Cổ đông ngân hàng: Người hân hoan nhận cổ tức tiền mặt, kẻ ấm ức tiếp tục 'nhịn'
Vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong mùa đại hội cổ đông năm nay, đó là cổ tức ngân hàng, đã dần lộ diện. Nhiều ngân hàng đã mạnh tay chi cổ tức tiền mặt sau nhiều năm cổ đông chịu thiệt thòi, nhưng không ít cổ đông vẫn ngậm ngùi 'nhịn'.
Nhiều ngân hàng chia cổ tức tiền mặt
Tại đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, cổ đông Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã đồng thuận với kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 29,5%, với tỷ lệ 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng.
Như vậy, đây là năm thứ hai VIB chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông sau nhiều năm chỉ chia cổ phiếu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Trong năm ngoái, cổ đông cũng đã được hưởng cổ tức tỷ lệ lên tới 35%, trong đó tiền mặt là 15% và cổ phiếu là 20%.
Tương tự, đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng cũng dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024.
Với mức chia cổ tức này, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.800 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2024.
Tuy chưa họp đại hội cổ đông, song trong tài liệu công bố, một số ngân hàng khác cũng dự báo chia cổ tức khá hào phóng.
Chẳng hạn Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) dự kiến sẽ trình đại hội đồng cổ đông phương án chia cổ tức 2023 lên đến 25% gồm 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu. Đồng thời, HDBank cũng dự kiến trả cổ tức năm 2024 lên đến 30%, bao gồm tiền mặt và cổ phiếu.
Hay trong tờ trình đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng cũng dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho các cổ đông, thực hiện trong quý II và quý III năm nay. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng.
Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai. Tại đại hội đồng cổ đông năm ngoái, Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng, cam kết ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp.
Vẫn còn cổ đông ngân hàng “nhịn” cổ tức
Ngoài các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt thì một số ngân hàng vẫn tiếp tục lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo tờ trình đại hội cổ đông, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) dự kiến sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên đến 30%.
Trong khi đó, một số ngân hàng lại vẫn tiếp tục điệp khúc không chia cổ tức hoặc chưa có kế hoạch cụ thể. Tại TPBank, báo cáo tài chính sau kiểm toán 2023 ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 4.463 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận để lại chưa phân phối còn 3.697 tỷ đồng. Tuy nhiên, TPBank chưa có đề xuất chia cổ tức trong năm nay.
Tương tự, cổ đông Sacombank năm nay vẫn thấp thỏm khi ngân hàng này vẫn chưa công bố tài liệu đại hội cổ đông. Trước đó, cổ đông Sacombank đã 6 năm liên tiếp không có cổ tức do Ngân hàng thực hiện đề án tái cơ cấu sau khi sáp nhập Southernbank.
Tại đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra sáng nay, cổ đông Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) lại tiếp tục chất vấn lãnh đạo ngân hàng vì sao ngân hàng không bỏ 1.800 tỷ đồng lợi nhuận còn lại để chia thưởng cho cổ đông.
Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank giải thích, Ngân hàng cần bỏ tiền để đầu tư, xây dựng nền tảng. “Mong cổ đông kiên nhẫn mong cổ đông kiên nhẫn để chúng ta hái quả ngọt hơn vì chiến lược thì không thể nhanh được, cần thời gian kiên trì” – lãnh đạo ABBank nói.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh năm 2023 của ABBank không mấy khả quan, Ngân hàng chỉ đạt vỏn vẹn 513 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 69,6% so với năm 2022. Năm 2024, ABBank cũng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo ngân hàng này, lợi nhuận ngân hàng sụt giảm do phải thoái dự thu lãi trái phiếu đầu tư đáo hạn chưa được thanh toán, thoái lãi dự thu các khoản cho vay do phát sinh nợ quá hạn; dự phòng rủi ro tín dụng phải trích lập tăng cao…
Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT đã “nhận trách nhiệm” trước cổ đông về lợi nhuận trước thuế năm 2023 chưa đạt kế hoạch theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ giao, một phần cũng do công tác dự báo, lập kế hoạch chưa sát thực tế.
Theo ông Đào Mạnh Kháng, năm 2023 là năm NIM (biên lãi ròng) giảm khủng khiếp. Những ngân hàng lớn có lợi thế lớn vì tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao, còn ABBank do CASA thấp, chịu áp lực chi phí vốn quá cao. Thêm vào đó, nợ xấu phát sinh càng khiến cho NIM càng thấp. Mặc dù phần lớn khoản cho vay đều có tài sản đảm bảo, song theo Chủ tịch ABBank, kể cả có tài sản đảm bảo thì thu hồi tài sản cũng không dễ dàng.