Cơ Điện Lạnh có thể phát triển dự án bất động sản theo trục giao thông chính
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE – sàn HoSE) tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Ngày 1/4, Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE - sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.
Trong năm 2025, Cơ Điện Lạnh đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 10.248 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với năm 2024; và lợi nhuận sau thuế tăng 21,7%, lên mức 2.427 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Ree và đoàn chủ tịch giải đáp các câu hỏi của cổ đông
Về tình hình kinh doanh năm 2024, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Cơ Điện Lạnh cho biết mảng điện năm qua có nhiều bất lợi. Các nhà máy lớn của Cơ Điện Lạnh chủ yếu ở miền Trung - khu vực gần như không có bão, ít mưa trong năm qua. Chỉ có nhà máy tại miền Nam và miền Bắc có thủy văn tốt.
Bên cạnh đó, sản lượng hợp đồng (Qc) do Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) giao cao dù nước thấp, không đáp ứng được sản lượng và bị phạt, dẫn đến có khả năng lỗ. Đến cuối năm 2024, Qc mới được nới lỏng.
Một lý do khác là các khoản thu từ EVN bị chậm do thua lỗ. Theo bà Mai Thanh, doanh nghiệp đã chia sẻ cùng EVN về vấn đề thanh toán tiền điện chậm: “Như với Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã VSH), EVN có lúc nợ tới cả nghìn tỷ đồng. Dù vậy, các vấn đề này hiện đã được giải quyết”.
Tổng quát 2025, phải phát triển công suất mới để đảm bảo tăng trưởng thường niên 15%. Đây là thời điểm vàng để lấy dự án trong ngành điện. Điện gió (tập trung nhiều nhất), điện mặt trời (trên hồ thủy điện), các loại khác như tích trữ điện.
Bà Mai Thanh cũng tiết lộ dự định mở rộng sang các ngành mới, có thể là các dự án phát triển bất động sản theo trục giao thông (dọc theo hệ thống Metro & đường Vành đai TP.HCM).
Tham vọng nâng công suất phát điện lên 5.000 MW
Cũng tại ĐHĐCĐ quan tâm tới lĩnh vực phát triển điện gió, mục tiêu nâng tổng công suất phát điện tới năm 2035 lên tới 5.000 MW (hiện tại 1.000 MW).
Bà Mai Thanh chia sẻ trong năm 2025, Công ty dự kiến đưa một nhà máy điện gió với công suất 48MW, phát điện tháng 11/2025; một dự án thủy điện với công suất 30MW, dự kiến hoàn thành năm 2027; và một dự án điện gió đang tham gia đấu thầu với công suất 176 MW.
Để đảm bảo tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm, Cơ Điện Lạnh cần phải nâng công suất phát điện, cấp nước, diện tích cho thuê và có thêm các hợp đồng trong lĩnh vực cơ điện lạnh.
Ước tính, từ nay tới năm 2030, Cơ Điện Lạnh sẽ không chia cổ tức tiền mặt, chỉ trả cổ tức cổ phiếu để lấy tiền đầu tư, ước tính riêng lĩnh vực điện, mỗi năm cần đầu tư 2.000 - 3.000 tỷ đồng (tỷ lệ 20:80, tương ứng vay đối ứng 8.000 tỷ đồng). Trong đó, đến năm 2030 muốn phát triển 2.000 MW thì cần tổng vốn đầu tư lên tới 3,2 tỷ USD.
“Nếu các tổ chức tín dụng yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao hơn, Công ty sẽ cần nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu so với tỷ lệ dự kiến theo kế hoạch đề ra là 20:80”, bà Mai Thanh nhấn mạnh thêm.

Hội đồng quản trị REE Corporation
Về lĩnh vực mới Điện khí hóa lỏng (LNG), CEO Cơ Điện Lạnh cũng chia sẻ thêm có nhiều nhà đầu tư mời Công ty cùng tham gia, thậm chí còn cho Công ty tham gia với tỷ lệ tới 49%-51% vốn.
“Cơ Điện Lạnh không loại trừ khả năng tham gia vào lĩnh vực Điện khí hóa lỏng (LNG). Trong đó, lĩnh vực cơ điện công trình phải làm, đây là lĩnh vực có cơ hội kiếm lời tốt và Công ty tham gia với vai trò nhà thầu thi công. Đối với lĩnh vực trung tâm dữ liệu, Công ty sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các bên tham gia lĩnh vực trung tâm dữ liệu thuê”, bà Mai Thanh cho biết thêm.
