Cô đồng bổ cau 'đúng nhận, sai cãi': Mê tín dị đoan…có xử phạt?
'Đúng nhận, sai cãi' đang thành trend xôn xao mạng xã hội. Câu nói trên xuất phát từ các clip trên TikTok. Nhân vật chính là cô đồng bổ cau T.H được cho là ở Kinh Môn (Hải Dương).
Đáng chú ý, trong một số video, cô đồng T.H thường phán vanh vách bói toán về một vấn đề nào đó và chốt lại bằng câu "đúng nhận, sai cãi". Đây được xem là biểu hiện của hiện tượng mê tín dị đoan trên mạng xã hội. Từ sự việc này, khiến không ít người lo lắng sẽ gây ảnh hưởng lớn, tuyên truyền mê tín dị đoan khi thu hút nhiều người.
Nhận định đây là hoạt động mê tín dị đoan trên mạng xã hội, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra lời khuyên, hoàn toàn không nên theo và không nên tin vào những lời nói này. Bói toán là hành vi mê tín dị đoan và mọi người không nên mất tiền vào những việc thế này.
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo điều này điều kia dưới góc độ thần thánh đã tồn tại hàng nghìn năm qua. Nếu vi phạm pháp luật về tuyên truyền mê tín dị đoan, cơ quan chức năng nên xử lý về mặt hành chính. Bên cạnh đó, phải cảnh báo qua phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho nhân dân.
Dư luận cũng đặt câu hỏi: Pháp luật hiện hành quy định thế nào về hoạt động mê tín dị đoan?
Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hoạt động mê tín dị đoan là hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo điều này điều kia. Do đó, việc cô đồng T.H. nhận đặt lịch để xem bói cho nhiều người thông qua hình thức bổ cau cũng là một hình thức của hoạt động mê tín dị đoan.
Pháp luật hiện hành đã ngăn cấm các hoạt động này và có chế tài xử phạt. Theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Theo luật sư Hoàng Tùng, đối với người thực hiện hành vi mê tín, dị đoan mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội hành nghề mê tín dị đoan, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này theo quy định tại Điều 320 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi dẫn đến làm chết người hoặc thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên hay gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Mời độc giả xem thêm video Mê tín dị đoan, tiền mất tật mang và câu chuyện Vợ hạ sát Chồng tại Đồng Tháp