Cô gái Việt Nam bị hãng bay Mexico ghẻ lạnh vì dịch Covid-19
Dù đã trả lời 'không' với câu hỏi 'Đã tới Trung Quốc trong 30 ngày qua chưa?', Trang vẫn chịu một chuyến đi bị phân biệt đối xử.
Với Trang, tên thường gọi là Tori Vo (cựu học sinh trường Thực nghiệm Sư phạm, TP.HCM, hiện sống ở Mỹ), chuyến bay từ Guadalajara (Mexico) tới San Jose (Mỹ) vào ngày Valentine là trải nghiệm “thật sự đau lòng”.
Kể lại với Zing.vn, Trang cho hay vào đúng ngày Valentine, cô kết thúc chuyến công tác ở Guadalajara và bay về San Jose. Thay vì bay cùng hãng hàng không quen thuộc Alaska Airline, cô chọn chuyến bay sáng sớm với Volaris với hy vọng kịp trở về làm việc.
Là người gốc Á, Trang trải qua sự kiểm tra gắt gao hơn mọi hành khách tại sân bay ở Mexico.
“Nhân viên check-in tại quầy của Volaris đã hỏi tôi có đến Trung Quốc trong 30 ngày qua hay không. Tôi trả lời: 'Không, tôi chưa bao giờ đến Trung Quốc'. Tôi không đánh giá cao cách cô ấy quay sang đồng nghiệp, thì thầm và cười khúc khích”, cô kể lại.
Ngoài những tiếng cười khúc khích không nên có, Trang cũng mất khá nhiều thời gian để nhân viên hãng bay kiểm tra hộ chiếu của mình.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã qua cửa an ninh, cô vẫn bị giữ bởi một nhân viên kiên quyết muốn kiểm tra thêm.
“Tôi nghĩ đó không phải vấn đề lớn vì hầu như tôi luôn cần xác nhận hộ chiếu của mình ở cổng. Nhưng ngay cả sau khi người phụ nữ nói tôi không có vấn đề gì, người đàn ông đã từ chối cho tôi lên máy bay”.
"Khi tôi hỏi tại sao lại như vậy, anh ta cộc lốc nói: 'Không, không, đến đó bạn cần được kiểm tra'. Họ kiểm tra cơ thể tôi, mọi ngăn trong ba lô và hành lý xách tay của tôi. Xong xuôi, người đàn ông nhận vé từ tay tôi và tôi là một trong những người cuối cùng lên máy bay”, cô cho biết thêm.
Khi lên máy bay, trải nghiệm còn trở nên tồi tệ hơn. Trang bước qua cánh cửa với một sự tiếp đón lạnh lùng và im lặng từ một tiếp viên hàng không.
Thấy ghế của mình bị một hành khách khác ngồi vào, cô hỏi tiếp viên nếu xảy ra nhầm lẫn và nhận được câu trả lời: "Cô có thể ngồi ghế khác không? Vẫn là ghế ưu tiên".
Khi Trang đi đến chỗ ngồi của mình và vật lộn để đặt hành lý vào ngăn để đồ ở trên cao, không một tiếp viên nào giúp đỡ cô.
“Các tiếp viên chỉ nhìn chằm chằm vào tôi. Một người lướt qua tôi, nhưng không ai giúp đỡ. Tôi tự làm mọi thứ. Tôi cảm thấy cô lập, bị phân biệt đối xử và rơi nước mắt”.
Trang nói rằng cô phải chịu đựng chuyến bay kéo dài 4 tiếng trong tình trạng bị phớt lờ và bị đối xử như thể cô đang mang mầm bệnh.
“Tôi như người vô hình vì họ bỏ qua hàng của tôi khi đẩy xe chở đồ ăn, uống mời hành khách. Khi tôi yêu cầu một ly nước, người phục vụ lấy ra một cái chai và thả xuống ghế bên cạnh tôi mà không nói lấy một lời hay ngoái đầu lại".
