Hành trình đổi thay từ 'đất lửa'

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi trở lại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm - một vùng đất từng là 'trái tim' của căn cứ Bắc (K1) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mảnh đất gắn liền với những ký ức hào hùng của lịch sử nay đã khoác lên mình diện mạo mới, khởi sắc và đầy sức sống. Câu chuyện về sự chuyển mình của Lộc Bắc không chỉ là một hành trình đổi thay về kinh tế, mà còn là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, niềm tin vào tương lai và sự phát triển bền vững.

Lộc Bắc đã có nhiều đổi thay, nhất là về hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, phục vụ người dân

Lộc Bắc đã có nhiều đổi thay, nhất là về hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, phục vụ người dân

CHIẾN KHU CHUYỂN MÌNH

Lộc Bắc nằm ở phía Nam Tây Nguyên, là điểm cuối của dãy Trường Sơn hùng vĩ, với địa hình hiểm trở, nối liền tỉnh Đắk Nông với Bình Phước và Chiến khu Đ miền Đông Nam Bộ. Chính vị trí chiến lược này đã khiến Lộc Bắc trở thành một căn cứ quan trọng trong suốt những năm tháng kháng chiến. Nơi đây đã trở thành một "trái tim" của căn cứ Bắc (K1), nơi trung chuyển quân lương, vũ khí và thông tin liên lạc giữa các chiến khu lớn.

Theo lời kể của ông K’Sung (sinh năm 1958), nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc, người từng tham gia chiến đấu trong những năm tháng gian khổ, chia sẻ: “Lộc Bắc là vùng đất rất quan trọng đối với công cuộc kháng chiến. Không chỉ vì địa hình hiểm trở, mà còn vì vai trò chiến lược trong việc nối liền các tuyến đường hành lang Bắc - Nam”. Ông nhớ lại: “Chúng tôi - dân Lộc Bắc, không kể già trẻ, gái trai, đều tham gia phục vụ cách mạng. Lúc nhỏ, tôi đã cùng cha mẹ tải đạn, nấu cơm cho bộ đội khi chiến tranh đang diễn ra căng thẳng”.

Năm 1961, khi căn cứ K1 được thành lập, xã Lộc Bắc chỉ có khoảng 1.705 người, chủ yếu là đồng bào Mạ. Tuy nhiên, trong suốt cuộc chiến, hơn 400 thanh niên của xã đã tình nguyện thoát ly vào quân giải phóng, đóng góp sức lực cho sự nghiệp kháng chiến. Những hy sinh của họ cùng với sự kiên cường của bà con nơi đây đã góp phần giữ vững được vị trí chiến lược của vùng căn cứ. Trong những trận chiến khốc liệt ấy, quân dân Lộc Bắc đã cùng nhau chống càn, bắn rơi 13 máy bay địch, góp phần giữ vững vị trí chiến lược của vùng căn cứ. Câu chuyện về già làng K’Lút và cụ K’Sơn - những người dù tuổi cao nhưng vẫn tham gia dân công hỏa tuyến - đến nay vẫn còn được nhắc mãi như biểu tượng của tinh thần cách mạng bất khuất.

Trong căn nhà dài, khói bếp nghi ngút, ông K’Núi kể về những tháng ngày gian khó: “Sau ngày giải phóng, vùng đất này phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất tự cung, tự cấp, tình trạng du canh, du cư khá phổ biến, trong khi cơ sở hạ tầng lại thiếu thốn trầm trọng. Khi nhắc đến Lộc Bắc, người ta thường nghĩ ngay đến một vùng đất nghèo, nơi cái đói, cái nghèo cứ bám riết. Trẻ em lớn lên trong những ngôi nhà ẩm thấp, mắt vàng, bụng trương lên vì giun sán…”.

Trong suốt những năm tháng ấy, giao thông đi lại khó khăn khiến việc vận chuyển nông sản trở nên vô cùng vất vả. Lộc Bắc vẫn được coi là vùng đất nghèo nàn, đầy thử thách, nơi mà người dân phải đấu tranh từng ngày để sinh tồn. Ông K’Núi nhớ lại: “Phải đến cuối thập niên 1990, khi các chương trình hỗ trợ của Nhà nước được triển khai, tình trạng du canh, du cư mới dần giảm bớt. Người dân lúc này mới bắt đầu định cư, định canh và chuyển sang trồng cà phê, chè để phát triển kinh tế lâu dài”.

