Cô gái xương thủy tinh với đam mê đan móc len
Mắc chứng bệnh xương thủy tinh khi lên 2 tuổi, nên bước sang tuổi 19, em Lê Thị Hoài Nhớ ở thôn Phương An 1, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ chỉ cao 1,1m và nặng 29 kg. Mọi sinh hoạt hằng ngày của em đều cần đến sự hỗ trợ của người thân. Tuy nhiên, không khuất phục bệnh tật, Nhớ đã học đan móc len bằng tay. Bố của Nhớ (anh Lê Văn Hùng) cũng mắc chứng bệnh xương thủy tinh, không thể đi lại, nên mọi gánh nặng trong nhà đổ dồn lên mẹ em là chị Đinh Thị Hoa. Hằng ngày, chị Hoa vừa đi làm, vừa phải tất bật về lo cho 2 cha con.
“Khi Nhớ lên 2 tuổi, chúng tôi phát hiện chân phải của cháu không bình thường nhưng cứ nghĩ cháu bị tật vậy thôi. Lên 5 tuổi, những triệu chứng của bệnh xương thủy tinh dần xuất hiện. Từng đoạn xương ống chân có dấu hiệu gãy ra thành đốt. Cháu không đi lại được mà chỉ nằm một chỗ”, chị Hoa nghẹn ngào kể.
Từ khi phát hiện bệnh, Nhớ đã bị gãy chân hơn 15 lần, có lần em gãy cả 2 chân, xương cổ và xương bả vai bị rạn nên phải vào Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật, điều trị dài ngày. Mặc dù bệnh tật nhưng Nhớ luôn tự nhủ phải cố gắng vươn lên. Trong một lần được các anh chị ở Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng đến thăm và giới thiệu về mô hình đan móc len của chị Lê Thị Mỹ Bình, người khuyết tật ở Yên Bái, Nhớ đã liên hệ, tìm hiểu và tập làm theo. Từ làm thử rồi trở thành đam mê, Nhớ đã tìm được niềm vui với nghề đan móc len bằng tay. “Để làm được những sản phẩm đan móc len, em phải lên mạng học các bước cơ bản, sau đó học thuộc ký hiệu phổ biến trong móc len, rồi làm theo hướng dẫn cụ thể đối với từng sản phẩm. Lúc đầu chưa quen mỗi ngày móc được 2-3 cái móc khóa, đối với những sản phẩm to và phức tạp thì phải mất 2-3 ngày mới xong”, Hoài Nhớ chia sẻ.
Sau gần 4 tháng tiếp cận và làm quen với đan móc len, đến nay Nhớ gần như thuần thục đan móc các sản phẩm từ len, như: túi đựng điện thoại, móc chìa khóa, tai giả đeo khẩu trang bằng len, thú bông…Các sản phẩm sau khi hoàn thành được Nhớ tự tay chụp ảnh đăng lên mạng xã hội để bán. Hiện trang facebook của Nhớ đã được nhiều người ủng hộ và đặt hàng. Mỗi sản phẩm móc len được bán với giá từ 15-50.000 đồng tùy theo loại.
Nhìn những sản phẩm đan móc từ len của Hoài Nhớ làm ra, với hoa văn trang trí lạ mắt, cách phối màu độc đáo, tinh tế và đặc biệt như chính con người của em. Ngoài làm các sản phẩm từ len, Nhớ còn dành thời gian đăng bài bán các loại hàng khác qua mạng xã hội.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ Nguyễn Thị Mỹ Loan cho biết: “Chúng tôi đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm để ủng hộ sản phẩm em Nhớ làm ra. Đồng thời, liên hệ các tổ chức dạy nghề từ thiện giúp Hoài Nhớ tham gia một lớp học may để em có thể tự vươn lên bằng chính công việc và đam mê của mình”.
Lê Trường
* Mọi sự ủng hộ em Lê Thị Hoài Nhớ xin gửi đến Báo Quảng Trị - 311 - Hùng Vương - thành phố Đông Hà (ĐT: 0233.3857.176; 0919001317) hoặc chuyển vào tài khoản: Báo Quảng Trị, số TK: 0771000000456 tại NHTMCP Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Trị; 54010000470399 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị; 102010000393537 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Trị; 3900211011886 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị; hoặc gửi trực tiếp về gia đình theo địa chỉ: Lê Thị Hoài Nhớ, thôn Phương An 1, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.