Thậm chí, khi tiếp viên phát tờ khai nhập cảnh cho hành khách, Trang phải chủ động hỏi xin và được cho biết hãng không có tờ đơn nào bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, khi đang điền đơn, cô nhận thấy tiếp viên đưa cho hàng khách khác bản khai nhập cảnh bằng tiếng Anh.
“Tôi có khác nào một ổ bệnh dịch bệnh không? Những người này sao có thể đại diện cho một hãng hàng không? Những hành vi này sao có thể chấp nhận được?”, cô nói và cho biết thêm mình chưa bao giờ cảm thấy bị ngược đãi như vậy trong 14 năm sống ở Mỹ.
“Bản chất của con người là sợ những điều chưa biết, nhưng phân biệt đối xử với người châu Á không có nghĩa là bạn sẽ tránh được virus. Sự phân biệt đối xử không phải là một trong những biện pháp chống lại virus corona. Nó chỉ thúc đẩy dịch bệnh lớn nhất trong tất cả: Phân biệt chủng tộc”, cô khẳng định.
Tại sân bay San Jose, nhân viên nhập cảnh đã động viên khi Trang đến. “Anh ấy nhận thấy khuôn mặt tôi sưng phồng lên, hỏi tôi có ổn không và an ủi tôi: ‘Điều đáng mừng là giờ cô đã an toàn. Chào mừng về nhà!’. Nếu không nhờ anh ấy, tôi thật sự gục ngã”.
Bài đăng của Trang thu hút hàng nghìn phản ứng và chia sẻ từ cộng đồng mạng. Trong số đó, nhiều bình luận bày tỏ sự cảm thông vì họ cũng phải nếm trải sự việc đáng buồn tương tự.
Trang cho Zing.vn hay ngày 19/2, một đại diện của Volaris gọi điện để hỏi han tình hình và yêu cầu cô kể lại câu chuyện. Người này cho hay Volaris sẽ làm việc nội bộ về hành vi sai trái của nhân viên.
"Họ cung cấp cho tôi ưu đãi 50 USD cho chuyến công tác tiếp theo, nhưng tôi từ chối vì chỉ muốn biết Volaris sẽ làm gì để ngăn chặn điều tương tự xảy ra với hành khách. Tôi cũng đã liên hệ với sân bay GDL về nhân viên điều hành và đang chờ hồi âm từ họ", cô cho hay.
Trang nói thêm: "Tôi nghĩ một hãng máy bay cần phải xem lại cách đào tạo nhân viên của mình. Dù quy mô nhỏ hay lớn thì hãng cũng là đại diện của Mexico. Làm như vậy rồi khách du lịch nghĩ như thế nào. Nước họ đẹp, dân họ cũng hiền hòa hiếu khách. Nhưng bay mà bị đối xử vậy, ai cũng sẽ có ấn tượng rất xấu".
Bên cạnh đó, Trang cũng mong sau câu chuyện của mình, mọi người không quay sang kỳ thị người thuộc bất cứ sắc tộc nào. "Đừng để vì sợ dịch bệnh mà phân biệt đối xử với bất cứ ai", cô nhắn nhủ.
Zing.vn đã liên hệ với Volaris Airlines qua email và đang chờ câu trả lời.
Từ khi dịch virus corona mới bùng phát, rất nhiều câu chuyện được người Trung Quốc ở châu Á và người châu Á trên khắp thế giới chia sẻ. Tất cả đều có điểm chung là họ bị xúc phạm, phân biệt đối xử xuất phát từ mối lo ngại không có cơ sở rằng người gốc Á liên quan đến dịch Covid-19.
Michael Ryan - giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp về Sức khỏe thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - nhấn mạnh không nên có sự kỳ thị nào liên quan đến dịch virus corona chủng mới.
“Trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo không có sự kỳ thị nào liên quan đến căn bệnh này. Điều đó không cần thiết và không mang lại ích lợi gì”, ông Ryan nói trong một cuộc họp về dịch bệnh tại trụ sở WHO.