Có được đăng tải kết quả kiểm nghiệm sản phẩm lên mạng xã hội?

Pháp luật cho phép người tiêu dùng được quyền kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm; tuy nhiên không được tự ý công bố kết quả kiểm nghiệm vì đây là thẩm quyền của cơ quan chức năng hoặc của chính doanh nghiệp có sản phẩm đó.

Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng thể hiện sự chủ động khi nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và mang mẫu đi kiểm nghiệm để bảo vệ quyền lợi cá nhân. Điều này cho thấy nhận thức pháp luật và sức khỏe cộng đồng đang được nâng cao.

Tuy nhiên, sau khi có kết quả kiểm nghiệm, không ít người đã vội vàng công bố thông tin này lên mạng xã hội mà không kiểm chứng tính đại diện của mẫu thử hay hậu quả pháp lý có thể phát sinh.

Cụ thể như trường hợp Tiktoker có tài khoản “Sư Tử Ăn Chay” từng gây xôn xao dư luận khi công bố công khai kết quả kiểm nghiệm sản phẩm kẹo Kera lên mạng xã hội.

Còn mới đây, vụ việc liên quan đến sản phẩm giảm cân của nữ DJ Ngân 98 tiếp tục làm dấy lên nhiều tranh cãi. Cụ thể, người dì của Hiền Hana (Hiền Hana là nhân viên của Ngân Collagen) đã mang mẫu sản phẩm giảm cân được cho là của DJ Ngân 98 đi kiểm nghiệm ra kết quả "sản phẩm có chứa chất cấm", sau đó công khai trên mạng xã hội.

Pháp luật quy định ra sao về việc công bố kết quả kiểm nghiệm? Cơ quan nào mới có quyền công bố kết quả kiểm nghiệm, công bố ở đâu?

 Vụ dì của Hiền Hana (nhân viên của Ngân Collgen) kiểm nghiệm sản phẩm giảm cân của Ngân 98 đang thu hút sự quan tâm từ phía dư luận. Ảnh chụp màn hình

Vụ dì của Hiền Hana (nhân viên của Ngân Collgen) kiểm nghiệm sản phẩm giảm cân của Ngân 98 đang thu hút sự quan tâm từ phía dư luận. Ảnh chụp màn hình

Không nên tự ý công bố kết quả kiểm nghiệm

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết:

 Luật sư Hoàng Anh Sơn

Luật sư Hoàng Anh Sơn

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, pháp luật trao nhiều quyền cho người tiêu dùng, trong đó có quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và thông tin cá nhân.

Nếu nghi ngờ sản phẩm có khuyết tật hoặc không bảo đảm an toàn, người tiêu dùng có quyền mang sản phẩm đi kiểm nghiệm tại các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cần nắm rõ kết quả kiểm nghiệm sản phẩm thường chỉ đại diện cho một mẫu thử nghiệm để cho ra kết quả đó chứ không mang tính đại diện, bao quát cho tất cả sản phẩm.

Việc người tiêu dùng tự ý đăng tải kết quả kiểm nghiệm lên mạng xã hội, nếu không chính xác hoặc gây hiểu nhầm, có thể dẫn đến rủi ro pháp lý, bao gồm cả trách nhiệm hành chính, dân sự và hình sự.

Cụ thể, theo Điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018 (quy định về xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng), người nào có hành vi vi phạm quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nếu đăng tải thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật, có tính chất vu khống, xúc phạm danh dự uy tín người khác thì người tiêu dùng có thể bị phạt tiền, bị buộc cải chính thông tin, buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn... theo các quy định tại điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020, khoản 4 Điều 23 Nghị định 115/2018.

Đăng kết quả kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm ở đâu?