Tuy nhiên, những khó khăn trong sản xuất vẫn tiếp tục đeo bám. Cây chè, mặc dù xanh tốt, nhưng vì phải trồng trên những sườn đồi cao, mỗi lần thu hoạch chỉ mang về được từ 30 - 40 kg, bởi người dân phải vác chè bằng sức lực của mình, chưa có những phương tiện hỗ trợ. Mặc dù vậy, nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của bà con cùng sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, đến nay Lộc Bắc đã vượt qua được những gian khó ban đầu, dần dần bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ.

Gia đình chị Ka Nhâm (Thôn 2, xã Lộc Bắc) đã mạnh dạn trồng chanh dây xen với cà phê, thu về hơn 50 triệu đồng mỗi vụ

Gia đình chị Ka Nhâm (Thôn 2, xã Lộc Bắc) đã mạnh dạn trồng chanh dây xen với cà phê, thu về hơn 50 triệu đồng mỗi vụ

LỘC BẮC VƯƠN LÊN

Sau năm 2000, Lộc Bắc đã trải qua những thay đổi đáng kể, đặc biệt là trong công tác đầu tư hạ tầng. Đường sá được mở rộng, điện lưới quốc gia phủ khắp, trạm y tế và trường học đạt chuẩn quốc gia. Câu chuyện về những người dân Lộc Bắc hiện nay không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế mà còn là hành trình tiếp cận khoa học, kỹ thuật, mở ra hướng phát triển bền vững.

Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã có cơ hội vươn lên làm kinh tế. Anh K’Hẹ, một nông dân ở Thôn 2, cho biết nhờ được vay vốn 30 triệu đồng để cải tạo vườn cà phê già cỗi, gia đình anh đã có thu nhập gần 100 triệu đồng từ vụ mùa trước. Còn chị Ka Nhâm, một người dân địa phương, đã mạnh dạn trồng chanh dây xen với cà phê và thu về hơn 50 triệu đồng mỗi vụ.

Sự thay đổi của vùng căn cứ cách mạng Lộc Bắc không chỉ dừng lại ở câu chuyện làm kinh tế, mà còn lan tỏa đến đời sống xã hội. Đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người tại Lộc Bắc đạt 47 triệu đồng/năm, trong khi tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,48% - một con số đáng khích lệ đối với một địa phương có gần 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, không chỉ phát triển kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội của Lộc Bắc cũng có nhiều khởi sắc. Xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, phổ cập giáo dục, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia vượt 98%. Những mái nhà kiên cố thay thế những túp lều xưa cũ, những con đường nhựa phẳng lỳ thay cho lối mòn gập ghềnh của một thời chiến khu.

Bà Ka Hương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bắc, chia sẻ: “Mỗi người dân ở Lộc Bắc hôm nay đều ý thức được tư tưởng chính trị và cách mạng của mảnh đất này. Chính vì vậy, họ không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế mà còn phấn đấu vì sự phát triển và vươn lên của quê hương. Thế hệ trẻ hôm nay không còn phải trải qua những tháng ngày thiếu thốn, cực nhọc như cha ông. Các em được học tập trong những ngôi trường khang trang và được tiếp cận những tiến bộ khoa học, kỹ thuật để cùng góp sức xây dựng quê hương”.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Lộc Bắc không chỉ là vùng căn cứ cách mạng kiên cường mà còn là một minh chứng sống động cho sự đổi thay mạnh mẽ của một vùng đất từng chìm trong gian khó. Những người dân Lộc Bắc hôm nay vừa tự hào về quá khứ hào hùng, vừa vững tin bước vào tương lai với khát vọng phát triển bền vững. Lộc Bắc đã và đang viết tiếp trang sử mới - trang sử của một vùng đất kiên cường, không chỉ anh dũng trong chiến tranh mà còn mạnh mẽ vươn lên trong thời bình.

ÁNH NGUYỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202505/hanh-trinh-doi-thay-tudat-lua-fdf26f9/