Có được chuyển mục đích sử dụng đất khi bị dính quy hoạch?
Trong quá trình sử dụng đất, không ít trường hợp người dân gặp phải vấn đề liên quan đến đất dính quy hoạch. Câu hỏi đặt ra là liệu đất dính quy hoạch có được phép chuyển mục đích sử dụng hay không?
Đất thuộc quy hoạch là gì?
Theo khoản 36 Điều 3 Luật Đất đai 2024, quy hoạch sử dụng đất được hiểu là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng của các ngành, lĩnh vực.
Đất dính quy hoạch là diện tích đất nằm trong quy hoạch được sử dụng cho các dự án công trình công cộng, đường giao thông hoặc vì mục đích quốc phòng, an ninh. Do đó, đất dính quy hoạch có thể bị hạn chế các quyền sử dụng hoặc bị thu hồi.
Đất thuộc quy hoạch có được phép chuyển mục địch sử dụng đất không?
Căn cứ vào khoản 4 và khoản 6 Điều 76 Luật Đất đai 2024, quy định như sau:
- Nếu quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, người sử dụng đất vẫn có thể tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của mình theo quy định.
- Người sử dụng đất cũng có quyền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và các quy định pháp luật có liên quan.
Như vậy, nếu đất dính quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, người sử dụng đất vẫn có thể chuyển mục đích sử dụng đất.
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định mới nhất
Việc chuyển mục đích sử dụng đất phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 227 Luật Đất đai 2024, bao gồm các bước sau:
1. Nộp hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất
Người sử dụng đất cần nộp hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền.
2. Kiểm tra điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất
Cơ quan quản lý đất đai kiểm tra các điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, cơ quan này sẽ hướng dẫn bổ sung và nộp lại.
3. Trình hồ sơ và xác định giá đất
- Nếu giá đất tính theo bảng giá đất, cơ quan quản lý đất đai lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
- Nếu cần xác định giá đất cụ thể, cơ quan quản lý đất đai sẽ lập hồ sơ và trình để phê duyệt giá đất.
4. Nộp tiền sử dụng đất
Người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất theo quy định. Nếu được giảm tiền, cơ quan thu tiền sẽ thực hiện giảm theo đúng quy định.
5. Ký hợp đồng và đăng ký đất đai
- Cơ quan quản lý đất đai ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê.
- Chuyển hồ sơ đến tổ chức đăng ký đất đai để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai và trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
6. Đồng thời chuyển quyền sử dụng đất
Trường hợp người sử dụng đất thực hiện nhận chuyển quyền và chuyển mục đích sử dụng đất, thủ tục đăng ký sẽ được thực hiện đồng thời.
Như vậy, việc chuyển mục đích sử dụng đất dính quy hoạch hoàn toàn có thể thực hiện nếu đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định. Người sử dụng đất nên nắm rõ các thủ tục và quy định hiện hành để bảo vệ quyền lợi và tránh những rắc rối pháp lý không đáng có.