, bế con nhỏ vài tháng tuổi, cô mới hiểu mọi thứ không như cô tưởng. Quấn trong chiếc khăn choàng hồng nhạt, cô nhìn ngôi làng khô cằn, ngôi nhà bùn rơm lợp mái tranh đã bạc màu vì nắng gió.

“Tôi không biết hôn nhân thực sự là gì. Tôi không ngờ mình sẽ sống với một người đàn ông lớn hơn, không quen biết và không được lựa chọn”, cô nói.

Việc gả cô bé 13 tuổi không dựa trên truyền thống mà là sự tuyệt vọng. Cha mẹ Asifa đã mất trắng sau trận lũ lịch sử năm 2022. Trước đây, họ trồng lúa, đậu bắp, ớt, cà chua, hành tây trên vùng đất màu mỡ của thung lũng Main Nara nhưng nước lũ nhấn chìm tất cả, biến ruộng đồng thành vùng đất hoang.

Thu nhập từ mùa màng và số tiền tiết kiệm cho tương lai con gái đều tiêu tan. Họ cố gắng xây dựng lại, vay mượn từ họ hàng, nhưng mất mùa, giá cả leo thang, thiếu nước sạch khiến cuộc sống ngày càng bế tắc.

Cha mẹ Asifa còn nuôi 3 con nhỏ nên không còn đủ khả năng nuôi cô. Họ buộc phải gả con gái cho một người đàn ông có chút tài chính để đổi lại một khoản tiền nhỏ cho gia đình. “Họ chẳng còn lựa chọn nào khác”, Asifa nghẹn ngào.

 Lũ lụt nhấn chìm quận Dadu, tỉnh Sindh, Pakistan năm 2022.

Lũ lụt nhấn chìm quận Dadu, tỉnh Sindh, Pakistan năm 2022.

Hệ quả của đói nghèo

Tại làng Khan Mohammad Mallah, nơi người dân sống nhờ nông nghiệp, đánh cá và chăn nuôi, câu chuyện của Asifa không phải là hiếm. Trận lũ năm 2022 đã để lại hậu quả nặng nề, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn khó. Kể từ đó, thời tiết cũng thay đổi thất thường nên cơ hội để gây dựng lại sự nghiệp càng xa vời.

Nhà cửa đổ nát, mùa màng cuốn trôi, sinh kế bị hủy hoại. Trong tuyệt vọng, nhiều gia đình buộc phải gả con gái khi còn quá nhỏ, nhận tiền sính lễ từ nhà trai. Một số bé gái chỉ mới 9 tuổi đã bị ép cưới. Tình trạng tảo hôn đang gia tăng trong khu vực.

Theo tổ chức phi chính phủ Sujag Sansar, chỉ riêng tại làng Khan Mohammad Mallah, năm 2024 có 45 trường hợp trẻ em, chủ yếu là bé gái, nhưng cũng có vài bé trai, phải kết hôn trước 18 tuổi.

Ông Mashooque Birhmani, người sáng lập Sujag Sansar, nhận định rằng xu hướng này không đơn thuần là truyền thống, mà là hệ quả của nghèo đói và thiên tai. Luật pháp Pakistan quy định, độ tuổi kết hôn hợp pháp là 18 với nam và 16 với nữ. Từ tháng 4/2014, Hội đồng tỉnh Sindh đã nâng độ tuổi kết hôn cho cả 2 giới tối thiểu lên 18 nhưng trên thực tế, nhiều cuộc hôn nhân quá trẻ vẫn diễn ra.

Ông Birhmani cho rằng lũ lụt khiến nạn tảo hôn gia tăng. Khoảng 1/3 cuộc tảo hôn trong làng diễn ra vào tháng 5 và 6, ngay trước mùa mưa. Tình trạng này cho thấy nhiều gia đình lo sợ thiên tai gây thiệt hại tài chính nên gả con đi trước khi mất trắng. “Trước năm 2022, tảo hôn hiếm gặp ở đây.

Các bé gái thường ở nhà phụ giúp cha mẹ làm dây thừng, dệt giường hoặc làm ruộng. Nhưng giờ đây, tảo hôn là giải pháp sinh tồn, dù đánh đổi bằng giáo dục, sức khỏe và tương lai của các em”, ông Birhmani nói.

