Có F-16 trong tay, Ukraine sẽ giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crưm từ Nga?
Tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất có thể đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crưm từ Nga.
Chia sẻ với tờ Business Insider, nhà phân tích Frederik Mertens tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược Hague nhận định bằng cách tấn công các hệ thống phòng không trên mặt đất (GBAD) của Nga, Ukraine đang "chuẩn bị mặt bằng" cho những đợt không kích bằng tiêm kích F-16 trong tương lai. Hồi tuần trước, tờ Evening Standard của Anh đưa tin những chiếc F-16 đầu tiên dự kiến sẽ có mặt ở Ukraine trong vài tuần tới.
Trước đó, Đan Mạch tuyên bố bắt đầu chuyển giao F-16 cho Ukraine vào mùa hè năm nay. Na Uy và Bỉ cũng đã cam kết cung cấp F-16 cho Kiev. Trong khi đó, Đan Mạch, Mỹ, Anh, Pháp và Romania đang giúp đào tạo cho phi công Ukraine.
“Chúng ta không nên đánh giá quá cao tác động từ số lượng tiêm kích F-16 được bàn giao hạn chế”, ông Mertens nhấn mạnh.
Song theo ông, bán đảo Crưm “dễ bị tổn thương”, mà đặc biệt khi bị chiến đấu cơ F-16 tấn công. “Nga có không gian cơ động tương đối hạn chế trên bán đảo, và nguồn tiếp tế phụ thuộc vào cầu Kerch. Nếu số lượng máy bay chiến đấu hạn chế có thể tạo ra được tác động thực sự, thì chính là ở Crưm. Có thể tiếp cận toàn bộ Biển Đen, sau khi GBAD ở Crưm bị xử lý”, ông Mertens nói.
Trên thực tế, Ukraine đã nhiều lần khiến các lực lượng Nga ở trong và xung quanh bán đảo Crưm phải bối rối. Với việc nhận được loạt vũ khí tối tân từ Mỹ, Ukraine được cho càng có động lực để thực hiện tham vọng cắt đứt Crưm với đất liền Nga.
Theo một nhà phân tích quốc phòng, ngoài tiêm kích F-16, Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa do Mỹ cung cấp cho Ukraine có khả năng khiến Crưm trở nên "không còn giá trị về mặt quân sự" đối với Nga.
Hồi tháng 4, tờ New York Times đưa tin Mỹ đã bí mật chuyển khoảng 100 ATACMS tới Ukraine, và các lực lượng Kiev đã đưa vào sử dụng.
Crưm hiện mang tính biểu tượng hơn là chiến lược
Giới chức Kiev nhiều lần khẳng định sẽ giành lại quyền kiểm soát Crưm, bán đảo thuộc Ukraine nhưng đã sáp nhập vào lãnh thổ Nga hồi năm 2014. Một số nhà bình luận cho rằng, đây chỉ là giấc mơ viển vông của Ukraine. Song thực tế, Kiev đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho các lực lượng Nga hoạt động ở Crưm.
Trong hơn 2 năm bùng nổ xung đột, Ukraine nhiều lần tuyên bố đã đánh chìm các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga, ném bom thành phố cảng Sevastopol, và tấn công cầu Kerch (hay cầu Crưm) chiến lược nối bán đảo Crưm với đất liền Nga.
Lâu nay, Crưm còn đóng vai trò là trung tâm hậu cần và tuyến đường cung cấp quân sự quan trọng cho các lực lượng Nga hoạt động ở miền nam Ukraine, đồng thời là bệ phóng cho một số cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga.
Tuy nhiên, việc quân đội Ukraine nhiều lần tấn công vào cầu Kerch, cùng cơ sở hạ tầng, kho quân sự và vũ khí của Nga ở Crưm được cho đã khiến Moscow phải suy nghĩ lại việc sử dụng bán đảo này.
Sau khi quan sát và nghiên cứu hình ảnh vệ tinh của công ty Maxar Technologies (Mỹ), nhóm tình báo nguồn mở Molfar của Ukraine cho hay từ tháng 2 đến giữa tháng 4, không có đoàn tàu chở hàng nào của Nga chở thiết bị quân sự qua cầu Kerch.
“Điều này có thể cho thấy Nga không còn vận chuyển hàng hóa quân sự qua cầu Kerch sau các cuộc tấn công trước đó, và chuyển sang sử dụng các tuyến đường thay thế”, Molfar cho hay.