Có gì trên tàu đưa Christopher Columbus đi thám hiểm

Christopher đề xuất kế hoạch của mình lên nhiều quân chủ, nhưng chỉ có hai người chấp thuận - đó là Vua Ferdinand và Nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha.

 Christopher tuyên bố quần đảo Caribbean thuộc chủ quyền Tây Ban Nha. Ảnh trong sách.

Christopher tuyên bố quần đảo Caribbean thuộc chủ quyền Tây Ban Nha. Ảnh trong sách.

Christopher Columbus.

Nhà hàng hải và nhà thám hiểm người Genoa.

Khoảng 1451-1506.

Suốt thế kỷ XV, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã tài trợ cho các chuyến thám hiểm nhằm tìm kiếm một tuyến đường mới đến châu Á. Họ mong muốn tiếp cận các tơ lụa và gia vị quý giá do Ấn Độ và Trung Hoa sản xuất.

Christopher Columbus là một nhà hàng hải giàu kinh nghiệm, từng đi thuyền quanh Địa Trung Hải từ khi còn nhỏ. Ông muốn đi từ châu Âu, qua Đại Tây Dương, đến châu Á. Christopher đề xuất kế hoạch của mình lên nhiều quân chủ, nhưng chỉ có hai người chấp thuận - đó là Vua Ferdinand và Nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha.

Ngày 12 tháng 10 năm 1492, sau hai tháng lênh đênh trên biển, cuối cùng Christopher và thủy thủ đoàn cũng nhìn thấy West Indies. Ông tin rằng mình đã đến châu Á, nhưng thực tế là ông đã đến mặt bên kia của thế giới!

Tại vùng Caribbean, ông gặp những người bản địa thân thiện và hòa nhã mà ông gọi là “người indio” (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “người Ấn Độ”). Trước khi quay về Tây Ban Nha, Christopher đã lập nơi định cư đầu tiên của người châu Âu trên đảo Hispaniola và bỏ lại đó một số thành viên thủy thủ đoàn.

Tuy nhiên, người châu Âu thường hành xử thô bạo và độc ác đối với “người indio”, những người không muốn bị người Tây Ban Nha cai trị. Trong chuyến hải hành thứ hai của Christopher, ông đã bắt nhiều người bản địa làm nô lệ, một nửa trong số họ chết trong hành trình về Tây Ban Nha.

Các quân chủ Tây Ban Nha không vui vì Christopher đã làm trái lệnh họ rằng phải giữ quan hệ tốt đẹp với người địa phương. Tuy nhiên, hoàng gia vẫn đồng ý tài trợ cho chuyến đi thứ ba và thứ tư của ông với trọng tâm khám phá bờ biển Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Người châu Âu đến và mang cà phê từ châu Phi và đường từ châu Á đến châu Mỹ, còn cây trồng của người Mỹ bản địa, như khoai tây, thì lan ra khắp thế giới. Đến cuối đời, Christopher vẫn tin rằng mình đã đến châu Á mà không hề hay biết rằng mình đã đặt chân lên châu Mỹ!

 Tàu Santa Maria. Ảnh trong sách.

Tàu Santa Maria. Ảnh trong sách.

Hành trình đến châu Mỹ

Trong chuyến đi đầu tiên đầy tham vọng của mình đến Tân Thế giới, Columbus chọn ba con tàu - Ninã, Pinta và Santa María. Trong đó, Santa María là tàu quan trọng nhất vì nó là soái hạm, nghĩa là tàu chở người đứng đầu của chuyến hành trình.

Vì cả ba đều là tàu buôn cũ nên chúng rất nhỏ và không được thiết kế để đi thám hiểm. Điều kiện trên tàu không thuận tiện, và các thủy thủ phải ngủ trên sàn. Columbus điều hướng tàu nhờ vào vị trí của các vì sao, Mặt Trời và Mặt Trăng.

Lương thực trên tàu:

Đồ ăn cứng là một khối bánh quy dày làm từ bột mì. Để làm mềm, các thủy thủ sẽ nhúng nó vào cà phê hoặc nấu nó lên. Bánh thường bị lên giòi, nhưng họ vẫn cứ ăn!

Thịt muối là nguồn cung cấp protein chính cho thủy thủ đoàn. Thịt bò và thịt lợn được bảo quản bằng cách phủ lên thật nhiều muối.

Đậu khô là món chính trong khẩu phần ăn của thủy thủ đoàn. Columbus và các thủy thủ thường ăn đậu lăng hầm và đậu luộc.

Nellie Huang/NXB Dân Trí liên kết Đông A

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-gi-tren-tau-dua-christopher-columbus-di-tham-hiem-post1394026.html