Trong những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng hơn. Mưa gió mùa từng là nguồn sống của hàng triệu nông dân Pakistan vì mang lại lương thực nhưng ngày càng trở nên thất thường, dữ dội, gây hại cho đất nông nghiệp và tạo ra nạn đói. Băng tan ở phía Bắc Pakistan cũng góp phần làm nước sông dâng cao, gây lũ lụt.

Cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến nhiều bé gái trở thành “cô dâu gió mùa”. Dù chưa có nghiên cứu chính thức, nhiều tổ chức phi chính phủ cho biết tảo hôn đang gia tăng. Ở tỉnh Sindh, ước tính khoảng 25% bé gái kết hôn trước 18 tuổi. Ông Gulsher Panhwer - Giám đốc dự án Sujag Sansar, cho biết: “Những đợt lũ lớn như năm 2007, 2010 và 2022 đều kéo theo sự gia tăng của các cuộc hôn nhân cưỡng ép”.

 Nhiều gia đình gả con gái để đổi lấy tiền mua nhu yếu phẩm.

Nhiều gia đình gả con gái để đổi lấy tiền mua nhu yếu phẩm.

Nỗi ám ảnh lâu dài

Với nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, thảm họa thiên nhiên không chỉ là cơn ác mộng thoáng qua. Nhiều năm đã trôi qua, Salwa, 40 tuổi, vẫn chưa quên ngày con gái bà đi lấy chồng. Chăm sóc đứa cháu gái 4 tuổi, giọng bà trầm xuống khi nhớ lại một trong những ngày đen tối nhất của cuộc đời mình.

“Chúng tôi từng sống nhờ ruộng đất, nhưng trận lũ năm 2010 đã cuốn trôi tất cả. Cả nhà phải rời quê, tìm hi vọng ở tỉnh khác”, bà kể. Gia đình vốn trồng bông, lúa ở Balochistan, nhưng khi chuyển đến Khan Mohammad Mallah, họ không thể kiếm sống và buộc phải gả con gái út mới 12 tuổi cho một chàng trai 20 tuổi để đổi lấy 150 nghìn rupee.

“Khi họ đưa con bé đi, nó bám chặt lấy tôi, cả hai mẹ con đều khóc. Tôi hối hận, nhưng lúc đó tôi không có lựa chọn nào khác”, bà nói và cho hay bản thân cũng bị gả từ năm 13 tuổi vì gia đình quá nghèo. Thế nhưng, ngay sau đám cưới, con gái và con rể quay về sống chung với Salwa vì họ còn quá trẻ, không thể tự lo cho bản thân. Gia đình Salwa thêm miệng ăn, vẫn nghèo khó nhưng ít nhất họ được đoàn tụ.

Giờ đây, bà là bà ngoại của bốn đứa trẻ. Đứa lớn nhất 15 tuổi, vẫn được đi học cùng các em. Salwa hy vọng nền giáo dục sẽ giúp chúng thoát khỏi vòng luẩn quẩn của những cuộc hôn nhân sắp đặt.

Hy vọng ấy rất mong manh khi Pakistan liên tục hứng chịu lũ lụt, hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), Pakistan là một trong những quốc gia dễ tổn thương nhất. Tình trạng khan hiếm nước, mất mùa và thiếu lương thực sẽ ngày càng nghiêm trọng, kéo theo nghèo đói và bất ổn xã hội.

Trận lũ năm 2022 là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử Pakistan. Nước lũ nhấn chìm một phần ba đất nước, cướp đi hơn 1.700 sinh mạng, khiến 33 triệu người mất nhà cửa và phá hủy hàng loạt cánh đồng màu mỡ.

Nông nghiệp, vốn chiếm một phần tư GDP và cung cấp việc làm cho một phần ba dân số, chịu thiệt hại nặng nề. 15% sản lượng lúa và 40% sản lượng bông bị mất trắng. Ngành nông nghiệp thiệt hại tổng cộng 12,97 tỷ USD, trong đó cây trồng chiếm 82%.

Ở tỉnh Sindh, nhiều ngôi làng giờ chỉ còn là đống đổ nát. Sindh là khu vực dễ bị lũ lụt do nằm gần sông Indus. Hệ thống thoát nước kém, nạn phá rừng và biến đổi khí hậu càng làm tình hình trầm trọng hơn. Trận lũ năm 2022 ảnh hưởng đến 4,8 triệu người, một nửa trong số đó là trẻ em.