Các kênh hợp pháp để đăng công khai kết quả kiểm nghiệm như:

Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý chuyên ngành (Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương...); Cổng thông tin của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm cấp trung ương và địa phương;

Nếu doanh nghiệp tự công bố kết quả sản phẩm đạt chuẩn thì tự công bố sản phẩm kèm kết quả kiểm nghiệm đạt chuẩn (không vi phạm) trên website của doanh nghiệp; Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW): https://vnsw.gov.vn; Cổng thông tin tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm tại Sở Y tế/Sở Công Thương

Ngoài ra, Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, trong đó có hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Nếu vi phạm hành vi cấm trên, căn cứ khoản 7 Điều 4 và khoản 2 Điều 18 Nghị định 75/2019 thì cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100 - 150 triệu đồng và buộc cải chính công khai.

Trường hợp nghiêm trọng, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), với mức án lên đến 7 năm tù. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng còn có thể khởi kiện dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Phản ánh thông tin cần thông qua cơ quan chức năng

Luật sư Hoàng Anh Sơn khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng các kênh chính thức để bảo vệ quyền lợi của mình.

Khi nghi ngờ chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng nên thực hiện các bước kiểm nghiệm sản phẩm theo đúng quy trình: Chuẩn bị mẫu sản phẩm, hàng hóa để yêu cầu kiểm nghiệm; Liên hệ cơ sở kiểm nghiệm có thẩm quyền để yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm; Sau đó, cơ quan Nhà nước tiến hành kiểm nghiệm sản phẩm, bảo đảm các yêu cầu khách quan, chính xác, tuân thủ các quy định về chuyên môn kỹ thuật.

Sau khi có kết quả, nếu phát hiện sản phẩm không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, người tiêu dùng cần thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cơ quan Nhà nước sẽ có chế tài xử lý đối với cá nhân, tổ chức vi phạm như xử phạt hành chính; thu hồi sản phẩm, tiêu hủy hàng hóa; khởi tố hình sự...

Việc phản ánh thông tin cần thông qua cơ quan chức năng, đúng quy trình, để tránh rủi ro pháp lý cho chính mình và góp phần xây dựng thị trường tiêu dùng minh bạch, an toàn

Cơ quan nào được công bố kết quả kiểm nghiệm thực phẩm?

Theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định 15/2018, Nghị định 155/2018 thì việc kiểm nghiệm thực phẩm phải được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân liên quan hoặc phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; cơ quan có thẩm quyền công bố kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tùy thuộc vào mục đích sử dụng kết quả đó (quản lý nhà nước, xử phạt vi phạm, cảnh báo người tiêu dùng...) và được phân cấp rõ ràng. Cụ thể:

Bộ Y tế: Thông qua Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế có thẩm quyền công bố kết quả kiểm nghiệm thực phẩm thuộc nhóm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, nước uống đóng chai... Thường dùng trong quản lý chất lượng sản phẩm, xử lý vi phạm, thu hồi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hiện là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phụ trách kiểm nghiệm và công bố kết quả đối với thực phẩm có nguồn gốc nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến (rau, thịt, cá tươi sống...).

Bộ Công Thương: Quản lý và công bố kết quả kiểm nghiệm đối với sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm công nghiệp, đồ uống... được lưu thông trên thị trường.

Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Công Thương cấp tỉnh: Thực hiện công bố kết quả trong phạm vi địa phương, theo phân cấp và lĩnh vực được giao quản lý. Ví dụ: nếu mẫu kiểm nghiệm do đoàn thanh tra liên ngành cấp tỉnh lấy thì Sở liên quan sẽ là nơi công bố.

Điều 10 Thông tư 26/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và kiểm nghiệm thực phẩm.

Theo đó, kết quả kiểm nghiệm chỉ được công nhận nếu: Mẫu được lấy bởi cơ quan có thẩm quyền; Phòng kiểm nghiệm phải được chỉ định và đạt chuẩn ISO 17025; Được sử dụng cho mục đích quản lý nhà nước.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/co-duoc-dang-tai-ket-qua-kiem-nghiem-san-pham-len-mang-xa-hoi-post850803.html