Có được vận động quyên góp từ thiện bằng tài khoản cá nhân?

Theo luật sư, cá nhân sau khi vận động quyên góp không được tự ý sử dụng tiền từ thiện mà cần nộp lại cho các tổ chức có thẩm quyền để họ thực hiện công tác cứu trợ theo quy định.

Liên quan tới sự việc một số nghệ sĩ bị tố ăn chặn tiền từ thiện và yêu cầu công khai sao kê tài khoản ngân hàng, đại diện Bộ Công an cho biết cơ quan điều tra sẽ vào cuộc nếu có đơn tố giác cùng chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.

Bên cạnh trách nhiệm của các bên trước pháp luật, nhiều người còn quan tâm tới việc nhận quyên góp tiền từ thiện của các nghệ sĩ thông qua tài khoản cá nhân có đúng quy định không? Và họ có buộc phải công khai sao kê tài khoản ngân hàng khi có yêu cầu?

Khó xử lý dù việc vận động từ thiện không đúng quy định

Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) nhận định việc nhiều nghệ sĩ chậm giải ngân hoặc quanh co, không công khai sao kê tài khoản là hành động khiến nhiều người nghi vấn. Có nhiều vấn đề cơ quan công an cần làm rõ nếu vào cuộc, trong đó có quá trình tiếp nhận tiền từ thiện và việc có hay không hành vi ăn chặn tiền ủng hộ.

Trích dẫn Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ, ông phân tích cá nhân không được vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng.

Theo Điều 5, 6 Nghị định này, chỉ các cơ quan, tổ chức nhất định mới được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Khi đó, họ phải thành lập Ban vận động và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ (Ban Cứu trợ). Trưởng Ban Cứu trợ là lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp Trung ương hoặc các cấp tỉnh, huyện, xã tương ứng.

 Theo luật định, việc từ thiện phải do các cơ quan, tổ chức có vai trò nhất định thực hiện. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Theo luật định, việc từ thiện phải do các cơ quan, tổ chức có vai trò nhất định thực hiện. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Về tài khoản nhận tiền ủng hộ, Ban Cứu trợ phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để thống nhất quản lý tiền cứu trợ, mở đầy đủ sổ, chứng từ thu, chi để theo dõi và báo cáo quyết toán kinh phí. Các cơ quan thông tin đại chúng, Hội Chữ thập đỏ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các cơ quan khác được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ được mở tài khoản tại Ngân hàng Thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước.

Trường hợp các cơ quan, đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tập thể, cá nhân đóng góp thì không phải mở tài khoản. Tuy nhiên, họ phải nộp trực tiếp toàn bộ số tiền huy động được vào tài khoản của Ban Cứu trợ theo quy định.

Từ quy định này, luật sư đánh giá việc vận động của các nghệ sĩ là chưa đúng quy định. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều cá nhân đã đứng ra kêu gọi, tiếp nhận và quản lý tiền hay vật chất khác để phục vụ các kế hoạch từ thiện.

"Hành vi tự ý vận động từ thiện là không đúng quy định, song khó có thể xử lý các nghệ sĩ do còn nhiều bất cập. Pháp luật hiện hành cũng chưa có chế tài cụ thể quy định việc xử lý hành vi này", Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội phân tích.

Có bắt buộc phải công khai sao kê?

Gần đây, hai MC đã công khai hàng nghìn trang sao kê tài khoản ngân hàng liên quan tới hoạt động từ thiện. Điều này khiến áp lực dư luận đặt lên các nghệ sĩ khác trở nên lớn hơn. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, họ có bắt buộc phải công khai nội dung này?

Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI), ba yêu cầu thông tin đối với ngành ngân hàng là an toàn, chính xác và bảo mật. Luật Các tổ chức tín dụng 2010 cũng quy định chỉ 3 nhóm đối tượng được tiếp cận, sử dụng thông tin khách hàng gồm: Khách hàng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền (khi có sự cho phép của khách hàng) và cán bộ, nhân viên ngân hàng (sử dụng nội bộ để quản lý, xử lý công việc của ngân hàng).

Do đó, các cá nhân không thuộc 3 nhóm này không có quyền tiếp cận sao kê tài khoản ngân hàng. Dưới góc độ pháp lý, các nghệ sĩ không có nghĩa vụ phải công khai nội dung này.

 Theo luật sư, chỉ 3 nhóm đối tượng theo luật định được tiếp cận sao kê tài khoản ngân hàng của cá nhân. Ảnh: H.L.

Theo luật sư, chỉ 3 nhóm đối tượng theo luật định được tiếp cận sao kê tài khoản ngân hàng của cá nhân. Ảnh: H.L.

Đồng quan điểm, trung tá Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tội phạm học Bộ Công an) đánh giá việc công bố sao kê hay không là quyền của mỗi người. Nếu có hành vi phạm tội, trách nhiệm chứng minh sẽ thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, trung tá Hiếu cho rằng để giữ niềm tin từ phía người hâm mộ, các nghệ sĩ cần chủ động "minh bạch hóa" số tiền từ thiện. Việc một số cá nhân chủ động công khai sao kê tài khoản ngân hàng là bước đi khôn ngoan.

"Pháp luật không bắt buộc các nghệ sĩ phải công khai sao kê tài khoản, song họ cần chủ động điều đó để giữ niềm tin từ người hâm mộ. Khi đã nhận tiền từ cộng đồng để giúp người khác, họ cần có trách nhiệm trả lời cộng đồng khi có dư luận nghi vấn", ông Hiếu nhận định.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-duoc-van-dong-quyen-gop-tu-thien-bang-tai-khoan-ca-nhan-post1260870.html