Cô gái bất ngờ bị chỉ trích 'quá xinh đẹp để làm bác sĩ'
Dù là một bác sĩ chuyên môn cao ở Las Vegas, Medina Culver vẫn bị nhiều người đánh giá thấp năng lực chỉ vì cô sở hữu ngoại hình như người mẫu.
Zing trích dịch bài đăng từ New York Post và Insider, đề cập đến vấn đề phân biệt giới tính và tiêu chuẩn kép trong ngành y.
Medina Culver là bằng chứng sống cho thấy phụ nữ không bao giờ là quá gợi cảm để có thể trở thành một bác sĩ. Thế nhưng, một số người không chấp nhận quan điểm này.
Năm 22 tuổi, khi mới tốt nghiệp, Culver nộp hồ sơ xin việc tại một trường y. Nhà tuyển dụng đã thẳng thừng hỏi rằng liệu cô có phải đã gian lận trong MCAT - bài thi chuẩn hóa đầu ra cho các sinh viên ngành y dược - hay không.
“Chúng tôi thấy những phụ nữ tóc vàng như cô thường không đạt điểm tốt như vậy”, người đàn ông này nói.
Culver hoàn toàn sốc trước những câu hỏi kỳ quặc của người phỏng vấn mình. Tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn ngẩng cao đầu và đáp lại: “Không, tôi không gian lận. Tôi đã học tập và làm việc chăm chỉ để đạt được kết quả này”.
Đây không phải lần đầu tiên nữ bác sĩ bị chế giễu. Hồi còn là sinh viên năm 3 Đại học Touro (bang Nevada, Mỹ), một nam giám thị từng nói rằng Culver quá đẹp để trở thành bác sĩ.
“Những lời nói đó làm tôi tổn thương nhiều, nhưng đồng thời nó khiến tôi phấn đấu chăm chỉ hơn. Tôi muốn chứng minh rằng ngoại hình không quyết định năng lực chuyên môn”, cô kể lại.
Phụ nữ có thể vừa đẹp, vừa giỏi
Khi mới chỉ 12 tuổi, Culver đã quyết tâm theo đuổi ngành y. Cô được các giáo viên đánh giá thông minh và luôn giữ mức điểm GPA trung học là 4.0.
Ở tuổi 31, Culver trở thành nữ bác sĩ duy nhất thuộc một hệ thống phòng khám tư nhân ở Las Vegas (bang Nevada). Thế nhưng, nhiều người vẫn đánh giá thấp năng lực của cô chỉ vì vẻ ngoài xinh đẹp như người mẫu.
“Không biết bao nhiêu lần tôi bị nói rằng mình quá xinh đẹp để làm việc trong lĩnh vực y tế. Họ khẳng định tôi làm công việc khác, chẳng hạn như diễn viên hoặc người mẫu. Đó là một lời nhận xét cực kỳ phân biệt giới tính, thể hiện tiêu chuẩn kép về ngoại hình phụ nữ và gây tổn thương tinh thần tôi”, nữ bác sĩ 31 tuổi cho biết.
Do cảm thấy quá mệt mỏi, Culver quyết định sử dụng mạng xã hội để bảo vệ bản thân, cũng như truyền tải thông điệp một người phụ nữ hoàn toàn có thể vừa tài giỏi, vừa xinh đẹp. Tài khoản Instagram của cô nhanh chóng thu hút hơn 28.000 người theo dõi.
“Phụ nữ đẹp không chỉ ở gương mặt. Chúng tôi còn có thể là những bác sĩ tài năng”, cô viết.
Bên cạnh những bình luận ủng hộ lập trường của Culver, không ít người - cả nam và nữ giới - phản đối nữ bác sĩ vì cô “khoe khoang về thành tích bản thân quá nhiều”. Họ cho rằng Culver “xấu xí” và “tự phụ”. Tuy nhiên, những bình luận tiêu cực không khiến cô nản lòng.
“Tôi vẫn sẽ tiếp tục đưa ra những thông điệp về trao quyền cho phụ nữ, ngay cả khi phải đối mặt với những anh hùng bàn phím”, Culver khẳng định.
Cô tin rằng phái đẹp cần “giúp đỡ, hỗ trợ” lẫn nhau chứ đừng “chỉ trích”, đồng thời ủng hộ họ hãy bước ra khỏi chuẩn mực xã hội.
“Khả năng được giúp đỡ mọi người, thậm chí là thay đổi cuộc sống của một ai đó, mang lại cho người bác sĩ như tôi cảm giác hạnh phúc tuyệt vời. Thực sự khó tìm được công việc nào khác có thể đem lại những cảm xúc ấy”, cô khẳng định.
Ảnh bikini không liên quan tới y đức
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Vascular Surgery vào tháng 12/2019 đã gây ra tranh cãi lớn trên Twitter vì cho rằng bác sĩ phẫu thuật đăng ảnh mặc bikini là không phù hợp với đạo đức nghề nghiệp.
Trong bản báo cáo, tác giả của bài nghiên cứu đã gán những nữ bác sĩ đăng ảnh bikini lên mạng xã hội với các cụm từ như "khiêu gợi", "kém chuyên nghiệp" và "không phù hợp”, theo Insider.
“Nghiên cứu này khiến tim tôi muốn tan nát. Bác sĩ cũng là con người”, Emily Casey - cựu sinh viên y khoa - nói.
Ngay lập tức, nhiều bác sĩ - cả nam lẫn nữ - đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với nghiên cứu này và cho đây là sự phân biệt giới tính. Một số người chỉ ra rằng việc đăng kiểu ảnh như thế nào không ảnh hưởng đến kỹ năng chuyên môn của bác sĩ.
Các chuyên gia y tế khác cũng gọi nghiên cứu này là sự bôi nhọ các nữ bác sĩ. Để phản đối bài nghiên cứu trên, nhiều phụ nữ làm việc trong lĩnh vực y tế đã chia sẻ ảnh chụp diện bikini lên mạng cùng với hashtag #MedBikini kèm thông tin thành tích của họ, trong đó có bác sĩ Culver.
Ariela Rozenek - một bác sĩ chuyên sản phụ khoa - đã chia sẻ quan điểm của mình trên Twitter về tiêu chuẩn kép khi bàn đến chuyên môn giữa bác sĩ nam và nữ. Cô cũng trích dẫn một nghiên cứu về việc phân biệt đối xử bác sĩ phẫu thuật dựa trên giới tính.
"Việc phân biệt giới tính mới thực sự là ví dụ thực tế về hành vi kém chuyên nghiệp", Rozenek viết.
Trước làn sóng chỉ trích dữ dội, ngày 24/7, tác giả của nghiên cứu trên, tiến sĩ Jeff Siracuse, đã lên tiếng xin lỗi về những kết luận gây tranh cãi của mình.