Tác dụng của mỡ lợn và cách bảo quản mỡ lợn thơm ngon

Mỡ lợn có một số tác dụng cho sức khỏe. Để bảo quản mỡ lợn được thơm ngon, chuyên gia đã có những chia sẻ cụ thể.

Mỡ lợn có tác dụng gì?

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.DS Lê Hồng Dũng - Trưởng khoa Hóa thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, mỡ lợn là một nguồn chất béo động vật phổ biến trong ẩm thực truyền thống ở Việt Nam.

Theo số liệu Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam (Viện Dinh dưỡng xuất bản năm 2017), trung bình trên 100g mỡ lợn chứa nhiều thành phần như: 896 kcal; 99,6 g chất béo; 2 mg/100g calci; 0,11 mg kẽm, 0,2 mg selenium; 0,6 mg alpha-tocopherol; 2,55 mg vitamin D; 49,7 mg choline; 39,2 g acid béo bão hòa; 23,8 g palmitic; 13,5 g stearic; 95 mg cholesterol;…

ThS.DS Lê Hồng Dũng cho rằng, mỡ lợn chứa chất béo không bão hòa một nối đôi cao, giống như dầu ô liu, mỡ lợn chứa nhiều axit béo oleic, tốt cho tim mạch. Ngoài ra, mỡ lợn là một trong số ít nguồn thực phẩm có chưa vitamin D, cần thiết cho sức khỏe của xương.

"Mỡ lợn có hương vị đậm đà, được dùng trong nhiều món ăn truyền thống để tạo độ béo và thơm. Mỡ lợn cũng chịu nhiệt tốt, không dễ bị oxy hóa ở nhiệt độ cao như một số dầu thực vật" - chuyên gia Lê Hồng Dũng chia sẻ.

Mỡ lợn được nhiều người ưa thích. Ảnh: Bùi Thương.

Mỡ lợn được nhiều người ưa thích. Ảnh: Bùi Thương.

Tuy nhiên, mỡ lợn có một số hạn chế như sau:

Hàm lượng chất béo bão hòa cao (39,2 g/100g): Tiêu thụ quá nhiều có thể làm tăng cholesterol LDL (cholesterol xấu).
Chứa cholesterol: Cần kiểm soát lượng ăn nếu có vấn đề tim mạch.
Dễ bị oxy hóa khi bảo quản không đúng cách: Có thể sinh ra các chất gây hại nếu để lâu trong điều kiện không phù hợp.

Mỡ lợn để được bao lâu?

ThS.DS Lê Hồng Dũng khuyến cáo, để bảo quản mỡ lợn tốt nhất, cần chú ý các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và dụng cụ chứa, đựng. Các điều kiện bảo quản tối ưu là:

- Nhiệt độ bảo quản:

Ngắn hạn (1-2 tuần) thì bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (0-4°C);
Dài hạn (vài tháng - 1 năm) thì trữ trong ngăn đông (-18°C hoặc thấp hơn) giúp hạn chế quá trình oxy hóa và ôi dầu.

- Dụng cụ bảo quản:

Bình thủy tinh hoặc hộp kín, để mỡ lợn hạn chế tiếp xúc với không khí giúp giảm quá trình oxy hóa;
Túi hoặc hộp kín khi trữ đông: Nên chia nhỏ mỡ lợn thành từng phần để dễ sử dụng;
Không nên dùng hộp nhựa mỏng vì có thể bị thấm dầu hoặc hấp thụ mùi.

- Tránh ánh sáng và không khí:

Giữ mỡ lợn ở nơi tối và mát;
Nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng, cần để trong lọ kín, đặt nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời. Dùng nắp đậy kín;
Hạn chế tiếp xúc với oxy giúp mỡ lâu bị ôi hơn.

ThS.DS Lê Hồng Dũng cũng cho hay, khi mỡ lợn bị hỏng sẽ có những dấu hiệu sau:

Mùi hôi, khét, ôi dầu. Đây là dấu hiệu của quá trình oxy hóa;
Màu sắc chuyển vàng hoặc sậm lại. Điều này cho thấy chất béo đã bị phân hủy;
Có vị chua hoặc đắng, lúc này không nên tiếp tục sử dụng.

"Để bảo quản mỡ lợn tốt hơn, nên thêm muối khi rán mỡ. Lọc sạch cặn trước khi đổ vào bình chứa để tránh oxy hóa. Không dùng đũa hoặc thìa ướt khi lấy mỡ để hạn chế nhiễm khuẩn từ dụng cụ ướt… Nếu bảo quản đúng cách, mỡ lợn có thể giữ được vài tháng ở ngăn mát tủ lạnh và hơn 1 năm ở ngăn đông mà không bị hỏng", ThS.DS Lê Hồng Dũng hướng dẫn.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tac-dung-cua-mo-lon-va-cach-bao-quan-mo-lon-thom-ngon-16925040111232804.htm