Ông Panhwer cho biết: “Nhiều gia đình tuyệt vọng đến mức gả con gái với số tiền chỉ ngang giá một con bò - thậm chí còn ít hơn”. Trước đây, tỉnh đã triển khai nhiều nỗ lực để giảm tảo hôn và nhận thức người dân được nâng cao. Tuy nhiên, khi phải sơ tán đến các trại cứu trợ thiên tai, họ lo sợ con gái dễ bị xâm hại hơn và tin rằng hôn nhân có thể giúp bảo vệ chúng khỏi đói nghèo.

 Trẻ em gái trở thành nạn nhân của tảo hôn.

Trẻ em gái trở thành nạn nhân của tảo hôn.

Tin vào tương lai tươi sáng

Tại Pakistan, tranh cãi về độ tuổi kết hôn hợp pháp vẫn đang diễn ra. Một số nhà lập pháp muốn siết chặt luật, trong khi số khác cho rằng cần xét đến hoàn cảnh kinh tế - xã hội từng trường hợp.

Nghiên cứu năm 2023 của Đại học bang Ohio, Mỹ, đăng trên International Social Work, cũng chỉ ra mối liên hệ giữa thiên tai và tảo hôn. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, cho thấy, hầu hết 25 quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất đều chịu ảnh hưởng bởi xung đột, khủng hoảng và thảm họa khí hậu.

Trước sự gia tăng của các “cô dâu gió mùa”, tổ chức cứu trợ Sujag Sansar đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm giải quyết gốc rễ vấn đề. “Chúng tôi hợp tác với các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh và các bé gái để xây dựng mạng lưới hỗ trợ. Thông qua nghệ thuật và văn hóa, chúng tôi tạo cơ hội đối thoại, nâng cao nhận thức”, ông Birhmani cho biết.

Sujag Sansar tổ chức biểu diễn âm nhạc, sân khấu tại năm quận ở Sindh, nơi nam nữ đều có thể tham gia, chia sẻ câu chuyện của mình. Tổ chức cũng cung cấp đào tạo nghề, giúp phụ nữ và trẻ em gái có thu nhập, từ đó thoát khỏi vòng xoáy tảo hôn. “Giáo dục là chìa khóa. Khi các bé gái có kỹ năng, các em không còn bị coi là gánh nặng, mà là người có thể tự xây dựng tương lai”, ông Birhmani khẳng định.

Nhiều năm sau khi bị ép kết hôn, Asifa cảm thấy nhẹ nhõm với một niềm hy vọng mới. Mặc dù, cô vẫn may đồ thủ công, giống như ngày cô được thông báo về cuộc hôn nhân sắp xảy ra, cuộc sống của Asifa đã thay đổi đến mức không thể nhận ra.

Bà mẹ trẻ đang tham gia các khóa học thủ công và hy vọng sẽ bắt đầu kinh doanh riêng. Ngồi quanh cô là nhiều phụ nữ trẻ khác, những người cũng kết hôn khi còn quá sớm, Asifa mỉm cười khi cô nói về tương lai của mình.

Cô hy vọng sẽ tiếp tục nghề may và tự kiếm thu nhập. “Tôi sẽ tìm cách nuôi sống gia đình mình và đảm bảo các con gái không bao giờ phải đối mặt với tình huống tương tự. Tôi sẽ đảm bảo chúng được giáo dục và có thể thoát khỏi nỗi đau mà tôi đã phải chịu đựng”, Asifa nói.

Theo UNICEF, Pakistan có gần 19 triệu cô dâu trẻ em. Năm 2023, tổ chức này ghi nhận tiến triển trong việc giảm tảo hôn, nhưng cảnh báo rằng trận lũ năm 2022 có thể đảo ngược thành quả đó. Dự báo, tỷ lệ tảo hôn sẽ tăng 18%. Còn Khảo sát Nhân khẩu và Sức khỏe Pakistan năm 2018 (PDHS) cho thấy, 3,6% bé gái dưới 15 tuổi và 18,3% bé gái dưới 18 tuổi đã kết hôn. 8% bé gái từ 15 - 19 tuổi đã sinh con hoặc mang thai. Cứ 6 phụ nữ Pakistan thì có 1 người từng là cô dâu trẻ em.

Theo Al Jazeera

Nguyễn Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-dau-gio-mua-o-pakistan-canh-bao-nan-tao-hon-gia-tang-post724691.html