Cô gái và nhóm bạn mời 2 cựu chiến binh bị đuổi chỗ đến xem diễu binh
Chỗ ngồi của nhóm Hoàng Dung đã khá chật song khi thấy hai cựu chiến binh bị đối xử vô lễ, các thành viên nhanh chóng xích lại, mời họ qua ngồi chung.

Nhóm của Dung mời các cựu chiến binh bị hai chàng trai mắng chửi, đuổi ra khỏi vị trí xem diễu binh vào ngồi chung.
Ngày 29/4, nhóm bạn 9 người của Dương Hoàng Dung (sinh năm 2006, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) có mặt trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ khoảng 15h, háo hức chờ xem chương trình diễu binh, diễu hành mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đem theo bánh kẹo, nước uống, cả nhóm quyết tâm “cắm cọc” tại chỗ, chờ đến sáng hôm sau để có tầm nhìn đẹp ngắm các chiến sĩ đi qua.
Hơn 1h sáng 30/4, Dung và các bạn nghe thấy tiếng ồn ào từ nhóm người gần đó. Nhìn qua, họ thấy hai cựu chiến binh và một phụ nữ đi cùng muốn di chuyển từ phía ngoài gần mặt đường vào bên trong, nơi có khoảng đất thoáng hơn, nhưng bị một nhóm bạn trẻ ngăn lại.
“Lúc đó khá ồn ào, chúng tôi không nghe rõ ngọn ngành từ đầu ra sao, chỉ thấy 3 người lớn tuổi đứng ở khu vực gốc cây, khó xử vì không thể đi vào trong”, Dung kể với Tri Thức - Znews.
Thấy các cựu chiến binh bị nói nặng lời, nữ sinh TP.HCM cũng nói với một trong các nam thanh niên đang cự cãi: “Thôi, anh để các bác vào ngồi với chúng em đi. Không có những cựu chiến binh như các bác thì làm sao có chỗ cho các anh ngồi đây như bây giờ”. Tuy nhiên, nhóm của nam thanh niên nọ vẫn gay gắt.

Hoàng Dung (giữa, áo xanh đậm) và các bạn đã chờ hơn 12 tiếng để xem diễu binh.
Nhóm bạn của Dung cũng thấy ái ngại với các cựu chiến binh đang trong hoàn cảnh khó xử. Dù đang ngồi ở khu vực khá chật, các thành viên vẫn nhanh chóng bảo nhau dồn lại, tạo khoảng trống cho 3 người lớn tuổi.
“Các bác ơi qua ngồi với chúng cháu đi ạ, ở đây còn chỗ ạ”, nhóm sinh viên liên tục nói lớn, hướng về phía các cựu chiến binh để họ nghe thấy. Sau ít phút ngần ngừ, họ cũng quyết định di chuyển qua chỗ nhóm bạn.
“Ban đầu, các bác có vẻ ngại, thậm chí đưa thẻ cựu chiến binh, giấy tờ chứng minh tham gia kháng chiến cho chúng tôi xem để chứng minh thân phận, nhưng chúng tôi nói không cần. Chúng tôi mới là những người may mắn khi được ngồi cùng các chứng nhân lịch sử”, Dung kể.

Ngoài hai cựu chiến binh gặp sự cố, Dung còn làm quen được một số cựu chiến binh khác đến tham dự đại lễ kỷ niệm.
Nhớ lại sự việc, nữ sinh Nhân văn càng cảm thấy thương các cựu chiến binh, cô thấy rõ sự buồn tủi trên gương mặt những người có công với đất nước. Để an ủi, nhóm sinh viên hỏi han thông tin của hai cựu chiến binh, nhờ họ kể về những ngày tháng ở chiến trường.
Theo đó, hai người chia sẻ mình đều là lính đặc công, lặn lội từ miền Bắc vào TP.HCM để tham dự đại lễ.
“Bác là người trực tiếp tham gia chiến trường năm đó. Sau 50 năm quay lại, tưởng được chào đón đàng hoàng, ai ngờ bị đuổi như vậy. Tủi lắm cháu ạ”, lời bày tỏ của người cựu chiến binh làm Dung quặn lòng.
Suốt vài tiếng đồng hồ sau đó, hai thế hệ ngồi trò chuyện thân tình cho tới giờ bắt đầu lễ kỷ niệm sáng 30/4. Ngoài ra, cả nhóm còn mời thêm hai cựu chiến binh ngồi gần đó tới chung vui. Đến sáng, Dung quan sát các cựu chiến binh đã có phần vui vẻ, thoải mái hơn và tận hưởng không khí của sự kiện.
Cô gái sinh năm 2006 cho biết sau khi đại lễ kết thúc và clip ghi lại cuộc cự cãi của nhóm nam thanh niên với các cựu chiến binh lan truyền trên mạng xã hội, cô mới biết các cựu chiến binh bị nói nặng lời đến thế nào. Cô và các bạn cũng vui, tự hào khi cả nhóm kịp thời hành động và xem đây là điều nên làm, không có gì to tát.
Dung không kịp hỏi tên hay thông tin liên lạc của các cựu chiến binh có duyên gặp gỡ. Một chàng trai tự nhận là cháu ngoại của một trong hai cựu chiến binh đã nhắn tin, cảm ơn cô và các bạn. Một người khác quen biết cựu chiến binh còn lại cũng bày tỏ sự biết ơn.
“Có nhiều người cũng muốn xin địa chỉ của các bác cựu chiến binh, nói muốn gửi quà thể hiện sự tri ân. Tôi cũng hy vọng có thể kết nối được với các bác”, Dung bày tỏ.