Cô gái Hà Nội mang cà phê Quảng Trị ra thế giới
Giữa một buổi chiều hanh nắng trên vùng đồi Hướng Phùng, huyện vùng cao Hướng Hóa (Quảng Trị), tôi gặp chị Nguyễn Thị Bích Chi trong căn nhà nhỏ nằm lưng chừng đồi, phía sau là những hàng cà phê mướt xanh đang vào độ đẹp nhất.
Không giống với hình dung của tôi về một người nông dân, chị Chi xuất hiện với dáng vẻ thanh lịch của một tiếp viên hàng không - một công việc chính của chị suốt hơn hai thập kỷ qua. Ấy vậy mà, cô gái ấy lại đeo đuổi một giấc mơ đầy quyết liệt, mang hương vị cà phê của vùng đất lửa vươn ra thế giới.
Rót mời tôi 2 ly cà phê, 1 Arabica, 1 Liberica, Chi cho biết, cả 2 đều do chị trồng và tự tay lên men theo công thức riêng. Trong hương thơm nồng ấm ấy, cô gái sinh năm 1985, lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, bắt đầu câu chuyện về hành trình tìm kiếm một ly cà phê sạch.
Khởi đầu từ một câu hỏi
Cuối năm 2019, Bích Chi khởi động một dự án nhỏ, đó là lắp đặt máy bán cà phê tự động trong bệnh viện. Mục tiêu của cô là mang đến cho bệnh nhân và người nhà những ly cà phê chất lượng, an toàn. Nhưng khi đi tìm nguồn cung nguyên liệu, điều khiến cô ngạc nhiên là không ai có thể chứng minh được ly cà phê họ gọi là “sạch” thực sự được sản xuất như thế nào. “Tôi không rành uống cà phê, không hiểu thị trường, cũng chẳng biết quy trình sản xuất ra sao, thì làm sao tôi có thể kiểm chứng? Vậy nên, tôi quyết định phải tự mình học, tự mình trồng, tự mình làm ra ly cà phê mà mình tin tưởng”, Chi kể.
Hành trình tìm hiểu về cây cà phê đưa cô đến với sự thật ít người nói. Đó là việc hầu hết người trồng chỉ quan tâm đến năng suất; họ bằng cách sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc kích thích để thu hoạch sớm nhất nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí. Kết quả là những hạt cà phê không đảm bảo chất lượng, song vẫn được bán đi như những sản phẩm tốt.
“Vì không thể đặt niềm tin vào bất kỳ ai, tôi buộc phải tin vào chính mình. Tôi quyết định trồng cà phê sạch”, Chi nói, và chính quyết định ấy đã dẫn cô đến Quảng Trị. Trong quá trình tìm hiểu, chị nhận ra Việt Nam chỉ có ba vùng trồng được cà phê Arabica chất lượng là Sơn La, Cầu Đất (Lâm Đồng) và Quảng Trị. Sơn La gần biên giới, người dân đã khá giả, ít ai mặn mà với thay đổi. Cầu Đất thì quá đông doanh nghiệp lớn, khó chen chân. Chỉ còn Quảng Trị, vùng đất mà đời sống người dân còn nhiều gian khó, là nơi chị cảm thấy mình có thể bắt đầu điều gì đó khác biệt.
Một người bạn gợi ý: “Ba mình có mảnh vườn ở Hướng Phùng, nếu muốn thì về xem thử”. Chi đến, gặp chú Lê Đức Bình, một người nông dân luôn trăn trở với chuyện làm nông bền vững, và thấy đây chính là nơi mình đang tìm kiếm. Chú Bình nhận hỗ trợ Chi canh tác, còn chị thì đầu tư trồng 5ha cà phê theo phương pháp hữu cơ. Chị chọn giống Arabica và cà phê mít (Liberica), những giống ít phổ biến nhưng có tiềm năng lớn về hương vị.
Những ngày đầu không hề dễ dàng. Gần 3.000 cây cà phê mua từ nơi khác về trồng đều chết sạch vì không thích nghi. Không nản, Chi cùng chú Bình chuyển sang tự ươm giống tại chỗ, cải tạo đất bằng phân hữu cơ từ cá, dứa và các nguyên liệu tự nhiên. Họ học từ thất bại, thử đi thử lại để tạo ra một quy trình canh tác phù hợp với thời tiết, khí hậu nơi đây.
Khi cà phê bắt đầu cho trái, chị tiếp tục học rang, học lên men, học pha chế. Chị không muốn bán cà phê nguyên liệu, thứ luôn bị ép giá, mà muốn bán sản phẩm hoàn chỉnh. “Cà phê là cả một chuỗi giá trị. Người trồng phải hiểu mình đang gieo thứ gì. Người sơ chế phải biết cách giữ lại hương. Người rang phải biết khai thác vị. Người pha phải hiểu câu chuyện phía sau hạt cà. Tôi muốn đi hết con đường ấy”, Chi chia sẻ.
Chị đặt tên cho sản phẩm của mình là cà phê CupnCare. Chúng được lên men 2 đến 3 lần, có loại kéo dài tới 5 tháng. Mỗi mẻ cà phê là một “thí nghiệm” thủ công, với nỗ lực tìm ra hương vị đặc trưng nhất cho vùng đất Quảng Trị. Chi bảo: “Tôi không bán cà phê, tôi bán giá trị mà nó mang theo”.
Đưa cà phê Quảng Trị ra thế giới
Năm 2022, lần đầu tiên đem sản phẩm đi thi, CupnCare đoạt giải Arabica được yêu thích nhất tại cuộc thi Vietnam Amazing Cup. Ngay sau đó, thương hiệu này trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong bộ sưu tập 20 mẫu cà phê xuất sắc tại Hội nghị cà phê vành đai Thái Bình Dương.
Hiện nay, CupnCare đã có mặt ở 2 tiệm cà phê tại Seoul (Hàn Quốc). Một nhà rang đến từ Nhật Bản cũng đang thu mua nhân xanh của Chi với giá 1,1 triệu đồng/kg, một mức giá mà trước đây người dân Hướng Phùng chưa từng nghĩ đến. Dù sản lượng mỗi năm chỉ vài trăm kg, nhưng đó là những hạt cà phê có “câu chuyện”, có cá tính, và có người trân trọng.
Tháng 3/2024, Chi mời chuyên gia thử nếm Hoàng Văn Thanh về Hướng Phùng để tập huấn chế biến cà phê Liberica cho bà con. Buổi tập huấn không chỉ truyền cảm hứng mà còn làm thay đổi nhận thức: Giá cà phê mít tăng gấp ba lần chỉ sau một thời gian ngắn, bởi đã có người biết cách khai thác giá trị thật sự từ nó.
“Mới đây, một ông khách người Nhật uống thử cà phê của tôi, liền đặt mua 5kg với giá vài triệu đồng mỗi kilogram. Người hiểu được cà phê của mình cần thời gian, cần trải nghiệm. Cà phê đặc sản không dành cho số đông, càng không thể bán kiểu đại trà như rượu vang 5 đô”, Chi chia sẻ. Với cô, giấc mơ cà phê không dừng lại ở chuyện bán được bao nhiêu, mà là khi người ta nhắc đến cà phê đặc sản Việt Nam, cái tên Quảng Trị được xướng lên đầu tiên. Và xa hơn, đó còn là giấc mơ về một nền nông nghiệp tử tế, nơi người trồng được sống bằng giá trị thật của lao động, bằng sự trân trọng dành cho đất và cây.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/co-gai-ha-noi-mang-ca-phe-quang-tri-ra-the-gioi-i767467/