Liên quan tới các khoản đầu tư vào Công ty liên kết, cổ đông nhà nước có kế hoạch thoái vốn Thủy điện Miền Trung (mã CHP) nhưng không có nhà đầu tư tham gia. Trong đó, Cơ Điện Lạnh rất quan tâm tới các thương vụ thoái vốn nhưng định giá cao, tỷ suất lợi nhuận chỉ tầm 5-6%, vì vậy không hấp dẫn nhà đầu tư, dưới kỳ vọng của nhà đầu tư.
“Hy vọng Nhà nước có cách nhìn khác, đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng điện tư nhân hiện nay hoàn toàn thực hiện được và nếu Nhà nước vẫn giữ quan điểm đầu tư hạ tầng điện thì cần đầu tư hệ thống truyền tải để đáp ứng khả năng hấp thụ, truyền tải và không bị ngắt quãng đường điện”, bà Mai Thanh cho biết thêm tại phần thảo luận.
Ngoài ra, Đại hội cũng quan tâm liệu Cơ Điện Lạnh có kế hoạch thoái vốn, cổ phần các lĩnh vực đang sở hữu. Trong đó, CEO Cơ Điện Lạnh nhấn mạnh sẽ giữ tài sản cho giá trị doanh nghiệp được nguyên vẹn và chưa có kế hoạch thoái vốn cổ phiếu VIB, đầu tư cổ phiếu VIB vẫn đang sinh lời tới 60% so với giá gốc.
Và cuối cùng, liên quan tới kết quả kinh doanh, Công ty kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I/2025 tốt hơn so với cùng kỳ khi mà lĩnh vực điện và nước có chuyển biến tích cực
Sắp có tân Tổng giám đốc mới
Về nhân sự, từ tháng 11/2024, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT để quay trở lại Ban Điều hành với vị trí Tổng Giám đốc. ĐHĐCĐ Cơ Điện Lạnh cũng thông qua việc miễn nhiệm ông Huỳnh Thanh Hải khỏi vai trò thành viên HĐQT, đồng thời bầu bổ sung thành viên cho nhiệm kỳ 2023-2027.
Ông Ashok Ramachandran được bầu vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2027 thay thế cho ông Huỳnh Thanh Hải. Trong đó, theo tìm hiểu, ông Ashok Ramachandran có trình độ Thạc sĩ tại Úc với hơn 20 năm kinh nghiệm trong vai trò kỹ sư, quản lý và điều hành doanh nghiệp tại Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và châu Á.
Thêm nữa, từ tháng 7/2018 đến 10/2023, ông Ashok Ramachandran là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch tại Công ty Schindler Ấn Độ và khu vực nam châu Á; và từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2025 giữ vị trí Giám đốc điều hành Công ty JSW Energy.

Ông Ashok Ramachandran sẽ tiếp quản vị trí CEO của Cơ Điện Lạnh.
Bà Mai Thanh tiết lộ, ông Ashok Ramachandran sẽ tiếp quản vị trí CEO của Cơ Điện Lạnh sau thời gian biến động nhân sự vừa qua. Ngược lại, bà Thanh sẽ trở về chiếc ghế Chủ tịch HĐQT. Việc bầu cử ban điều hành sẽ diễn ra trong thời gian tới.
"Thời gian qua, có lẽ các cổ đông cũng có chút lo lắng. Nhưng mọi thứ đều đâu vào đấy. Trò chuyện với ông Ashok, ông hứa sẽ cùng với đội ngũ của Cơ Điện Lạnh, cùng chia sẻ, làm việc, cởi mở để đưa Cơ Điện Lạnh tiến vào một giai đoạn phát triển mới", bà Mai Thanh nhấn mạnh thêm về vị CEO mới của Công ty.
Được biết, Công ty JSW Energy là một Công ty năng lượng hàng đầu tại Ấn Độ khi sở hữu công suất lên tới 8.400 MW. Trong đó, 3.508 MW là nhiệt điện, 1.391 MW là thủy điện 2.826 MW là là dự án điện gió và 675 MW là năng lượng điện mặt trời.
Về cổ tức, trong năm 2024, Cơ điện Lạnh cũng thông qua kế hoạch cổ tức với tỷ lệ 25%. Trong đó, cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10% và cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%.
Kết thúc ĐHĐCĐ, toàn bộ tờ trình được thông qua.