Có đến nỗi như vậy không?

Những ngày cuối năm, ai cũng tất bật, hối hả. Tuy nhiên, lại có những kẻ ăn không ngồi rồi, vô công rỗi nghề nghĩ ra muôn vàn lý do chống phá, nói xấu chế độ, đến nỗi tết cổ truyền của dân tộc cũng được chúng lấy làm chủ đề nói xấu, xuyên tạc Việt Nam với giọng điệu rất thê lương: 'Một cái tết buồn'.

Chúng cho rằng: “Xem ra, cái tết Quý Mão, rồi cái tết Giáp Thìn, Ất Tỵ tiếp tới… sẽ ngày một thê lương, hiu hắt. Sau khi bán tất cả tài nguyên quốc gia, vay nợ ngập đầu, chế độ cộng sản Việt Nam sẽ chỉ còn biết bán sức khỏe, bán sinh mạng của người dân Việt Nam với thân phận cu-li với giá rẻ mạt, bòn mót từng đồng thuế phí tới cùng kiệt những thân phận còn đau khổ gấp trăm lần những chị Dậu, anh Pha ngày xưa. Khắp nơi trên mảnh đất mang tên xác người này, đâu đâu cũng tràn ngập những thân hình xơ xác, những đứa bé thất học, đen đúa cầm tập vé số đi van nài người đi đường mua giúp một tờ… Hình ảnh những người công nhân nước mắt ầng ậc trước dĩa cơm cuối cùng ở nhà máy khiến cho ta xót xa tới ám ảnh…”. Và nguyên nhân, theo chúng, đó là tình trạng đóng cửa nhà máy, sa thải công nhân, cắt giảm sản lượng của một số công ty, xí nghiệp ở Việt Nam.

Tết sung túc, tết sum vầy, tết đoàn viên là mong muốn của mọi người, mọi nhà, của người dân ở mọi quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất cao, ước đạt trên 8% là dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch Covid-19. Song, xét trên tổng thể toàn cầu thì kinh tế thế giới rơi vào suy thoái và phục hồi rất chậm sau đại dịch Covid-19. Điều này đã tác động rất lớn đến Việt Nam bởi nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất lớn (khoảng 200% GDP, thuộc top 20 thế giới). Chính điều đó cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu nền kinh tế thế giới “hắt hơi, sổ mũi”. Việc các doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài đang sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam phải cắt giảm sản xuất, cho công nhân nghỉ việc cũng là điều tất yếu, là công việc nội bộ của họ, Nhà nước không thể thẳng tay can thiệp, bắt họ phải thế này, thế kia.

Một thực tế mà chúng ta phải chấp nhận là tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 26,1%. Điều đó dẫn đến người lao động Việt Nam phải làm việc chân tay trong các nhà máy, xí nghiệp, chủ yếu trong lĩnh vực gia công các mặt hàng tạm nhập - tái xuất như điện tử, da giày, may mặc. Trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động, các quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ thì Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Việt Nam phải điều chỉnh giảm 9% giá trị đồng tiền nội địa so với đồng USD Mỹ. Điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu của đất nước, song lại khiến giá thành nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào tăng. Chi phí sản xuất tăng cao trong khi đầu ra khó khăn dẫn tới các doanh nghiệp của Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam phải cơ cấu, điều chỉnh lại quá trình sản xuất bằng cách cắt giảm sản lượng, thu hẹp quy mô sản xuất. Điều này là lựa chọn hợp lý của các doanh nghiệp, việc cắt giảm lao động là tất yếu, không thể trách họ được. Đó không phải là do sự yếu kém trong quản lý, điều hành của Chính phủ; không phải là mong muốn của Chính phủ mà do tác động khách quan của nền kinh tế thế giới. Năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định, cố gắng hết mình vì doanh nghiệp và vì người lao động.

Ngày 17-12-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động và chăm lo đời sống người lao động, chỉ đạo phải thanh toán đầy đủ lương, thưởng tết Quý Mão cho người lao động. Đây là sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời với thông điệp “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ” đã được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp. Thông điệp đó không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp mà còn gửi tới công nhân, người dân cả nước. Người dân Việt Nam vốn cần cù, thông minh, sáng tạo, lao động chăm chỉ, luôn đồng hành với Đảng, Nhà nước, Chính phủ lúc thuận lợi cũng như khi khó khăn. Vì vậy, họ sẽ không oán trách Chính phủ khi bị mất việc, thay vì ngồi than thân trách phận, họ sẽ tự tìm ra cho mình một công việc phù hợp nhất. Không chịu đầu hàng số phận, vượt lên nghịch cảnh là phẩm chất cao quý của người Việt Nam. Quy chụp mọi trắc trở của người công nhân cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ là việc làm trơ trẽn của các thế lực thù địch.

Nhìn ra thế giới năm 2022, có thể thấy đây là năm rất ảm đạm đối với người lao động. Tình trạng thất nghiệp gia tăng, thu nhập giảm, cuộc sống phải thắt chặt chi tiêu, thắt lưng buộc bụng. Đó là thực tế chung của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Song, không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, không phải do “đám quan chức cộng sản ngạo nghễ giẫm đạp lên tất cả” như các thế lực thù địch tuyên truyền, rêu rao.

Năm 2022 mặc dù còn không ít khó khăn song dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 và những năm tiếp theo vẫn rất khả quan (Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt mức 6,7%). Hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Chính phủ để có một tương lai tươi sáng mà những thành tựu của 36 năm đổi mới đất nước đã minh chứng cho điều đó. Người Việt Nam rất biết cách thu vén cuộc sống. Năm nay, thu nhập giảm so với các năm trước, lương, thưởng tết có thấp hơn các năm trước nhưng điều đó sẽ không làm người Việt Nam mất vui khi tết đến, xuân về. Được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình là ý nghĩa chính của tết cổ truyền dân tộc và là mục đích của đại đa số người dân Việt Nam.

Nói một cái tết buồn ở đây chắc là cái sự buồn của chính các thế lực thù địch ở hải ngoại không có Tổ quốc để trở về khi tết đến, xuân sang.

H.L

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/140379/co-den-noi-nhu-vay-khong